Thương lắm phận nữ gánh gạch

Thứ Bảy, 17/07/2010, 17:02
Ngày lại ngày, những người phụ nữ làm nghề gánh gạch thuê lại kéo nhau đến các lò gạch thủ công của xã Đồng Tĩnh (Tam Dương - Vĩnh Phúc) để cùng nhau kiếm sống. Phần đông họ thuộc những gia đình nông thôn nghèo khó, đời sống chỉ trông chờ vào một năm hai vụ lúa, đói nghèo luôn ám ảnh, nên họ phải ra đây để… bán sức. Nhưng làm cái nghề này lại luôn phải đối mặt với bao mối nguy hiểm, bệnh tật thường trực…

Vai gầy nặng gánh…

Chúng tôi tìm đến khu sản xuất gạch, ngói thủ công ở xã Đồng Tĩnh (Tam Dương) khi không khí lao động khá nhộn nhịp người ra, kẻ vào. Được biết, nghề nung gạch thủ công tồn tại ở Đồng Tĩnh đã hơn 20 năm qua, và đó cũng là nơi kiếm sống của rất nhiều gia đình quanh vùng. Họ cùng nhau ra đây lao động - còng lưng bán sức để kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống hằng ngày. Đặc biệt, có tới 98% là phụ nữ trong các thôn, xã, thậm chí, cả lao động của các xã, huyện lân cận cũng tìm đến cái nghề này làm kế sinh nhai.

Tảng sáng, những phụ nữ làm nghề gánh gạch thuê ở khắp các nẻo đường từng đoàn rời nhà hò nhau đi làm. Mỗi nhóm từ 5 đến 7 người ra các lò gạch ở thôn 6 của xã nhận khoán từ các chủ lò. Những viên gạch hồng đều đặn được xếp vào những chiếc quang gánh, từ lò, trên vai kẽo kẹt chuyển ra bãi. Phần lớn họ đều là người trong xã, không phân biệt tuổi tác già, trẻ miễn sao còn sức lao động là họ tìm đến cùng nhau gánh gạch thuê. "Làm cái nghề này cực lắm chú ơi! Nhưng không có việc gì làm cả, chúng tôi phải ra đây làm mà tạo thêm thu nhập, chứ chú bảo cái nghề này hao sức, giảm thọ nhanh lắm à" - chị Nguyễn Thị Hoa (thôn 3 Đồng Tĩnh) chia sẻ.

Vai gầy nặng gánh.

Phía lò bên, cô Thìn (thôn 2) trong bộ quần áo bảo hộ nhàu nhĩ ướt đẫm mồ hôi, chiếc khẩu trang cáu bám bụi gạch đang lúi húi xếp gạch vào quang gánh. Cô cười hiền, tay gạt những giọt mồ hôi lăn trên má ngẩng lên tâm sự: "Gần 50 tuổi đời thì có tới 20 năm tôi đã gắn bó với các lò gạch này rồi. Công việc vất vả lắm, mình làm mướn lấy công cho người ta thôi, chứ nói thật với chú chẳng ai coi đây là cái nghề để người ta kiếm tiền, làm giàu đâu. Cực lắm!".

Nhìn những người phụ nữ đang căng mình gánh gạch, mồ hôi nhễ nhại trong những đám bụi đất thật cơ cực. Không chỉ có những người phụ nữ luống tuổi như chị Hoa, cô Thìn,… mới có mặt ở nơi này, mà còn có rất nhiều công nhân làm nghề gánh gạch có tuổi đời còn rất trẻ, có khi mười tám đôi mươi, hay cũng chỉ 15, 16 tuổi là cùng.

Dáng hình thanh mảnh, có phần hơi gầy, nhưng em Trần Thị Nết (thị trấn Hợp Hoà - Tam Dương) chưa đầy 18 tuổi đã tham gia gánh gạch thuê được hơn 10 tháng. Em tâm sự: "Em học hết cấp 2 thì bỏ vì nhà không có điều kiện học lên. Bạn bè người đi học, đứa đi làm ngoài phố cả nên em ra đây làm gần nhà cho tiện, thu nhập cũng tạm ổn. Chứ lên thành phố làm nhiều khi phức tạp lắm, với lại bố mẹ không cho đi làm ăn xa và thi thoảng còn đỡ đần gia đình được việc nhà, ruộng đồng. Giờ em cũng quen việc rồi, không đi gánh gạch thuê bây giờ thì ở quê em cũng chẳng biết làm việc gì khác cả".

