Tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn trên đường sắt Bắc – Nam

Thứ Tư, 05/01/2011, 13:00
Với 451 vụ TNGT đường sắt trong năm 2010, làm chết 211 người và bị thương 284 người, điều này chứng tỏ, TNGT đường sắt vẫn còn ở mức báo động, nguy cơ tiềm ẩn.

Đường sắt Việt Nam dài 3.143km, phân bố dọc theo chiều dài đất nước và theo hình xương cá, đi qua 34 tỉnh, thành phố. Trong những năm gần đây tai nạn giao thông đường sắt (TNGT ĐS) đã giảm cả 3 tiêu chí, riêng năm 2010, giảm 24% số vụ; giảm 0,5% số người bị chết và giảm 30% số người bị thương, so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn còn để xảy ra 451 vụ TNGT ĐS, làm chết 211 người và bị thương 284 người. Điều này chứng tỏ, tai nạn giao thông đường sắt vẫn còn ở mức báo động, nguy cơ tiềm ẩn.

Còn tồn tại nhiều điểm giao cắt đồng mức giữa đường sắt và đường bộ

Phân tích các vụ tai nạn giao thông nói trên cho thấy, có tới 53% số vụ xảy ra trên các điểm giao cắt đồng mức giữa đường sắt và đường bộ. Trong đó có 13% số vụ tai nạn xảy ra tại các đường ngang hợp pháp; 87% số vụ tai nạn xảy ra tại các lối đi dân sinh tự mở trái phép qua đường sắt.

Nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn này là đường sắt Việt Nam hiện đang còn tồn tại quá nhiều điểm giao cắt đồng mức giữa đường sắt và đường bộ, bởi chỉ tính riêng đến tháng 6-2010 có 1.542 đường ngang hợp pháp và 4.725 lối đi dân sinh bất hợp pháp, đồng thời ý thức chấp hành phát luật về trật tự an toàn giao thông đường sắt của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ, người dân sinh sống cạnh đường sắt còn kém.

Mặt khác, qua phân tích tình hình TNGT ĐS của hai thành phố có mật độ dân số lớn nhất nước ta hiện nay là Hà Nội và TP HCM cho thấy, TP HCM với gần 14km đường sắt, hiện tại chỉ có 27 đường ngang hợp pháp và đặc biệt không có bất kỳ một lối đi dân sinh bất hợp pháp nào. Năm 2010 trên địa bàn thành phố chỉ xảy ra 4 vụ TNGT ĐS làm chết 2 người và bị thương 2 người. Trong khi đó, thành phố Hà Nội chỉ tính tương đương 14km đường sắt trên tuyến Bắc-Nam từ ga Hà Nội đến xã Nhị Khê, huyện Thanh Trì, hiện đang có 55 đường ngang hợp pháp (gấp gần 2 lần TP HCM) và đặc biệt có đến 169 lối đi dân sinh bất hợp pháp, chính vì vậy năm 2010 trên đoạn đường này đã xảy ra 37 vụ TNGT ĐS (gấp trên 9 lần); làm chết 17 người (gấp trên 8 lần) và bị thương 24 người (gấp trên 14 lần) so với cùng số kilômét đường sắt của TP Hồ Chí Minh.

Hiện trường một vụ tai nạn đường sắt xảy ra trên tuyến Bắc - Nam.

Nói về nguyên nhân, Vụ An toàn giao thông - Bộ GTVT và Cục Đường sắt Việt Nam từng cho rằng, đường ngang Km11+850 (thuộc địa bàn xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, Hà Nội) là đường ngang công cộng cấp III, phòng vệ bằng tín hiệu cảnh báo tự động, đây là đường ngang vào làng, có mật độ phương tiện cơ giới tham gia giao thông đường bộ không cao, chủ yếu là xe khách dưới 15 chỗ và xe tải dưới 2,5 tấn. Tuy nhiên, từ khi có Cụm công nghiệp Ngọc Hồi và do đoạn đường QL1A (cũ) đối diện với Cụm công nghiệp Ngọc Hồi hiện thường xuyên bị ngập nước, nên người và các phương tiện tham gia giao thông trên QL1A cũ đều đi tắt qua đường ngang Km11+850 làm mật độ tham gia giao thông qua đường ngang này tăng cao, đặc biệt vào giờ tan tầm.

