Thuần phục rắn độc

Thứ Ba, 23/10/2007, 12:18
Từ 2001 đến nay, hễ người bị rắn độc cắn không được đưa kịp thời đến đây thì thôi chứ đến là được cứu sống. Đấy cũng là niềm tự hào nhất của tập thể y, bác sĩ, dược sĩ Trại rắn Đồng Tâm Anh hùng trong lần sinh nhật lần thứ 30 vào ngày 27/10 tới đây.

Cho đến ngày 27/10 tới đây, Trung tâm Nuôi trồng nghiên cứu chế biến dược liệu Quân khu 9, quân dân miền Tây quen gọi là Trại rắn Đồng Tâm sẽ tròn 30 tuổi.

Sống xuyên thế kỷ cùng với… rắn

Sau 30 năm được thành lập, đơn vị từng được Nhà nước tuyên dương danh hiệu cao quý - Anh hùng Lao động này vẫn đứng ở vị trí số 1 của khu vực Đông Nam Á về quy mô nuôi trồng, nghiên cứu, chế biến dược liệu và điều trị rắn độc cắn.

Trại rắn Đồng Tâm nằm cạnh bờ sông Tiền thuộc xã Bình Đức, huyện Châu Thành (Tiền Giang). Gặp lại tôi, Đại tá, dược sĩ Nguyễn Danh Sinh - người con quê gốc Nghệ An, từng có thời gian vào sinh ra tử nơi chiến trường, xem như người nhà.

Anh giới thiệu cho tôi gặp Đại úy Hồ Văn Tài - Tổ phó Tổ kỹ thuật chăm sóc rắn và Trung úy Nguyễn Hữu Viên - nhân viên của Tổ này, từng có bề dày sống chung với rắn đúng 20 năm - thâm niên cao nhất trong nhóm hơn chục người làm công việc này.

Anh Tài cho biết, Trại rắn hiện nuôi dưỡng, nghiên cứu khoảng 40 loại rắn; số lượng thì không thể thống kê nổi; trong số này có những loại rắn rất độc như hổ mang, cạp nong mai gầm, cạp nia mai gầm bạc, hổ mèo, hổ chúa (còn gọi là hổ mây), xếp bậc E trong Sách đỏ Việt Nam - PV, rắn lục đầu vồ (hay rắn lục đuôi đỏ…

Về nguồn gốc của số rắn ở đây, anh Viên cho biết, loại rắn đang được cưng nhất trong Trại là rắn hổ mây với rất nhiều con đạt trọng lượng 7 - 10 kg/con. Sở dĩ cưng chúng vì chúng là loại rắn to xác nhất (loại rắn hổ có mình màu đen tại đây có khả năng đạt trọng lượng 20 kg), cho nhiều nọc nhất.

Người ta nói lột xác là sống trường tồn nhưng thực tế cho tới nay, loại rắn sống dai nhất chỉ bằng nửa đời người - tức khoảng 40 năm; con hổ chúa chỉ sống khoảng 17 năm.

Hầu hết số rắn hổ đang được nuôi dưỡng tại đây có nguồn gốc từ Campuchia do lực lượng chức năng tịch thu lại từ những đối tượng chuyên săn bắt, mua bán động vật hoang dã… xuyên biên giới. Tuy nhiên, cũng có không ít con được người dân hoặc anh em vất vả tìm bắt từ miệt U Minh, Bảy Núi…

Trong số những người sống cùng với rắn tại Trại, có duy nhất một nữ. Đó là chị Trần Thị Thơm, người làng Mỹ Xá, TP Nam Định.

Tốt nghiệp Trường Trung cấp kỹ thuật nông nghiệp Hà Nam Ninh xong, theo gợi ý của người chú ruột là Đại tá Trần Đình Thăng - Phó Giám đốc Bệnh viện 120, chị Thơm về công tác tại Trại.

Một lần nhóm chuyên "sưu tầm" Chuyện lạ Việt Nam của kênh VTV3 Đài Truyền hình Việt Nam vào, Thơm được đơn vị chọn là người ôm rắn để ghi hình.

Tôi không hình dung được điều mà Thơm kể nên theo đề nghị của một anh bạn đồng nghiệp, chị cùng anh Viên ra "lãnh địa" của mấy con rắn mai gầm (hay còn gọi là cạp nong - PV) đang nằm im trong hốc đá.

Trong khi nhiều khách tham quan sợ xanh mặt thì chị Thơm điềm tĩnh bước xuống thò tay bắt rắn. Con rắn mai gầm có khoanh đen, khoanh vàng xen kẽ nhau khè khè, le lưỡi như nhận ra người quen chính là những người từng đút mồi cho chúng ăn trước kia.

Chị Thơm lại leo lên chuồng ôm một con trăn nặng gần cả trăm kilôgam - gấp đôi trọng lượng của chị, lôi ra ngoài sân cỏ.

Khí trời mát mẻ, lại có thảm cỏ êm êm, con trăn dường như nhận ra cơ hội tắm nắng hiếm hoi và hưng phấn muốn pha trò cho chúng tôi và một số du khách chụp ảnh.

Chuyện hàng vạn người thoát khỏi bàn tay tử thần

Năm 2003, trong một lần đến thăm, thấy tình cảnh của người dân nghèo bị rắn độc cắn đáng thương quá, bác Sáu Nam (tên quen dùng của đồng chí Lê Đức Anh - nguyên Chủ tịch Nước) đã đề nghị phải đầu tư, xây dựng chỗ cho bà con nằm, điều trị.

