Tiềm ẩn hỏa hoạn tại các quán bar, karaoke và chung cư

Thứ Năm, 05/03/2015, 09:17
Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy (PC&CC) Hoàn Kiếm, quá trình kiểm tra phát hiện chỉ có 21/57 cơ sở kinh doanh dịch vụ (KDDV) văn hóa bar, karaoke, vũ trường là trang bị hệ thống báo cháy tự động; 30/98 cơ sở chưa trang bị hoặc trang bị không bảo đảm bình chữa cháy xách tay; 78/98 cơ sở không bảo đảm lối thoát nạn…
>> Lửa thiêu rụi quán bar Luxury trên đường Yên Phụ

Ngoài ra, năm 2014, cháy, nổ ở nhà dân chiếm 42%. Trước thực trạng này, Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, tuyên truyền rộng rãi các kiến thức, kĩ năng về công tác PCCC, cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

Trong năm 2014, trên địa bàn TP Hà Nội đã xảy ra 3 vụ cháy quán karaoke đặc biệt nghiệm trọng gây thiệt hại về người và tài sản. Điển hình, ngày 3/5, cháy quán karaoke Nhật Thực, ngõ 43 Giảng Võ (Đống Đa) làm 5 người chết (có chủ quán); ngày 23/9, cháy quán bar Luxuzy, 153 Yên Phụ (Tây Hồ) làm 13 người bị thương; ngày 11/11, cháy quán karaoke Olala, 26A1, đường Lê Đức Thọ (Nam Từ Liêm). Những vụ cháy này nguyên nhân là do chập điện, tài sản bị thiêu rụi hoàn toàn.

Đại tá Trần Văn Vụ, Trưởng Phòng Cảnh sát PC&CC Hoàn Kiếm cho biết: Việc mời các chủ cơ sở và người lao động trong các cơ sở KDDV văn hóa bar, karaoke, vũ trường tham gia lớp tập huấn pháp luật, nghiệp vụ PCCC, CNCH là rất cần thiết để giảm thiểu nguy cơ cháy, nổ và trang bị kĩ năng xử lý tình huống khi có sự cố xảy ra. Đồng thời hướng dẫn khắc phục kịp thời các điều kiện về nguyên nhân cháy, nổ và nếu không may phát sinh sự cố thì có kỹ năng chữa cháy, hướng dẫn thoát nạn an toàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do cháy, nổ gây ra.

Đại tá Nguyễn Hải Triều, Trưởng phòng Cảnh sát PC&CC Bắc Thăng Long tuyên truyền công tác phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ ở khu chung cư.

Qua đợt kiểm tra vừa qua, quán karaoke Thành Tâm, số 4, Trần Thánh Tông (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã bị Phòng Cảnh sát PC&CC Hoàn Kiếm xử phạt do vi phạm chưa hoàn thành giấy chứng nhận đủ điều kiện về công tác PCCC. Trao đổi về vấn đề này tại buổi tập huấn của Phòng Cảnh sát PC&CC Hoàn Kiếm, anh Nguyễn Văn Đại (62 tuổi), chủ quán karaoke Thành Tâm cho biết: Sau khi bị xử lý, quán đã rút kinh nghiệm, đồng thời tiến hành lắp thêm đèn Exit, làm một số thang ngoài cửa sổ dùng để thoát nạn. Ngoài ra, còn cử nhân viên tham gia lớp tập huấn để biết cách xử lý tình huống khi xảy ra cháy, nổ.

Tại buổi tập huấn, anh Nguyễn Thế Vương (38 tuổi), chủ quán karaoke 166 Club, số 1 Võ Thị Sáu, phường Thanh Nhàn (Hai Bà Trưng, Hà Nội), một trong những cơ sở có hệ thống báo cháy đầy đủ, hiện đại như chuông báo cháy, đèn Exit, mặt nạ, thang thoát hiểm… cho biết, bản thân đã tham gia nhiều buổi tập huấn định kỳ hàng năm của Phòng Cảnh sát PCCC Hoàn Kiếm.

