Thay đổi chủ thể lựa chọn sách giáo khoa:

Tiếng nói của giáo viên có được tôn trọng?

Thứ Năm, 18/03/2021, 06:34
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã phê duyệt danh mục sách giáo khoa (SGK) lớp 2 và lớp 6, đồng thời yêu cầu UBND tỉnh, thành phố hoàn thành việc lựa chọn sách trước ngày 5/4...

Năm học 2021-2022, học sinh lớp 2 và lớp 6 trên cả nước bắt đầu học theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Để chuẩn bị cho việc này, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã phê duyệt danh mục sách giáo khoa (SGK) lớp 2 và lớp 6, đồng thời yêu cầu UBND tỉnh, thành phố hoàn thành việc lựa chọn sách trước ngày 5/4. Như vậy, thay vì trao quyền lựa chọn cho các cơ sở giáo dục, việc lựa chọn SGK lớp 2 và lớp 6 được giao cho UBND các tỉnh, thành.

Thành lập Hội đồng chọn SGK theo từng môn học

Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT quy định rõ việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông. Theo đó, từ năm học 2021-2022, thay vì các nhà trường tự chọn SGK chương trình GDPT mới để dạy trong trường mình, thẩm quyền chọn sách thuộc về UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Bộ GĐ&ĐT yêu cầu các địa phương phải hoàn thành việc chọn SGK lớp 2 và lớp 6 trước ngày 5/4. Ảnh minh họa: HL

Thay đổi này căn cứ theo quy định trong Luật Giáo dục sửa đổi và bổ sung năm 2019. Danh mục SGK lớp 2 và lớp 6 đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt cho địa phương lựa chọn gồm 32 SGK lớp 2, với 8 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, cùng SGK môn tự chọn Tiếng Anh; 40 SGK lớp 6 của 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc.

Theo quy trình lựa chọn SGK được quy định tại Thông tư 25, mỗi địa phương sẽ thành lập một Hội đồng lựa chọn sách do UBND cấp tỉnh, thành phố thành lập, giúp UBND tỉnh tổ chức lựa chọn sách. Mỗi môn học của một cấp học sẽ thành lập một hội đồng riêng, số lượng thành viên hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 15 người, trong đó có ít nhất 2/3 số thành viên là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên đang trực tiếp giảng dạy môn học của cấp học đó.

Chủ tịch Hội đồng là giám đốc hoặc phó giám đốc sở GD&ĐT. Người đứng đầu hội đồng sẽ giao cho các thành viên hội đồng nghiên cứu, nhận xét, đánh giá SGK theo các tiêu chí lựa chọn trong thời gian ít nhất là 7 ngày trước phiên họp đầu tiên của hội đồng. Hội đồng tổ chức họp, thảo luận, đánh giá và bỏ phiếu kín lựa chọn một hoặc một số SGK cho mỗi môn học. SGK được chọn phải đạt trên 1/2 số phiếu đồng ý của các thành viên.

Trường hợp môn học không có sách nào đạt trên 1/2 số phiếu chọn, hội đồng tiếp tục thảo luận và bỏ phiếu lựa chọn lại cho đến khi có ít nhất 1 sách cho mỗi môn học. Sở GD&ĐT tổng hợp kết quả lựa chọn sách từ các hội đồng, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định phê duyệt danh mục SGK để sử dụng cho từng địa phương.

Giáo viên vừa nghiên cứu sách, vừa tham gia “nhặt sạn”

Mặc dù việc thay đổi chủ thể lựa chọn SGK được thực hiện theo quy định tại Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019. Tuy nhiên, sự thay đổi này đã và đang đặt ra không ít băn khoăn cho dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, giáo viên là người trực tiếp giảng dạy sẽ hiểu rõ về điểm mạnh, yếu của từng bộ SGK nên việc giao cho giáo viên, cho các trường được lựa chọn SGK là khá thuận lợi, phù hợp với mục tiêu dạy học của từng nhà trường. Các mệnh lệnh hành chính mang tính áp đặt từ trên xuống cũng sẽ rất khó tác động được xuống từng giáo viên. Trong khi đó, nếu giao việc chọn SGK cho UBND cấp tỉnh quyết định thì tiếng nói của giáo viên, ý kiến chuyên môn của giáo viên liệu có thực sự được tôn trọng?

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, theo Thông tư 25, các tỉnh, thành phố thành lập hội đồng chọn sách để đề xuất với chủ tịch UBND. Như vậy, các trường không bắt buộc phải thành lập hội đồng chọn sách như quy định ở Thông tư 21 mà chỉ tổ chức nghiên cứu, góp ý, đề xuất. Nhưng ở nhiều trường, để việc nghiên cứu, góp ý nghiêm túc vẫn thành lập hội đồng. Bên cạnh đó, có một điểm mới trong quy trình chọn sách lớp 2, lớp 6 là Bộ GD&ĐT yêu cầu mỗi giáo viên phải có bản nhận xét về các SGK của môn học thuộc chuyên môn phụ trách.

Ngoài việc đánh giá ưu điểm, nhược điểm, nếu giáo viên phát hiện sách có nội dung chưa phù hợp thì phải báo ngay tổ trưởng chuyên môn, hiệu trưởng. Lãnh đạo trường phải báo ngay với phòng GD&ĐT, sở GD&ĐT để kịp thời báo cáo về Bộ GD&ĐT.

Nếu thực hiện tốt quy trình này, không chỉ ý kiến của giáo viên sẽ được tôn trọng mà vai trò tham gia “nhặt sạn” của giáo viên còn được phát huy. Điều này sẽ tránh được tình trạng khi đã bước vào năm học, sách được sử dụng mới nảy sinh những vấn đề bất cập như đã xảy ra với SGK lớp 1.

Theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, các tỉnh, thành phố phải hoàn thành việc lựa chọn SGK lớp 2 và lớp 6 trước ngày 5/4, các sở GD&ĐT báo cáo danh mục SGK do địa phương lựa chọn về Bộ trước ngày 10/4. Cùng với đó, việc bồi dưỡng sử dụng SGK lớp 2, lớp 6 phải hoàn thành trước ngày 31/7; bảo đảm 100% giáo viên dạy học lớp 2, lớp 6 năm học 2021-2022 và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đều được tập huấn theo các lớp học tương ứng với môn học/hoạt động giáo dục đối với từng bộ SGK tại địa bàn tỉnh, thành phố. Việc in ấn, phát hành SGK bảo đảm đủ số lượng và chất lượng phải được NXB hoàn thành trước 31/7 đến các đơn vị chịu trách nhiệm cung ứng SGK tại các địa phương cung cấp kịp thời đến tất cả học sinh, giáo viên để triển khai thực hiện năm học mới.

Huyền Thanh
.
.
.