Đến gần giữa năm 2005, đồng chí Phạm Văn Trà khi còn là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khi ghé thăm Trại đã nhắc lại ý của bác Sáu. Thế là dự án Khoa Cấp cứu rắn độc cắn 20 giường cùng với một xưởng sản xuất thuốc theo tiêu chuẩn Tổ chức Y tế thế giới ra đời với giá trị đầu tư là 5,7 tỉ đồng.

Ngày 10/12/2005, sau đúng 5 tháng xây dựng, Khoa Cấp cứu được đưa vào sử dụng. Điều đáng chú ý, kinh phí toàn bộ dự án này là do một nhà hảo tâm - Công ty TNHH Him Lam tài trợ.

Khoa điều trị rắn độc cắn của Trại rắn Đồng Tâm được nhiều người gọi vui là bệnh viện đặc biệt vì đội ngũ y, bác sĩ nơi đây chỉ 10 người (đều là những Bộ đội Cụ Hồ). Trong khi đó, theo quy định và công việc thực tế phải 28 người mới đủ.

Chính vì thiếu người trầm trọng đến thế nên anh em phải gồng mình để hoàn thành nhiệm vụ, dược sĩ Trần Văn Hoàng - Phó Giám đốc Trại, kiêm Trưởng khoa Cấp cứu cho biết.

Bác sĩ Hoàng Văn Hoan kể thêm: "Khoa này rất đặc biệt là bệnh nhân tăng theo thời tiết. Rắn rết không chịu được nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh. Có tuần, anh em chúng tôi phải cấp cứu, chữa trị đến 26 ca, trong đó có 1/2 là bị rết cắn.

Những lúc như vậy thì anh em còn lại (do có 3-4 y, dược, bác sĩ đang đi học - PV) coi như thức trắng. Vất vả nhưng tất cả đều giàu lòng nhân ái và đặc biệt luôn đặt tính mạng của người dân lên hàng đầu! - Đại tá Sinh nói thêm: "Trại chuyên trị bệnh nhân bị rắn độc cắn mà các thầy lang miệt vườn đã… chạy, thậm chí các bệnh viện khác đã… bó tay.

Lượng bệnh nhân đến đây cấp cứu, điều trị trung bình 400-600 ca/năm. Có một kỳ tích đáng tự hào, đó là từ năm 2001 đến nay, dù bị rắn độc gì cắn đi nữa nhưng hễ đến kịp nơi đây, thì chẳng có trường hợp nào bị tử vong!".

Nguyễn Văn Chín Nhỏ, 29 tuổi, nhà ở Long Quới, Ngũ Hiệp, Cai Lậy (Tiền Giang), nhập viện lúc 22h ngày 27/8 kể, anh bị rắn độc cắn khi đang đi đặt lọp ngoài đồng.

Ông Bùi Văn Sơn, 42 tuổi, nhà ở Long Khánh, Cai Lậy, khi đang móc hang cua thì bị rắn cắn, nhập viện lúc 18h45' ngày 29/8. Nguyễn Văn Huy, 26 tuổi, nhà ở Mỹ Long, Cai Lậy, bị rắn cắn khi đang đi soi ếch, cá…

Bác sĩ Hoan kể, nhiều trường hợp nghèo quá, khi bị rắn cắn định nằm chờ chết. Chẳng hạn như trường hợp ông Cao Văn Hường, 50 tuổi, nhà ở An Bình Tây, Ba Tri (Bến Tre), các bác sĩ đã làm hết sức mình mới cứu được ông. Ông đã tỉnh lại lúc 5h10' sáng hôm sau.

Đại tá Danh Sinh cho biết, từ năm 1996 trở về trước, dù cùng phương pháp điều trị là Đông Tây y kết hợp nhưng tỉ lệ tử vong do rắn hổ, rắn lục cắn là 1,5%. Từ năm 1996 đến 2000, tỉ lệ này đã giảm xuống còn 0,5%.

Nhưng từ 2001 đến nay, hễ người bị rắn độc cắn không được đưa kịp thời đến đây thì thôi chứ đến là được cứu sống. Và đấy cũng có lẽ là niềm tự hào nhất của tập thể y, bác sĩ, dược sĩ Trại rắn Đồng Tâm Anh hùng trong lần sinh nhật lần thứ 30 vào ngày 27/10 tới đây.

Hai loại rắn độc phổ biến nhất tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long hiện nay là: hổ đất (tên khoa học: Naza Kaouthia) và lục đầu vồ, đuôi đỏ (Trimererus Peoporum).

Trong số bệnh nhân đến đây, có đến 60-70% bị rắn lục cắn. Mỗi 1 gram nọc đông khô của rắn hổ mang, có thể giết chết 166 người, mỗi người 60kg. Trung bình, con rắn 1kg, mỗi lần lấy nọc (1 tháng lấy 1 lần) sẽ cho lượng nọc khoảng 0,138ml, tương đương 0,044 gram sau khi đông khô. Tính độc của nọc rắn thay đổi theo mùa và vùng địa lý; cả tuổi tác.

Chẳng hạn, rắn độc vùng núi khô khan thì đặc tính của nọc loài rắn ấy cao hơn độc tính của nọc lài rắn sống nơi giá lạnh, sình lầy. Người bị rắn cắn vào mùa hè thường nặng hơn người bị vào mùa đông. Rắn độc chưa trưởng thành ít độc hơn rắn trưởng thành.

Thái Bình
.
.
.