Tìm biện pháp ứng phó hữu hiệu với bệnh truyền nhiễm

Thứ Năm, 01/11/2012, 01:33
Nhằm đối phó với các bệnh truyền nhiễm (BTN) đang có nguy cơ đe dọa, ngày 30 và 31/10, hội nghị “Những biện pháp ứng phó với BTN tại châu Á” đã được tổ chức tại Hà Nội. Đại diện 13 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tham dự.

Theo PGS.TS. Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi các vụ dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi như SARS, cúm A (H5N1), sốt xuất huyết, tay - chân - miệng, tả v.v… Quá trình giám sát, phòng, chống dịch ở Việt Nam đã để lại những bài học kinh nghiệm quý. Đó là nâng cao chất lượng giám sát BTN tại tất cả các tuyến, tập trung giám sát các bệnh nổi trội tại các vùng có nguy cơ cao; tăng cường hợp tác giữa y tế dự phòng và điều trị; giữa y tế và thú y, nhằm phát hiện sớm các dịch bệnh và kiểm soát phòng, chống dịch. Khi có dịch xảy ra, tiến hành giám sát cộng đồng, điều trị bệnh nhân và xử lý ổ dịch theo đúng cách để ngăn chặn lây lan.

Đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng chia sẻ thêm về kinh nghiệm giám sát và kiểm soát các BTN ở các thành phố lớn tại Việt Nam: Chia sẻ thông tin kịp thời giữa các đơn vị trong nước và quốc tế về tình hình cũng như các biện pháp phòng, chống đại dịch. Xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch theo các tình huống để có các biện pháp ứng phó phù hợp. Kinh nghiệm trong phòng, chống dịch SARS, cúm A (H5N1), cúm A (H1N1) của Việt Nam thời gian qua là bài học quan trọng để xây dựng kế hoạch phòng, chống các bệnh nguy hiểm và mới nổi trong thời gian tới.

Nhiều bệnh truyền nhiễm.

Băng Kốc (Thái Lan) đã xử lý dịch trong đợt lũ lụt nặng nề năm 2011 với việc thành lập Trung tâm điều hành lũ lụt để giám sát, điều tra, kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh; giám sát bệnh truyền nhiễm tại các cơ sở y tế, tại khu vực tạm trú, các trạm y tế di động và có đội giám sát - phản ứng nhanh luôn sẵn sàng thẩm tra địa điểm bùng phát dịch, tìm nguyên nhân và đề xuất phương án kiểm soát, phòng ngừa.

Kinh nghiệm ứng phó với dịch cúm của thành phố Đài Bắc là xây dựng một hệ thống giám sát bệnh cúm A/H5N1/H1N1 để ghi nhận các trường hợp mắc cúm nặng; có cả hệ thống giám sát triệu chứng, hệ thống giám sát dịch bệnh và vụ dịch; đặt tại trường học, các phòng thí nghiệm, để nắm vững tình hình kịp thời.

Đại biểu của Hàn Quốc, Nhật Bản còn chia sẻ kinh nghiệm quý trong việc phòng, chống các BTN như lao kháng thuốc, HIV/AIDS, sốt xuất huyết v.v… nhằm phối hợp với nhau để đối phó với các căn BTN. Các đại biểu thống nhất rằng, trong bối cảnh BTN diễn biến phức tạp, việc chia sẻ kinh nghiệm, cơ chế hợp tác giữa các nước rất quan trọng. Hợp tác trong nâng cao năng lực giám sát, phát hiện sớm bệnh dịch, nâng cao năng lực xét nghiệm trong đảm bảo an toàn sinh học, hỗ trợ kỹ thuật trong xác định tác nhân gây bệnh mới, bệnh nguy hiểm. Đặc biệt hợp tác trong việc kiểm dịch y tế biên giới, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đến từ các vùng có dịch, khử trùng máy bay

Thanh Hằng
.
.
.