Tìm giải pháp ứng phó với nhiều dịch bệnh cùng lúc

Thứ Ba, 24/06/2014, 09:42
Ngày 23/6, tại Hà Nội Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh - Bộ Y tế đã họp đột xuất để nhận định tình hình các dịch bệnh, đặc biệt là dịch mùa hè, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến và các Thứ trưởng: Nguyễn Thanh Long, Nguyễn Thị Xuyên, Nguyễn Viết Tiến.
>> Quy định "trên trời", hàng loạt bệnh viện bị xuất toán BHYT

Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), mối lo nhất hiện nay của chúng ta là bệnh MERS-Cov, vì đang diễn biến phức tạp. Con số mắc bệnh hiện đã là 703 trường hợp, ở 22 quốc gia, trong đó, ít nhất 250 trường hợp đã tử vong.

Nguy cơ xâm nhập bệnh này vào nước ta rất lớn, nên Bộ Y tế đã triển khai nhiều biện pháp chủ động phòng chống, nhất là tại các cửa khẩu quốc tế. Bên cạnh việc sử dụng máy đo thân nhiệt để giám sát những trường hợp bị sốt cao, hiện Việt Nam là nước thứ 2 ở châu Á, sau Philippines, tổ chức cho du khách khai báo tình hình sức khỏe khi làm thủ tục nhập cảnh để tăng cường giám sát dịch bệnh MERS-Cov.

Hà Nội là đầu mối giao lưu trong nước cũng như quốc tế, với gần chục nghìn khách quốc tế nhập cảnh mỗi ngày qua cửa khẩu quốc tế Nội Bài, trong đó, có cả những hành khách đến từ vùng có dịch. Vì thế vấn đề phòng dịch rất được chú trọng. Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế đã tiến hành giám sát chặt chẽ tình hình bệnh dịch tại sân bay Nội Bài, đặc biệt là hành khách đến từ vùng có dịch, để phân loại, cách ly, chuyển bệnh nhân kịp thời, đúng tuyến ngay khi phát hiện hành khách có dấu hiệu bệnh.

Nhiều dịch bệnh cùng một lúc, đòi hỏi Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh, Bộ Y tế có những giải pháp quyết liệt, đồng bộ.

Trước những diễn biến của bệnh MERS-Cov, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh không được chủ quan, phải tăng cường kiểm dịch biên giới, đặc biệt là phải giám sát chặt chẽ những người khai báo có các dấu hiệu bị sốt. Vì mọi người đều sợ nếu phát hiện sẽ bị cách ly, nên dễ tìm cách để trốn. Mà nếu những người này mắc MERS-Cov, sẽ rất nguy hiểm khi không được cách ly.

Không chỉ lo lắng đối phó với MERS-Cov, một trong những bệnh đang được ngành Y tế tập trung giải quyết là sốt xuất huyết (SXH), vì số mắc vẫn gia tăng. Có tới 19 tỉnh có số mắc cao hơn tuần trước, cùng với số ổ dịch cũng tăng 14%. Có tới 10 tỉnh có số mắc cao nhất trong cả nước, đều ở phía Nam. Hiện, cả nước đang có 11.148 trường hợp mắc SXH tại 42 tỉnh, thành với 6 trường hợp tử vong. Vì thế, việc vệ sinh môi trường để phòng tránh bệnh SXH đang được đẩy mạnh.

 Các bệnh cúm cũng đang tiếp tục diễn biến gia tăng ở nhiều nước. Dù chưa phát hiện sự biến đổi gen của virus ảnh hưởng đến độc lực và sự kháng thuốc của virus cúm tại Việt Nam, nhưng con số thống kê cũng đủ cảnh báo những lo ngại: Việt Nam là nước đứng thứ 3 thế giới về số người mắc và tử vong vì cúm A/H5N1. Kể từ trường hợp đầu tiên, đến nay Việt Nam đã qua ba đợt dịch cúm và đã có 127 trường hợp mắc, trong đó có 64 trường hợp tử vong, chiếm gần 50%.

Mặc dù đầu mùa sởi, Cục Y tế dự phòng cho biết, dịch sởi năm 2014 thấp hơn những vụ dịch trước (khoảng 8.000 trường hợp), nhưng thực tế đến nay, dù Cục Y tế luôn thông báo dịch giảm so với trước, thì con số thực tế vẫn tăng rất cao, hiện đã là 32.313 trường hợp sốt phát ban dạng sởi, với 146 trường hợp tử vong liên quan đến sởi.

Nhiều bệnh dịch vốn chỉ xảy ra ở trẻ, năm nay xuất hiện cả ở người lớn.

Sau khi nghe các địa phương báo cáo giải pháp ứng phó với các dịch bệnh đang diễn ra, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, Sở Y tế đặc biệt coi trọng vấn đề truyền thông trong phòng, chống dịch, nhất là tiêm phòng cho trẻ; hoàn chỉnh việc sửa đổi hướng dẫn giám sát và phòng chống SXH và liên cầu lợn ở người; tổ chức các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại các tỉnh trọng điểm. Bên cạnh công tác phòng bệnh, phải chú trọng công tác điều trị tại các bệnh viện, bằng việc có phác đồ điều trị phù hợp, phân tuyến, cách ly, giảm các thủ tục phiền hà cho người bệnh, để giảm lây nhiễm. Từ kinh nghiệm trong đối phó với dịch sởi 2014, Bộ trưởng yêu cầu các BV điều trị hồi sức lây truyền tách riêng với hồi sức các bệnh không lây truyền, nhằm giảm nhiễm chéo trong BV. Bộ trưởng cũng yêu cầu Cục Quản lý dược báo cáo tình hình cung cấp vaccin cũng như thuốc điều trị các loại bệnh, đảm bảo đáp ứng nhu cầu trong các tình huống dịch xảy ra.

Một nội dung quan trọng được Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đặc biệt yêu cầu là, các cơ quan trực thuộc thực hiện tốt việc chủ động và tăng cường cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh cho báo chí.     

Bộ Y tế yêu cầu kiểm tra thông tin bài viết trên Báo CAND về xuất toán bảo hiểm y tế

Sau khi Báo CAND điện tử ngày 16/6 đăng bài “Quy trình “trên trời”, hàng loạt bệnh viện bị xuất toán bảo hiểm y tế”, Bộ Y tế có Công văn số 380/VPB1 yêu cầu Vụ Bảo hiểm y tế kiểm tra thông tin trên.

Bài báo phản ánh về việc sẽ loại bỏ nhiều loại thuốc trong dự thảo danh mục thuốc bảo hiểm y tế mới nhất đang được Bộ Y tế xây dựng, hạn chế cơ hội để người nghèo được chữa bệnh. Đồng thời, chính sách quy định về chế độ thanh toán bảo hiểm y tế đang bộc lộ nhiều vướng mắc.

Công văn yêu cầu, để kịp thời xử lý các thông tin do Báo nêu, Văn phòng Bộ Y tế đề nghị Vụ Bảo hiểm y tế làm đầu mối, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra thông tin Báo nêu và đề xuất giải pháp xử lý, báo cáo lãnh đạo Bộ.

Đồng thời, trong công văn này cũng đề cập đến bài viết “Còn đâu ý nghĩa của bảo hiểm y tế” đăng trên Báo Người Lao động điện tử ngày 16/6 với nội dung tương tự và yêu cầu kiểm tra, xử lý.

Cao Hồng

Thanh Hằng
.
.
.