Trường TH Trung An tiếp tục xáo trộn sau vụ cô giáo tự tử

Thứ Hai, 12/01/2015, 10:39
2 GV Trường Tiểu học Trung An trả lại QĐ điều động là cô Sương và cô Điệp vì cho rằng, QĐ điều động không mang tính dân chủ, thiếu khách quan và có dấu hiệu trù dập cán bộ, trong đó có liên quan tới cô Sương trước đó, năm học 2013 đã dám tố cáo những sai phạm của Hiệu trưởng Phạm Thị Kỳ Trân.
>> Vụ cô giáo uống thuốc tự tử

Báo CAND số ra các ngày 28/10 và 16/11/2014 có bài viết liên quan tới trường hợp cô giáo Hồ Thị Bích Quyền, Trường Tiểu học Trung An, Củ Chi, TP Hồ Chí Minh đã uống thuốc trừ sâu tự tử, phản đối một cách tiêu cực với cách đối xử thiếu dân chủ và quyết định điều chuyển công tác sai chuyên môn của Hiệu trưởng Phạm Thị Kỳ Trân.

Vụ việc vừa tạm lắng thì ngay đầu năm 2015, một lần nữa ngôi trường này lại xôn xao vì trong 4 quyết định điều chuyển công tác với giáo viên (GV) sau vụ việc cô Bích Quyền tự tử, 2/4 GV đã chống lại quyết định. Mục đích tham mưu của Phòng Giáo dục huyện trong việc điều chuyển GV để củng cố, đoàn kết nội bộ,... vì đâu trở nên dở dang?

Được biết, ngày 7/1/2015, Phòng GD huyện Củ Chi thực hiện trao các quyết định (QĐ) điều động 4 GV, gồm: bà Phạm Thị Kỳ Trân, Hiệu trưởng; cô Hồ thị Bích Quyền, cô Nguyễn Thị Ngọc Điệp (cán bộ pháp chế) và cô Trần Thị Sương (cán bộ thanh tra nhân dân) của Trường TH Trung An tới cơ sở mới.

Trường Tiểu học Trung An, Củ Chi lại bị xáo trộn vì những bức xúc của giáo viên.

2 GV trả lại QĐ này là cô Sương và cô Điệp vì cho rằng, QĐ điều động không mang tính dân chủ, thiếu khách quan và có dấu hiệu trù dập cán bộ, trong đó có liên quan tới cô Sương trước đó, năm học 2013 đã dám tố cáo những sai phạm của Hiệu trưởng Phạm Thị Kỳ Trân. Ngày 7 và 8/1, các GV này đã 2 lần lên Phòng GD kiên quyết trả lại QĐ trên, đồng thời gửi “đơn xin cứu xét nguyện vọng” tới Chủ tịch UBND huyện. Được biết, trong lá đơn này của 2 GV cũng có chữ ký của 27 GV/tổng số 52 GV của Trường TH Trung An ủng hộ và đề nghị UBND huyện cho 2 cô tiếp tục ở lại trường.

Tìm hiểu tại cơ sở trường của PV Báo CAND cho thấy, bức xúc của GV là có lý do. Ngoài trường hợp cô Hồ Thị Bích Quyền, đã đồng ý tới nhận công tác mới tại Trường Tiểu học Phú Hòa Đông II, Củ Chi, với mục đích ổn định tâm lý ở một môi trường làm việc mới sau vụ việc dại dột quyên sinh.

Riêng nguyên Hiệu trưởng Trường TH Trung An, Phạm Thị Kỳ Trân, được chuyển tới trường “bồi dưỡng giáo dục huyện Củ Chi” do đã có nhiều vi phạm trong công tác. Theo tờ trình ngày 11/11/2014 của Phòng GD huyện Củ Chi “về việc điều động các GV của TH Trung An” với UBND huyện, đã đề cập nhiều sai phạm của cô Trân, gồm: sai phạm về điều hành quản lý tài chính, trong công tác xét thi đua năm học 2012-2013; xử lý công việc theo cảm tính, thiếu công khai minh bạch; vi phạm công tác tuyển sinh, thực hiện công tác chính sách cho GV; vi phạm qui chế dân chủ trong cơ quan, đặc biệt về việc điều động công tác với các GV trong trường gây bức xúc.