Mặt khác, tuy là đường ngang hợp pháp, nhưng đường ngang này hiện đang có nhiều điểm vi phạm các quy định của Điều lệ đường ngang, như từ mép ray phía trái theo hướng lý trình không có đoạn đường bộ bằng mà theo quy định tối thiểu phải có 10m; độ dốc lớn hơn độ dốc cho phép gần 8 lần… Đồng thời, từ đường ngang Km11+325 đến đường ngang Km11+850 chỉ với 525m, nhưng hiện đang tồn tại 20 đường ngang dân sinh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông đường sắt.

Cần tăng cường trực chốt tại các "điểm đen" trong dịp Tết

Lãnh đạo Cục Đường sắt cũng cho rằng, để chấm dứt tình trạng gia tăng các lối đi  dân sinh bất hợp pháp và giảm thiểu tai nạn giao thông đường sắt trên các đường ngang, các địa phương cần tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành luật lệ ATGT đường sắt. Đồng thời, không cấp đất, không xây dựng các công trình vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt.

Đối với việc cấp đất giáp ranh chỉ giới hành lang an toàn giao thông đường sắt, cần có quy hoạch và xây dựng đường đi phù hợp, tránh mở thêm các lối đi dân sinh qua đường sắt.

Tiếp đến, hiện nay mặc dù đường sắt Việt Nam có 1.542 đường ngang hợp pháp, nhưng trong đó có đến 1.330 đường ngang không đủ tiêu chuẩn theo quy định của Điều lệ đường ngang, vì vậy đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam, chính quyền các địa phương phối hợp với Đường sắt Việt Nam nghiên cứu để tham mưu cho Bộ GTVT có quy định cụ thể ở từng đường ngang, cho phép những loại xe cơ giới đường bộ có tải trọng bao nhiêu tấn, dài bao nhiêu mét được phép lưu hành.

Tuy nhiên, trước mắt trong thời gian diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; cùng với đợt vận tải cao điểm phục vụ Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân Tân Mão, thiết nghĩ các đơn vị đường sắt cần lập kế hoạch trực chốt tại các điểm xung yếu, đặc biệt là các "điểm đen", các điểm thường hay xảy ra tai nạn và có nhiều tiềm ẩn gây tai nạn.

TP HCM: Một tuần hai vụ TNGT đường sắt

"Xe lửa không thể tự gây tai nạn" chỉ bởi nó đi theo một trục đường chính và lưu thông tách biệt với các phương tiện khác... Những vụ TNGT liên quan đến đường sắt chủ yếu là do ý thức tham gia giao thông của người dân quá kém mới dẫn đến những cái chết... Chỉ trong một tuần tại TP Hồ Chí Minh xảy ra hai vụ TNGT đường sắt, làm hai người chết: Vụ mới đây nhất là lúc 7h30' ngày 2-1 tại Km 1714+920 đi ngang qua địa phận phường Linh Đông, quận Thủ Đức làm ông Quách Văn Thông (58 tuổi, quê quán Thanh Hóa) chết tại chỗ.

Theo biên bản của Đội CSGT quận Thủ Đức, vào giờ trên ông Thông đi bộ từ hướng nhà trọ trên đường 32, khu phố 2 ra hướng đường Kha Vạn Cân. Đi đường vòng thì xa nên ông Thông chọn giải pháp leo qua hàng rào bảo vệ đường sắt để đi. Khi vừa leo qua khỏi hàng rào thì cũng là lúc đoàn tàu ký hiệu 208-SPT2 chạy từ hướng ga Bình Triệu ra hất tung ông Thông đi hơn 20m làm ông Thông đập cả thân người xuống đường ray chết tại chỗ.

Vụ trước đó xảy ra khoảng 20h ngày 29/12, tại khu vực cổng xe lửa số 10 (Nguyễn Kiệm, Phú Nhuận) một người đàn ông khoảng 30 tuổi bị đoàn tàu SE2 chạy tuyến Nha Trang - Sài Gòn tông vào làm người đàn ông này chết tại chỗ.

 Những vụ TNGT chết người liên quan đến đường sắt như thế này chủ yếu đều do ý thức của những người tham gia giao thông quá kém. Mặc dù các khu vực có đường sắt đi qua đều được tuyên truyền phòng tránh tai nạn nhưng người dân vẫn không chấp hành nên tai nạn thương tâm xảy ra là điều khó tránh khỏi.                                                   

M.Đức

Nhóm PV
.
.
.