Khai thác vận chuyển hành khách cao tốc Hà Nội – Lào Cai:

Thuận lợi cho khách hàng, cơ hội cho doanh nghiệp

Thứ Ba, 23/09/2014, 10:56
Cao tốc Hà Nội – Lào Cai thông tuyến khiến cho hành trình từ Thủ đô đến “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” chỉ còn khoảng 3,5 giờ. Thay vì chọn tàu hỏa như trước đây, hành khách cũng có thể chọn đường bộ. Các doanh nghiệp vận tải hành khách, cơ quan tổ chức và quản lý giao thông đã làm gì để khai thác dịch vụ hứa hẹn đem lại nhiều lợi ích kinh tế, cũng như đảm bảo an toàn giao thông?

Rút ngắn 1/2 thời gian cho hành khách

Trước ngày cao tốc Hà Nội – Lào Cai thông tuyến một tuần, chúng tôi đã có dịp tác nghiệp trên tuyến đường này. Vì thế, chúng tôi đã gặp các chiến sỹ CSGT, nhân viên điều hành của Công ty quản lý và khai thác đường cao tốc, các lái xe. Và đặc biệt, chúng tôi đã có cuộc tiếp xúc với doanh nghiệp vận tải. Trò chuyện với tôi, giám đốc một doanh nghiệp vận tải có tiếng của tỉnh Lào Cai cho biết, cao tốc này mở ra đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho ngành vận tải. Là một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này, anh cũng “đi trước đón đầu”. Trước đó, anh đã liên hệ với Sở Giao thông Vận tải Hà Nội để đặt vấn để xin “lốt” (chuyến). Tuy nhiên, anh nhận được câu trả lời là hiện tại không thể mở “lốt” ở bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát vì đã hết chỗ.

Nếu muốn, anh chỉ có thể mở “lốt” ở bến xe Nước Ngầm, bến xe Yên Nghĩa. Mặc dù rất muốn đầu tư xe chạy tuyến Hà Nội – Lào Cai nhưng anh vẫn chần chừ. Lý do anh đưa ra ngoài việc khó khăn trong việc xin “lốt” ở những bến xe “hot”, còn vì muốn đợi kết quả sắp xếp lại các “lốt” xe cũ giữa hai Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và Lào Cai. Sau khi việc này được thực hiện, “tôi sẽ đầu tư bởi tiềm năng khai thác dịch vụ vận tải hành khách ở đây rất lớn”, anh cho biết.

Xe khách đi trên cao tốc Hà Nội – Lào Cai hiện chủ yếu là xe đi từ đầu tuyến đến cuối tuyến.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, số lượng xe khách Hà Nội – Lào Cai có hơn 100 chuyến. Các chuyến xe khách này xuất bến tại các bến xe: Mỹ Đình, Giáp Bát hoặc tại chính địa điểm đặt văn phòng của doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp du lịch lữ hành.

Liên hệ với phòng vé của doanh nghiệp Hưng Thành, chúng tôi được biết, lịch trình xuất phát xe chạy Hà Nội – Lào Cai lúc 19h30’ hằng ngày tại 40 Võ Thị Sáu. Từ ngày 21/9, xe chạy trên cao tốc Hà Nội – Lào Cai hết khoảng 3,5 giờ. Thế nên, thay vì phải sang ngày hôm sau xe mới đến Lào Cai thì giờ 23h đã đến đích. Liên quan đến giá vé, cô nhân viên khẳng định: Giá vé 250.000đ và không đổi vì phí của cao tốc cao.

Ông Nguyễn Mạnh Tiến, Giám đốc bến xe Mỹ Đình cho biết, hiện xe chạy tuyến Lào Cai đa số là xe giường nằm. Việc có xếp thêm “lốt” chạy tuyến Hà Nội – Lào Cai sau khi thông tuyến cao tốc do quyết định của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và Lào Cai.

Trao đổi với đại diện bến xe Nước Ngầm, tôi được biết, với cơ sở hạ tầng sẵn có, bến xe này sẵn sàng đón nhận xe khách chạy tuyến Hà Nội – Lào Cai. Được biết, dù nằm ở cửa ngõ phía Nam nhưng lộ trình từ bến xe này ra cao tốc Hà Nội – Lào Cai khá thuận lợi, bởi đây là nơi nằm ở đoạn đầu của đường cao tốc trên cao nối ra tuyến đường Thăng Long - Nội Bài.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hiện nay, doanh nghiệp vận tải Hà Sơn của tỉnh Lào Cai đang xây dựng bến xe ở cuối đường 58, thành phố Lào Cai và đầu tư hàng loạt xe mới. Nhu cầu của hành khách, đặc biệt là khách du lịch rất lớn nên cách làm này của Hà Sơn hứa hẹn cho kết quả khả quan.

Phải đảm bảo an toàn và thuận tiện

Tham gia giao thông trên tuyến cao tốc Hà Nội – Lào Cai là rất thuận tiện, tuy nhiên, các doanh nghiệp vận tải khi khai tác tuyến này phải đảm bảo nghiêm ngặt yêu cầu về an toàn giao thông. Ông Nguyễn Tường An, Giám đốc Trung tâm điều hành cao tốc Hà Nội – Lào Cai khuyến cáo, xe khách không được đón trả khách trên đường cao tốc, mà buộc phải xuống nút giao để dừng đỗ đón trả khách.

Trên cao tốc có 11 nút giao với các tuyến giao thông trọng điểm để tạo thuận lợi cho người tham gia giao thông có thể đến nhiều địa bàn khác nhau. Cụ thể: Nút giao đầu tuyến tại Km0; nút giao IC3 vào Khu công nghiệp Đình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc tại Km 14; nút giao IC4 giao với quốc lộ 2B đi Tam Đảo; nút giao IC6 – Văn Quán đi vào huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc (hiện chưa hoàn thiện); nút giao Phù Ninh đi Đền Hùng – Việt Trì (Phú Thọ); nút giao IC10 Sai Nga giao với quốc lộ 32C đi Cẩm Khê, Thanh Ba, Hạ Hòa (Phú Thọ); nút giao IC13 đi ra quốc lộ 37, thành phố Yên Bái (nút này hiện cũng chưa hoàn thiện); nút giao IC14 đi ra thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái; nút giao IC16 ra quốc lộ 279 đi huyện Văn Bàn, đền ông Hoàng Bảy, tỉnh Lào Cai; nút giao IC17 đi quốc lộ 4E (Phố Lu – Lào Cai); điểm cuối tuyến là nút giao IC18 tới thành phố Lào Cai.

Xe khách rẽ vào các nút giao trên để đón trả khách thì hoàn toàn không bị tăng phí đường. Bởi phí đường được thu theo từng chặng, không có chuyện phát sinh phí so với đi thẳng tuyến cao tốc.

Nói về nguy cơ xe dừng đỗ trả khách “trộm” trên cao tốc, ông Nguyễn Tường An nhận định, nguy cơ trên không loại trừ, nhưng sẽ rất ít. Bởi tuyến đường cao tốc ít đi qua khu vực dân cư. Nếu xuống giữa đường thì khách phải đi bộ tới 5 - 7km. chẳng mấy người dân lại xuống xe để đi bộ một quãng đường xa như vậy.

Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam đã ký quy chế phối hợp với lực lượng Công an và Ban An toàn giao thông các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai. Trung tâm điều hành đường cao tốc cũng ký quy chế phối hợp cụ thể với các huyện có đường cao tốc đi qua để phối hợp đảm bảo an toàn giao thông tuyến cao tốc

Cao Hồng - Việt Hà
.
.
.