Trước kia, anh Vương không biết bình bọt chữa cháy (xách tay) là bình nước hay bình khô hoặc nếu cơ sở có hỏa hoạn thì không biết cách thoát nạn như thế nào? Từ những vụ cháy quán karaoke gây chết người, anh luôn thường xuyên hướng dẫn cho nhân viên về trang thiết bị PCCC, CNCH, chất cháy, nổ trong quán… đặc biệt là về điện.

Những buổi tập huấn công tác PCCC ngoài giờ tại khu dân cư và nhà chung cư cao tầng cũng đã được lực lượng Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội triển khai ở nhiều khu vực trên địa bàn Thủ đô.

Theo báo cáo của Cảnh sát PC&CC TP. Hà Nội, năm 2014, trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra 166 vụ cháy, trong đó có 70 vụ cháy xảy ra tại nhà dân và các khu chung cư trên địa bàn Thủ đô (chiếm 42%). Đáng lo ngại hơn, trong số 10 vụ cháy gây chết người thì có tới 8/10 vụ xảy ra tại nhà ở của người dân trong các khu dân cư. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do người dân thiếu những kiến thức cơ bản về PCCC và CNCH.

Theo Đại tá Nguyễn Hải Triều, Trưởng phòng Cảnh sát PC&CC Bắc Thăng Long, một số hộ dân khi mua nhà ở chung cư thường có cải tạo, xây dựng để phù hợp với sinh hoạt của từng hộ gia đình, dẫn tới một số công năng về công tác PCCC bị ảnh hưởng, đặc biệt là trong quá trình sinh hoạt, sử dụng nhiều chất cháy, thiết bị điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt. Nếu không nắm bắt được những kiến thức cơ bản về công tác PCCC hoặc nhận thức về công tác phòng ngừa, rất dễ xảy ra các sự cố đáng tiếc.

Việc phát động và triển khai các chương trình tập huấn ngoài giờ, đưa công tác PCCC đến từng người dân, từng cụm dân cư của lực lượng Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội là hết sức cần thiết. Từ đó, nâng cao nhận thức cho người dân, góp phần đảm bảo an toàn PCCC trên địa bàn Thủ đô. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, chung cư CT2A, đường Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: "Chúng tôi ý thức được việc PCCC là hết sức quan trọng. Tôi cho rằng những lớp tập huấn như thế này rất kịp thời, và vô cùng cần thiết. Thông qua hình ảnh vụ cháy, nổ ở chung cư làm 2 cháu nhỏ tử vong, cái đấy hơn vạn lần lời nói, để thấy rằng ai cũng phải nêu cao cảnh giác, đó là tính mạng, là tài sản của chính gia đình mình".

Thời gian tới, công tác hướng dẫn, kiểm tra PCCC, CNCH sẽ tiếp tục được tăng cường tại tất cả các cụm dân cư trên địa bàn TP Hà Nội. Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, cẩn thận khi sử dụng các nguồn điện, nguồn nhiệt và các chất gây cháy. Thắp hương, thờ cúng đúng nơi quy định. Thận trọng kiểm tra các thiết bị điện trước khi rời khỏi nhà, ngăn ngừa những nguy cơ có thể xảy ra hỏa hoạn để bảo vệ gia đình và cộng đồng.

Trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, trên địa bàn TP Hà Nội không xảy ra cháy lớn, phức tạp gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Tính riêng trong 9 ngày nghỉ Tết (từ ngày 15/2 đến ngày 23/2/2015, tức từ ngày 27 đến 5 Tết), trên toàn Thành phố chỉ xảy ra 2 vụ cháy, 34 sự cố, 1 vụ yêu cầu cứu nạn, cứu hộ, không có thiệt hại về người, thiệt hại tài sản không đáng kể (so với Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, giảm 8 vụ cháy).
Minh Hiền
.
.
.