Canh cánh nỗi lo

Mỗi ngày lao động cật lực những người đi gánh gạch thuê cũng có được từ 50.000 - 60.000 đồng. Đây quả là số tiền không nhỏ đối với họ để trang trải cuộc sống hằng ngày, con cái ăn học. "Đàn ông thì đi thợ xây, phụ hồ cũng chẳng ăn thua, mỗi người một việc mà. Chị em chúng tôi vẫn phải bấu víu vào cái nghề gánh gạch thuê này thôi, chứ biết làm thế nào đâu chú. Vất vả lắm!" - chị Loan (Xuân Hoà - Lập Thạch) nói.

Quả thực, có tham gia vào cái nghề gánh gạch thuê của các chị mới thấu được sự vất vả, cực nhọc. Từ tờ mờ sáng đến khi nhọ mặt mới trở về nhà. Công cán cũng chẳng là bao, bởi số tiền của các ông chủ lò gạch bỏ ra cũng chẳng dễ "nuốt" chút nào. Một viên gạch áng chừng một cân, và mỗi một chuyến đi chí ít phải 50 đến 60 viên. Tức là trên vai họ luôn ổn định khoảng 50 - 60kg một lần gánh. Tính cả ngày, con số vài ba tấn gạch trên vai là chuyện bình thường. Và nhẩm tính theo tháng, theo năm chắc hẳn cũng chẳng ai nhớ được mình đã "cõng" bao nhiêu kg gạch trên đôi vai mình nữa…

Đang lúi húi trong đám bụi mù mịt trong một lò gạch, chị Hà nhà ở khu chợ Diện (Đồng Tĩnh) lánh mắt lên góp chuyện: "Mấy ông đi làm về mà mang cho một cục tiền to là chị em chúng tớ sướng nhất, chứ mấy ông lại thêm tí cờ bạc, rượu chè nữa thì coi như tun hút. Ở đây, có chị em kiếm tiền về bị anh nhà lấy đi bằng sạch vì thua bạc đấy. Cũng may ông xã nhà mình không có máu mê đỏ đen, chứ không chả biết xoay xở sao nữa".

Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà một cảnh, cuộc sống là vậy, mọi chuyện trên đời chẳng chiều theo ý của con người. Đó mới là cuộc sống, nhưng chúng tôi thực tình muốn chia sẻ với nỗi khốn khó, cực nhọc của những người phụ nữ làm nghề gánh gạch thuê ở nơi này. Tất cả họ cũng chỉ vì cuộc sống bần hàn, nghèo khó và gia cảnh mà bám lấy cái "nghề"… trĩu vai này. Đặc biệt, khi mà cái nghề gánh gạch lao lực này lại ẩn chứa vô vàn mối hiểm nguy, bệnh tật. Rủi ro bị thương do gạch rơi, thậm chí, sập lò đe dọa đến tính mạng cũng chẳng ai dám chắc sẽ không xảy ra (!).

"Làm cái công việc này không lo không được, chỉ sơ ý một chút thôi là gạch rơi vào chân, tay ngay. Rồi chuyện khói bụi, bệnh tật liên quan đến đường hô hấp thì chắc chắn không ai thoát được rồi. Ôi, sự cố sập lò ư, cầu trời…!" - chị Nguyễn Thị Xuân chột dạ bộc bạch khi chúng tôi hỏi: "Làm công việc này có khiến các chị lo lắng về những bất trắc của nó không?".

Tuy làm cái nghề này nặng nhọc vất vả thật đấy, nhưng đây cũng là một nguồn thu nhập đáng kể trong những lúc nông nhàn, giúp họ vượt qua những khó khăn của cuộc sống thường ngày. Phía xa xa, từng tốp phụ nữ vẫn mải miết gồng mình, còng lưng gánh gạch thuê nhộn nhịp ra, vào lò…

Nguyễn Hải Sơn
.
.
.