Thừa Thiên – Huế: Nhiều vướng mắc trong công tác bảo tồn nhà vườn cổ

Thứ Tư, 09/04/2014, 14:42
Cố đô Huế có hàng nghìn nhà vườn cổ mang đậm dấu tích văn hóa - lịch sử gắn liền với các phủ đệ do vua chúa triều Nguyễn ngày xưa để lại. Thế nhưng, do nhiều bất cập trong công tác quản lý, bảo tồn, nên đến nay, nhiều nhà vườn cổ đã bị “xóa sổ”; số còn lại đang trong tình trạng hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.

Ngoài Đại Nội - Huế và nhiều di tích như các lăng: Minh Mạng, Tự Đức, Gia Long; chùa Thiên Mụ... thì nhiều du khách đến Huế lại muốn tìm hiểu văn hóa, lịch sử và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các khu nhà vườn cổ. Nhiều năm qua, Xuân Viên Tiểu Cung (số 3/22 Phú Mộng, phường Kim Long, TP Huế) được du khách nước ngoài đánh giá là một trong những ngôi nhà vườn cổ xưa còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử đặc biệt đậm “chất Huế”. Tuy nhiên, trải qua hàng thập kỷ cũng như sự lúng túng trong việc bảo tồn của cơ quan chức năng nên đến nay, ngôi nhà vườn cổ “có một không hai” này đang trong tình trạng hư hỏng nặng nề.

Nghe có người hỏi về nhà vườn cổ, bà Phạm Thị Tý (86 tuổi, chủ nhà vườn Xuân Viên Tiểu Cung) không ngần ngại dẫn tôi tham quan kiến trúc cổ của khu vườn. Chỉ tay lên mái ngói của ngôi nhà cổ được dựng theo kiểu 3 gian 2 chái đang xuống cấp, bà Tý không thể giấu hết nỗi buồn: “Khu nhà vườn này được xây dựng từ năm 1894, trên diện tích 2.694m2. Mặc dù gia đình đã nhiều lần tu sửa, nhưng đến nay phần mái đã bị xuống cấp nặng; bức tường phía sau bị nghiêng; các cột kèo bằng gỗ bị hỏng hoàn toàn... giờ không biết lấy tiền đâu để tu sửa”.

Theo Quyết định số 2434/2009/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế “Quy định một số chính sách quản lý và bảo vệ nhà vườn Huế” thì nhà vườn của bà Tý nằm trong số 150 nhà vườn được khảo sát, kiểm tra... để cấp ngân sách tu bổ, nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện. Bà Tý cho biết thêm: “Theo quyết định trên, chúng tôi sẽ nhận được số tiền 105 triệu đồng nhưng để tu bổ nhà vườn này, ước tính phải mất gần 800 triệu đồng. Vì nhiều vướng mắc như thế nên suốt 5 năm qua, dự án tu bổ vẫn chưa thấy triển khai...”.

Phủ Diên Khánh Vương hiện có nhiều hạng mục đã xuống cấp nhưng chưa được sửa chữa, bảo tồn.

Theo số liệu Phòng VH-TT Huế, cung cấp thì năm 2002, đơn vị này đã tiến hành khảo sát và thống kê trên toàn địa bàn có khoảng 7.178 nhà vườn cổ. Trong đó, có 150 nhà thuộc diện “đặc biệt” cần được bảo tồn khẩn cấp đã được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đưa vào dự án “bảo tồn nhà vườn cổ xưa giai đoạn 5 năm từ 2006- 2010”. Thế nhưng đến nay, sau 5 năm triển khai thực hiện, dự án này mới chỉ hoàn thành việc tu bổ cho duy nhất... 1 nhà vườn Thương Lạc Viên (phường Kim Long, TP Huế). Ngoài ra, việc chậm thực hiện dự án đã để lại hậu quả nặng nề, đó là 23/150 nhà vườn cổ bị “biến mất” hoàn toàn. Một số nhà vườn khác cũng bị chủ nhân đập bỏ để lấy đất xây dựng nhà ở và nhiều nhà vườn khác đang trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng nặng.

Thêm một dẫn chứng điển hình khác, đó là sau nhiều năm mỏi mòn chờ đợi được cấp vốn bảo tồn, nhà vườn cổ Diên Khánh Vương (số 228, Nguyễn Sinh Cung, phường Vỹ Dạ, TP Huế) vốn là phủ của con trai thứ 7 vua Gia Long (được UBND TP Huế công nhận di tích lịch sử, văn hóa vào tháng 8/2012) cũng đang bị xuống cấp trầm trọng. Ông Nguyễn Phước Hiệp Lư (65 tuổi), người kế thừa và trông coi phủ Diên Khánh Vương bày tỏ sự lo lắng: “Do không được bảo tồn kịp thời nên phần mái nhà 3 gian, 2 chái vồn làm bằng ngói liệt âm dương của phủ này đã bị sập, gia đình đành ngậm ngùi lợp lại bằng ngói thường do không có kinh phí. Ngoài ra, nhiều hạng mục của phủ đệ đã hư hỏng, phần đất của phủ cũng bị lấn chiếm để xây dựng nhà cao tầng...”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Thanh, Phó Trưởng phòng VH-TT Huế thừa nhận, chính sách hỗ trợ để bảo tồn nhà vườn cổ được triển khai trong thời gian qua có tồn tại nhiều hạn chế. Cụ thể, chính sách hỗ trợ bảo tồn nhà vườn được bắt đầu triển khai từ năm 2006; nhưng đến năm 2010, UBND TP Huế mới cho phép thành lập Ban quản lý nhà vườn. Năm 2011, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế mới thành lập Hội đồng đánh giá, thẩm định và phân loại nhà vườn (!?). Điều này đã làm chậm trể quá trình kiểm tra, khảo sát bảo tồn nhà vườn cổ. “Hiện thủ tục để thực hiện chính sách hỗ trợ công tác bảo tồn nhà vườn cổ quá nhiêu khê, hồ sơ được thẩm định qua rất nhiều cấp. Mặt khác, do nhiều chủ nhà vườn không muốn hợp tác với cơ quan chức năng nên ngày càng có nhiều nhà vườn cổ bị xóa sổ, giá trị văn hóa, lịch sử ở các phủ đệ gắn liền với vua chúa triều Nguyễn cũng dần bị biến mất. Đây là điều mà chúng tôi hết sức lo lắng và trăn trở!”, ông Thanh bày tỏ.

Theo ông Nguyễn Xuân Hoa, nhà nghiên cứu Văn hóa Huế, hiện việc bảo tồn nhà vườn Huế đang diễn ra theo kiểu “đại trà” với quá nhiều thủ tục nhiêu khê dẫn đến không hiệu quả. Để tiến hành bảo tồn những khu nhà vườn cổ đặc sắc, các nhà vườn phủ đệ... thì các cơ quan chức năng cần có sự vào cuộc quyết liệt, phối hợp chặt chẽ với người dân hơn nữa để rút ngắn thời gian thực hiện, có như vậy mới hy vọng cứu sống nhà vườn cổ xứ Huế...

Lê Anh
.
.
.