Thực phẩm siêu thị có thực sự an toàn?

Chủ Nhật, 11/03/2007, 15:20

Một năm, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội chỉ đến thanh tra tại siêu thị Big C 2 lần. Lần thứ nhất, Big C đã phải nộp phạt 1,6 triệu đồng vì những đồ ăn chín không có kính đậy. Còn lần thứ 2 thì phát hiện hàn the trong bánh cuốn.

Bánh cuốn có hàn the, bánh chưng bị mốc

Ngày 3/3/2007, trong đợt kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đột xuất tại Siêu thị Big C (thuộc Công ty TNHH Thương mại quốc tế và dịch vụ siêu thị Bourbon Thăng Long), Đoàn thanh tra liên ngành TP Hà Nội đã phát hiện 15kg bánh cuốn có chứa hàn the. Được biết, đây là số bánh cuốn còn lại trong tổng số 40 kg được siêu thị nhập về ngày hôm trước và đã bị tiêu hủy ngay sau khi bị phát hiện. Mặt hàng này được siêu thị Big C nhập về từ Cơ sở sản xuất Hùng Thủy (18 Vọng Hà, Hà Nội).

Cơ sở này, ngoài địa chỉ 18 Vọng Hà, còn có điểm bán hàng tại  kiốt 25 chợ Hôm (Hà Nội). Hơn 1 năm nay, Big C đã ký hợp đồng để Hùng Thủy cung cấp bánh cuốn, không có con số cố định, ước tính từ 15 đến 40 kg mỗi lần nhập và tiêu thụ từ 1 đến 2 ngày. Bên cạnh bánh cuốn, cơ sở này còn cung cấp một số loại thực phẩm chín khác như giò, chả, ruốc.

Trước đó, vào dịp tết Nguyên đán 2007, chị Tạ Thanh Hằng, cán bộ Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em vào Siêu thị Intimex (22 Lê Thái Tổ, Hà Nội) mua bánh chưng tết. Khi bóc, chiếc bánh đã bị mốc mặc dù lá bánh vẫn rất xanh và đẹp. Sáng hôm sau, chiếc bánh đã chuyển từ màu xanh sang màu đỏ tươi rất kỳ lạ. Kiểm tra lại chiếc bánh chưng cùng cặp, thì lá đã bị mốc vàng từ bên ngoài. Khi bóc, chiếc bánh vẫn còn nhãn mác và thời hạn sử dụng.

Siêu thị Intimex từ nhiều năm nay nhập bánh chưng từ Trung tâm Dịch vụ Thương mại Ngã Tư Sở. Đây là một cơ sở sản xuất thủ công, thường nhập bánh trong ngày cho siêu thị này.

Một điều khó hiểu, theo thông tin từ phía Siêu thị Intimex, khi nhập về bánh vẫn nóng, được bảo quản trong môi trường lạnh và thường bán hết trong ngày. Vậy nhưng, vẫn xảy ra hiện tượng đáng tiếc nói trên. Theo cách giải thích từ phía Siêu thị Intimex, là do thời tiết dịp tết quá... nắng nóng!

Còn nhiều mặt hàng “tình nghi” khác

Khi làm việc với PV Chuyên đề ANTG, ông Nguyễn Thái Dũng, Phó tổng Giám đốc Siêu thị Big C có vẻ mệt mỏi sau sự cố bánh cuốn vừa xảy ra. “Vụ bánh cuốn”, ông đã phải đi nộp phạt 4 triệu đồng. Ông Dũng cho biết, bản thân ông rất sốc trước kết quả thanh tra tại siêu thị, bởi khoản tiền đó không lớn nhưng cái chính là làm tổn hại đến hình ảnh của Big C, một siêu thị mà hàng ngày có tới 15.000 lượt khách hàng vào mua sắm.

Lý giải vấn đề này, theo ông Dũng, là do siêu thị quá tin vào hợp đồng đã được ký kết với bên cung cấp hàng. “Thực ra đội ngũ nhân viên của chúng tôi cứ tin tưởng vào thủ tục giấy tờ và... "kiểm tra" bằng mắt thường. Khi nhìn thấy sản phẩm bắt mắt, sạch sẽ thì nghĩ rằng như vậy là đã đủ độ an toàn”.