Cô giáo Trần Thị Sương và 2 con tại Bệnh viện Truyền máu và Huyết học trong lúc chờ được truyền máu.

Được biết, các sai phạm liên quan tới cô Kỳ Trân đã được xác minh từ đơn thư tố cáo của GV Trần Thị Sương với vai trò là thanh tra nhân dân nhà trường, được xác nhận từ tập thể GV trường, Công đoàn, Phòng GD đã có các báo cáo lên UBND huyện (ngày 26/8/2014 về việc kiểm điểm, phê bình GV trong công tác quản lý...); trong thông báo kết luận cuộc họp kiểm điểm trách nhiệm của Hiệu trưởng Kỳ Trân (ngày 30/9/2014). Chính vì lẽ đó, những GV trên, cũng như nhiều GV trong trường vô cùng bất ngờ và bức xúc trước việc nguyên Hiệu trưởng Kỳ Trân được điều chuyển đi thì bản thân những GV có “ý kiến”, liên quan tới sai phạm của nguyên Hiệu trưởng cũng được điều chuyển khỏi Trường Tiểu học Trung An, nơi mà họ đã có nhiều năm gắn bó.

Cô Điệp được điều động tới Trường TH Tân Thạnh Đông 3, bức xúc: “Tôi không ngờ thắc mắc với Phòng GD của mình về số tiền phụ trội được hưởng trong năm 2013 (vượt định mức tiết dạy) đã bị cô Kỳ Trân “quên” mà mình bị hậu quả như thế này?”. Cô Điệp cũng cho hay, đầu năm 2014, theo chỉ đạo của Phòng GD, Hiệu trưởng đã chỉ đạo kế toán trưởng chi trả đủ số tiền phụ trội theo qui định cho cô, nhưng ngay sau đó, cô được hiệu trưởng cho xuống dạy lớp 1 (dù đã có 28 năm dạy lớp 5). Cô Quyền từ GV lớp 4 sang làm công tác Đội. Cô Sương đứng đơn tố cáo sai phạm của Hiệu trưởng bị chuyển từ lớp 4 sang dạy Thể dục dù cô bị bệnh Thalassmia và thoát vị đĩa đệm. Sau khi các cô “ý kiến” lên, Phòng GD mới được chuyển về vị trí như cũ. Riêng cô Quyền vẫn ở vị trí công tác Đội và xảy ra vụ việc tự tử.

Theo cô Điệp: “Những phản ánh của chúng tôi về sai phạm của Hiệu trưởng Kỳ Trân là đúng, vậy sao lại chuyển cả chúng tôi đi? Năm 2015, tôi bước sang tuổi 51, về trường mới, tôi vừa kịp làm quen thì cũng đã tới lúc về hưu, sao có thể gọi việc điều chuyển này là phát huy năng lực?”. Được biết, cô Điệp nhiều năm nay phải chăm sóc mẹ già trên 80 tuổi lại bị tai biến nằm một chỗ. Chính vì thế, khi ra trường, về địa phương, cô đã xin được về dạy tại Trường TH Trung An, đối diện ngay nhà mình để tiện việc gia đình. 

Cô Sương thì phân tích: “Phải chăng việc điều chuyển của tôi là xuất phát từ việc tôi đã mạnh dạn đấu tranh vì lợi ích của tập thể? Quá trình đấu tranh của chúng tôi có nguy cơ “đổ sông đổ biển” vì cách quản lý và xử trí cá nhân sai phạm của đơn vị  quản lý không hợp lý, thiếu cả tình người”.

Như vậy, mục đích củng cố đoàn kết nội bộ, xây dựng nền nếp cho Trường TH Trung An của Phòng Giáo dục huyện đang vấp phải phản ứng từ phía các cô giáo liên quan. Phải chăng còn nhiều vấn đề nhạy cảm mà khi ra quyết định các cơ quan hữu quan đã bỏ qua?

Huyền Nga
.
.
.