Thực hư chuyện cô đồng chữa bách bệnh

Thứ Hai, 25/07/2011, 14:32
Hàng trăm người dân tứ xứ bị mắc các loại bệnh hiểm nghèo đã đổ xô về thôn Xuân Lâm, xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông (Quảng Trị) để cho một người phụ nữ gần 50 tuổi, nhảy múa, lên đồng chữa bệnh cho họ. Việc chữa bệnh diễn ra rất khôi hài, đặc biệt người phụ nữ này trông có vẻ bị mắc bệnh tâm thần nhưng nhiều người vẫn cứ tin vào việc làm nhảm nhí của bà ta...

Đấm vào đầu để... chữa bệnh

Con đường qua xã Triệu Nguyên những ngày này mịt mù bụi đất. Hàng trăm người từ khắp nơi, nghe theo tin đồn nhảm - "thần y" lên đồng chữa bách bệnh, đã đổ xô về đây, ngồi chật cứng trong ngôi nhà chật hẹp, khoảnh vườn hoang ẩm thấp và con đường bê tông liên thôn phía trước. Tôi cởi giày, bước vào hiên nhà nơi có dán chi chít các mảnh giấy, số viết tay, số đánh máy hẳn hoi. Một bé gái khoảng 14 - 15 tuổi, đang ngồi ở chiếc giường tre ọp ẹp đặt ở sân, chợt lao nhanh tới, túm lấy áo tôi kéo lại, nói giọng nghiêm khắc: "Chú phải cởi tất ra. Chú không được mặc tất bước lên hiên nhà". Tôi ngoảnh lại, hàng trăm người đổ ánh mắt vào tôi, vẻ trách móc.

Tôi theo lời em bé và đám đông, cởi tất, bước vào ngôi nhà. Một phụ nữ gần 50 tuổi đang nhảy múa và nói những điều nhảm nhí ở một góc nhà. Trước mặt bà ta có khoảng 30 người, chen nhau ngồi thành từng hàng ngay ngắn, thứ tự bước lên để bà này chữa bệnh. Sau một lúc nhảy múa, bà ta ngồi xếp bằng, hai tay dang rộng thành vòng cung hai bên, rồi bất ngờ...  táng nắm đấm vào đầu người bệnh, cũng đang ngồi xếp bằng ngay ngắn phía trước mặt.

Bị táng đau, thân mình người bệnh rung lên; thừa lúc đó, bà đồng chỉ các ngón tay vào không gian, tựa như phim chưởng, rồi phán: "Đấy! Ta đang truyền dẫn điện vào cơ thể cho ngươi. Ngươi sẽ nhanh khỏi bệnh. Ngươi tìm đến đây, gặp được ta là có phúc lắm đấy!". "Rồi. Xuống", người phụ nữ này lúc xưng "ta", lúc xưng "ông", quát người bệnh và gọi người bệnh tiếp theo lên...

Người dân tập trung tại nhà, vườn của bà Hường để chờ chữa bệnh.

Tôi chen ra khỏi dòng người càng lúc càng đông đổ về thôn Xuân Lâm, đoạn nhắc được xe nhưng chưa kịp nổ máy, thì bị một người đàn ông vừa xuống xe, lao tới đập đập vào vai, giọng hỏi gấp: "Này, này! Đã chữa hết lượt xe máy chưa?". (Người đến chữa bệnh ở đây được phân chia, đợi tới phiên theo nhiều cách. Trong đó, người đi ôtô được ưu tiên chữa trước, lấy số thứ tự màu xanh; người đi xe máy chữa sau, lấy số thứ tự màu vàng...).

Tôi bảo chưa, mới được anh này tâm sự về bệnh tật của con gái mình. Con anh 12 tuổi, bị thoái hoá giác mạc và theo anh đã đưa đi Hà Nội rồi nhưng vẫn không chữa khỏi. Anh đã đưa cháu tới "thần y" lên đồng chữa bệnh này từ nửa tháng nay. "Thế bệnh tình cháu nay thế nào rồi?!", tôi hỏi. Người đàn ông nghe và bỏ đi, như sợ bị làm vỡ niềm tin của mình.

Cơ quan chức năng nói gì?

Ông Nguyễn Văn Thám, quyền Trưởng Công an xã Triệu Nguyên cho biết: Người lên đồng chữa bệnh tên là Phạm Thị Hường, 47 tuổi, là người địa phương. Năm 2005 đến 2006, bà Hường bỏ đi khỏi địa phương và sau đó trở lại sinh sống. Thời điểm này, bà ta có lên đồng để chữa bệnh. Theo đó, một số người dân trong xã và các xã lân cận có đến thử nhưng thấy bệnh không khỏi nên chỉ thời gian ngắn sau đó việc làm của bà ta tự bị giải tán.

Các năm 2008, 2009, một số thân nhân đi tìm hài cốt liệt sĩ đến Triệu Nguyên, ở lại thôn Xuân Lâm và tình cờ gặp bà này, rồi bị bà này bịp bợm. Điều đáng nói là không ít người vì mù quáng mà tin theo, thậm chí đem đâu đó về xã nắm đất, bảo rằng đó là hài cốt của người thân hy sinh trong chiến tranh và nhờ chính quyền xã xác nhận.

Nhận thấy sự việc phức tạp, Công an xã Triệu Nguyên đã báo cáo lãnh đạo Công an huyện Đakrông để có kế hoạch tuyên truyền cho người dân và xử lý đối tượng. Cùng với đó, nhân dân đã kịch liệt phản đối, lên án việc làm bịp bợm của bà Hường nên bà ta sau đó đã không hành nghề nữa. Tuy nhiên, từ đầu tháng 5/2011 đến nay, bà Hường đã hành nghề cũ, khiến dư luận bức xúc, người dân lên án.

Theo tìm hiểu, ban đầu vào thời điểm trên, một số người dân bị mắc các bệnh hiểm nghèo ở vùng Cùa, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đến đây để chữa bệnh. Không có ai trong số họ khỏi bệnh, thậm chí bệnh tình càng nặng hơn nên bà con không đến nữa. Nhưng không hiểu bà con đã đồn đại như thế nào mà người dân ở nơi khác lại đến, rồi người dân ở nơi khác nữa lại đến. Công an xã đã nhiều lần yêu cầu bà Hường đến trụ sở UBND xã để làm việc nhưng mỗi lần như vậy bà ấy cứ điên điên tàng tàng nên chúng tôi chưa có biện pháp...

Hiện tại, chúng tôi đã báo cáo toàn bộ sự việc với lãnh đạo Công an huyện Đakrông và các cấp chính quyền để nhanh chóng có biện pháp xử lý việc làm nhảm nhí của đối tượng trên

Phan Thanh Bình
.
.
.