Và cũng chính từ... mắt thường nên ông Dũng cũng tin tưởng các mặt hàng khác như giò, chả, bún... Qua các đợt thanh tra tại Big C thì các sản phẩm này vẫn đủ sức thuyết phục các nhân viên thanh tra về độ an toàn tuyệt đối.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cung cấp cho PV một thông tin rằng, mỗi năm đoàn thanh tra chỉ đến thanh tra tại siêu thị Big C 2 lần. Lần thứ nhất, Big C đã phải nộp phạt 1,6 triệu đồng vì những đồ ăn chín không có kính đậy. Bên cạnh đó, bánh Pizza bày sai quy định, ở ngay cửa ra vào siêu thị và đã thu hút một số chú... ruồi, không chịu... bay khi đoàn thanh tra đến. Một câu hỏi khác đặt ra, liệu những ngày còn lại, thì những giò, chả, bánh cuốn, bún... ai dám chắc là nó đã thực sự an toàn?

Ông Dũng bảo rằng, sau “vụ này”, Big C đã rút ra một bài học lớn. Và công việc cần thiết là dùng các mẫu thử thực phẩm để kiểm tra các loại thực phẩm được nhập vào hàng ngày. Khi PV hỏi mặt hàng nào sẽ rất khó thử nhưng vẫn phải thử, ông Dũng không ngần ngại: “Nước mắm! Bởi vì trong nước mắm có rất nhiều phụ gia để bảo quản nhưng không biết đường nào mà lần (?!)”.

Khách hàng mất tin

Dạo một vòng quanh các siêu thị Hà Nội thời gian này, thấy món bánh cuốn có vẻ khiêm tốn hơn về số lượng, và khách hàng đến với nó cũng lạnh nhạt hơn. Các quầy thực phẩm khách cũng ít lai vãng tới. Khi hỏi, nhiều người đã nói thẳng rằng, dù rất thèm nhưng đành phải giã từ món bánh cuốn như trước đây đã từng chia tay với phở.

Thực ra, với 15 kg bánh cuốn, không quá nhiều về giá trị vật chất. Nhưng vấn đề là nó đã chứa một loại chất bị ngành y tế khuyến cáo độ nguy hiểm. Hàn the, một chất phụ gia  có thể làm cho thực phẩm trở nên dai, giòn, ngon miệng, vừa tăng được thời gian bảo quản kể cả với thực phẩm tươi sống. Nhưng bên cạnh đó, nó có thể gây nôn mửa, tiêu chảy, co cứng cơ, ban đỏ da, màng niêm dịch, sốc trụy tim... ăn nhiều có thể gây tử vong trong thời gian ngắn.--PageBreak--

Về lâu dài, hàn the có thể gây khô da, rối loạn tiêu hóa, suy thận mãn tính, tổn thương gan, thoái hóa cơ quan sinh dục, động kinh, giảm sút trí tuệ, thậm chí ung thư. Một điều đáng tiếc là vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành một danh mục những phụ gia được phép nhập khẩu và sử dụng để bảo quản thực phẩm nhưng chưa được thực hiện đầy đủ.

Theo điều tra của chúng tôi vẫn còn rất nhiều sản phẩm hiện đang được bảo quản bởi chất hàn the trôi nổi ngoài thị trường,. Có thể kể đến bánh giò, bánh đúc, bún, phở, giò, chả, thịt, cá đông lạnh đến cả bánh su-sê thường dùng trong lễ vu quy. Rất nhiều người ngạc nhiên khi bún mua về để 2-3 ngày vẫn có thể... ăn vô tư. Hoặc những quán phở cứ để bánh phở la liệt giữa góc nhà, tối nay không hết tối mai... bán tiếp. Còn thực phẩm trong siêu thị, một năm 2 lần thanh tra thì hỏi có đủ để phát hiện được hết?

Theo Cục Quản lý Vệ sinh An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thì khi sử dụng đồ ăn có hàn the, chỉ có 8% lượng hàn the được đào thải qua nước tiểu, 1% qua phân, 3% qua mồ hôi, còn lại phần lớn hàn the được tích lũy trong các mô mỡ, mô thần kinh. Đây là chất khó đào thải khi vào cơ thể, và cũng được tích lũy từ từ, khiến chúng ta rất khó phát hiện. Có khi phải mất một thời gian dài sau đó hàn the mới có dấu hiệu ngộ độc.

