Tìm phương án “cứu bờ biển” bị xâm thực

Thứ Năm, 09/03/2017, 15:51
Sau Hội An (tỉnh Quảng Nam), hiện tượng bị xâm thực, sạt lở thời gian gần đây lại xuất hiện tại nhiều điểm trên dọc bãi biển du lịch Phạm Văn Đồng, Mỹ Khê (TP.Đà Nẵng) khiến người dân và du khách lo lắng. Để bảo vệ một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh này, lãnh đạo chính quyền TP. Đà Nẵng đã khẩn cấp bắt tay vào cuộc…  

Sáng 9-3, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng ông Nguyễn Xuân Anh cùng các ngành chức năng đã đi kiểm tra tình trạng nước biển xâm thực gây sạt lở dọc bãi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng) và việc xử lý nước thải ra bãi biển du lịch.

Được biết, thời gian qua, hiện tượng sạt lở bất thường xảy ra dọc bờ biển Phạm Văn Đồng, đặc biệt xâm thực và sạt lở nặng tại bãi Mỹ Khê khiến người dân và du khách lo lắng.

Hiện tượng sạt lở bất thường xảy ra dọc bờ biển Đà Nẵng, đặc biệt xâm thực và sạt lở nặng tại bãi Mỹ Khê khiến các hộ kinh doanh du lịch, người dân và du khách lo lắng. 

Theo ghi nhận, có đoạn sạt lở cao gần 2m, dài hàng chục mét của các hộ kinh doanh du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bờ biển dọc đường Võ Nguyên Giáp là nơi thu hút nhiều người dân, du khách về đây vui chơi và tắm biển. Tuy nhiên, gần 1 tháng nay, nhiều đoạn bị sóng biển xâm thực. 

Đặc biệt là đoạn trước đường Nguyễn Văn Thoại – Võ Nguyên Giáp bị sóng đánh ăn sâu vào bờ, có đoạn chỉ còn vài mét. Bờ biển dài thoai thoải trước đây giờ đã bị sóng biển khoét vào tạo bờ vực sâu. Tình trạng trên khiến các hộ kinh doanh du lịch ở đây cũng gặp nhiều khó khăn. Không chỉ vậy, nó còn ảnh hưởng hoạt động vui chơi, tắm biển của du khách…

Theo BQL Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng thì do chịu ảnh hưởng của gió, bão nên sóng tạo thành vùng xoáy, nước biển đánh vào xoáy rồi tấp vào bờ gây hiện tượng sạt lở.

Cũng trong sáng ngày 9-3, báo cáo trực tiếp tình hình sạt lở dọc bãi biển với Đoàn kiểm tra, ông Lê Quang Nam, giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TP Đà Nẵng cho biết: Một số ý kiến cho rằng hiện tượng xâm thực, hay sạt lở bờ biển là do nhiều công trình xây dựng khách sạn cao tầng dọc đường biển, đã gây ảnh hưởng đến kết cấu địa tầng là nguyên nhân là hoàn toàn không chính xác. 

Nguyên nhân biển xâm thực là do thay đổi gió mùa gây nên sạt lở. Hôm nay sạt lở chỗ này, ngày mai sạt lở chỗ khác. Tuy  hiện tượng xâm thực, “lấn bờ” năm nào cũng có và rất ít, nhưng bất thường so với năm nay. Nước biển đã lấn bờ, làm sạt lở nhiều điểm và dòng chảy không ổn định, lở chỗ này, bồi chỗ khác… ông Nam nói.

Sáng ngày 9-3 ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã trực tiếp thị sát tình hình sạt lở tại bãi biển Mỹ Khê và chỉ đạo các sở ban ngành khẩn trương tìm biện pháp “cứu bãi biển Đà Nẵng”.

Riêng việc xử lý hệ thống xử lý nước thải đổ ra biển, phải đảm bảo mỹ quan, làm sao để bờ biển du lịch Đà Nẵng vừa đẹp vừa sạch... Ông Mai Mã, Ciám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải TP Đà Nẵng cũng cho rẵng:  Hiện 5 trạm bơm đã quá tải, cần phải được nâng cấp, đầu tư. 

Trước mắt, đề nghị làm 3 cửa xả thải, chứ chờ dự án thì lâu lắm, không biết lúc nào làm. Chúng tôi đề nghị phải mua thêm 10 máy bơm mới (khoảng 5 tỷ đồng) để giải quyết tình trạng nước thải quá tải như hiện nay”, ông Mai Mã đề nghị.

Trong lúc đó, ông Lê Quang Nam cho rằng Sở Xây dựng đang nghiên cứu làm ống ngầm đưa nước thải đã xử lý ra xa ngoài biển. Hiện nước không ô nhiễm, nhưng những con lạch nước xả trực tiếp ra biển như hiện nay đã làm ảnh hưởng không ít mỹ quan, thẩm mỹ cho bãi biển Mỹ Khê, Phạm Văn Đồng...

Sau khi trực tiếp ghi nhận những ý kiến tư vấn chuyên môn và các phương án “bảo vệ chống ô nhiễm môi trường bờ biển, chống xâm thực” của các sở ban ngành ngay tại hiện trường, Bí thư thành ủy Đà Nẵng đã chỉ đạo Sở Tài nguyên – Môi trường phối hợp với các ngành chức năng, cơ quan chuyên môn tìm nghiên cứu tìm cách hạn chế, khắc phục hiện tượng này. 

Không chỉ lãnh đạo TP. Đà Nẵng mà tất cả người dân Đà Nẵng sẽ ủng hộ hết mức để giữ bãi biển du lịch cho Đà Nẵng và du khách”, Bí thư Xuân Anh khẳng định.

Hoài Thu
.
.
.