Thời gian vừa qua, các nhà nghiên cứu nước ta đã tìm ra hai chất phụ gia thay thế là Poly Phosphate và PDP (polysacharid được chiết tách và biến tính từ vỏ các loài tôm, cua, trai, sò, mực...) không độc, dùng an toàn cho người trong thức ăn, dược phẩm; có tính hút nước, giữ ẩm, kháng nấm, kháng khuẩn với nhiều chủng loại... dùng để bảo quản thực phẩm, hoa quả, rau xanh rất tốt, tiếc rằng lại được rất ít người dân biết đến và sử dụng. Một thực tế là “thói quen” dùng hàn the ở một số cơ sở sản xuất kinh doanh đã thành... phổ biến nên dù tác hại thế nào cũng mặc, miễn là có lợi cho túi tiền của họ.

Ai chịu trách nhiệm?

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị TP Hà Nội, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, nguyên Giám đốc Siêu thị quốc doanh đầu tiên của Hà Nội cho biết, việc xảy ra mất VSATTP trong siêu thị, ban giám đốc các siêu thị phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên.

Ông lấy một ví dụ về chuyện quản lý nông sản tại chợ Se muon wang (Bangkok, Thái Lan). Khu chợ rộng 18 hécta là nơi kiểm tra và buôn bán nông sản. Giữa chợ là trung tâm kiểm dịch rộng 200 m2. Bất cứ loại nông sản, thực phẩm nào cũng được đưa vào chợ, lấy phiếu chờ đến lượt kiểm tra. Hàng hóa sẽ bị kiểm tra theo xác suất bất kỳ, nếu phát hiện chỉ một trong số hàng ngàn sản phẩm không đạt tiêu chuẩn cho phép, toàn bộ lô hàng sẽ bị hủy.

Để giảm thiểu chuyện mất VSATTP ở siêu thị, ông Phú “hiến kế”, phải phân công tổ chức, cá nhân theo mặt hàng, hàng ngày phải kiểm tra hàng hóa theo hợp đồng mua bán đảm bảo theo quy định của Nhà nước thì mới cho nhập kho đồng thời xây dựng quy chế nhập hàng hóa rõ ràng, chặt chẽ, quy được trách nhiệm cụ thể.

Bên cạnh đó, ông Phú cũng cho rằng, cần thay đổi tư duy quản lý về VSATTP. Hiện nay, các cơ quan chức năng như Cục Quản lý thị trường, Thanh tra Sở Y tế... đang kiểm soát phần “ngọn”. Khi các nông sản được đưa ra thị trường thì mới bị kiểm tra. Điều này sẽ không thể đạt được hiệu quả cao. Các cơ quan quản lý nên tiến hành kiểm tra lương thực, thực phẩm từ khâu sản xuất, nghĩa là ngay từ các chuồng trại, đơn vị chăn nuôi... thì kết quả đạt được sẽ tốt hơn.

Đề cập tới trách nhiệm của Hội Siêu thị TP Hà Nội, ông Phú cho biết, hiện nay, vai trò của Hội chỉ là... nhắc nhở các thành viên kinh doanh đúng pháp luật, còn chuyện xử lý các vấn đề vi phạm Pháp lệnh VSATTP thì lại không thuộc thẩm quyền.

Công tác thanh tra: một năm đôi lần đã là... nhiều lắm!

Hiện trên địa bàn Hà Nội có 18.500 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm. Trong đó, thành phố cấp phép kinh doanh và trực tiếp quản lý 1.500 cơ sở, số còn lại do quận, huyện cấp phép và các cơ sở này thuộc sự quản lý của xã, phường. Ở xã, phường, quản lý như thế nào thì... chịu. Bởi bánh cuốn Hùng Thủy đã hoàn toàn qua được sự kiểm tra của cấp này để lọt vào Big C. Còn 1.500 cơ sở sản xuất kinh doanh do cấp thành phố trực tiếp quản lý, theo ông Nguyễn Việt Cường thì ít nhất mỗi năm thanh tra mỗi cơ sở... 1 lần,... Còn siêu thị thì 2 lần. Ông Cường khẳng định: “Chúng tôi chỉ có 10 biên chế, thanh tra mỗi năm hết từng đấy thì cũng... hết hơi”

Nguyên Vũ - Minh Tiến
.
.
.