Thừa Thiên-Huế: Tấm lòng đối với trẻ em xóm vạn đò

Thứ Ba, 16/09/2008, 08:57

Với mong muốn giúp đỡ cho trẻ em xóm vạn đò ở đầm Sam thoát khỏi cảnh mù chữ, hàng chục năm nay ngư dân Trần Văn Hoà đã miệt mài dạy chữ miễn phí cho trẻ em trong vùng. Chính nhờ việc làm cao cả đó, mà bao nhiêu thế hệ trẻ em vạn đò ở đầm Sam đã thoát khỏi cảnh mù chữ, có em còn vươn lên học đến đại học.

Dạy học không công

Vượt qua khỏi con đường đất gồ ghề chạy dọc theo cánh đồng lúa, tôi tìm về đầm Sam nằm cạnh phá Tam Giang rộng lớn. Hàng chục năm trước ngư dân vạn đò ở các xã Phú Mỹ, Phú An, Phú Xuân.... (huyện Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) đã tập trung về đây đánh bắt và hình thành nên xóm vạn đò ở bên bờ đầm Sam. Cuộc sống lênh đênh trên sông nước, đi đâu là cả gia đình theo đó nên trẻ em ở đây rơi vào cảnh thất học. Nhiều trẻ em đến tuổi không được đến trường, lớn lên không biết chữ nên cũng chẳng biết làm gì đành theo bố mẹ ra đầm đánh bắt. Cái vòng luẩn quẩn, thất học nghèo khó đã khiến người dân ở đây không thể thoát ra được.

Nhìn cảnh trẻ em đến tuổi không được đi học, anh Trần Văn Hòa có ý tưởng mở lớp học để xoá mù cho trẻ em trong thôn. Nhưng tìm ra chỗ để mở lớp học là rất khó, bởi trong thôn ai cũng nghèo, nhà cửa rách nát, bàn ghế không có... Anh đành tận dụng căn nhà ngang của mình làm lớp học xoá mù, với tâm nguyện là giúp cho trẻ em trong thôn biết đọc, biết viết... để ứng xử cho phải với đời. Do không có bàn ghế nên anh đã mượn mấy tấm ván cũ để làm bàn, còn ghế thì tận dụng những viên bờ lô, những gốc cây... Vậy là lớp học tình thương bên bờ đầm Sam ra đời.

Hàng ngày sau những giờ chài lưới mệt nhọc trên đầm, đêm đêm lớp học tình thương của anh Hoà lại rộn rã tiếng học bài của con trẻ. Ban đầu chỉ một vài em, anh Hoà lên Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Phú Vang mượn sách và dạy theo kiểu xoá mù... Việc mở lớp đã khó, nhưng vận động trẻ em ở đây đến lớp học chữ càng gian nan gấp bội. Những đứa trẻ ở đây đến tuổi lên năm, lên sáu đã phải theo cha mẹ chài lưới mưu sinh nên chẳng thiết đến chuyện học hành.

Anh Hoà cho hay: "Tui phải đến từng nhà vận động nhiều lần cha mẹ mới cho con đến lớp, nhưng chỉ học được vài ba hôm lại bỏ học, vận động mãi các em mới chịu quay lại lớp học. Thế rồi "mưa dầm thấm lâu", những đứa trẻ ngày xưa chẳng biết sách vở là gì nay lại biết đọc biết viết, em nào học giỏi lại được anh Hoà thưởng, khi thì vài gói kẹo, khi là chiếc áo... nên các em rất thích thú. Dần dần bà con lối xóm gửi con em vào học, lớp học của anh Hoà vì thế cũng đông dần lên...

Lớp học đơn sơ tồn tại được 3 năm, Sở Giáo dục tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tặng anh Hoà 10 bộ bàn ghế. Vậy nhưng chỉ hai năm sau (năm 1995), một đợt lũ lớn đã cuốn trôi tất cả. Lớp học tình thương của anh Hoà lại duy trì theo kiểu cũ. Đến năm 2000, các nhà hảo tâm đã hỗ trợ tiền xây dựng phòng học trong khuôn viên vườn nhà của nhà anh Hoà. Từ đó lớp học của anh Hoà được duy trì đều đặn hàng ngày. Sau một thời gian dài tồn tại, lớp học của anh Hoà đã giúp bao thế hệ học trò ở đầm Sam biết được con chữ, chính nhờ đó họ có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Đến nay, xóm vạn đò ở đầm Sam có gần 50 hộ dân với gần 300 nhân khẩu là dân vạn đò nhiều nơi ở huyện Phú Vang tập trung về sinh sống, có 40 hộ sống trên bờ và 10 hộ sống dưới thuyền.

Lên lớp là thầy giáo, ở nhà là ngư dân

Một ngư dân chính hiệu, chuyên làm nghề chài lưới và nuôi trồng thuỷ sản, đêm làm nghề, ngày dạy học vậy mà suốt 19 năm nay anh Hoà dạy học không lương, một điều khó ai có thể làm được.

Anh Hoà cho hay, "Tui cũng là dân vạn đò, sinh ra và lớn lên trên thuyền, từng lênh đênh theo gia đình đánh bắt tôm cá ở đầm Sam, đầm Chuồn (Phú Vang), sau này cả nhà lên ở trên cạn, đều may mắn hơn những người cùng trang lứa là hồi nhỏ được gia đình cho đi học hết lớp 9 ở trường kiểu mẫu Huế. Tui thấy cuộc sống của người dân ở đây nghèo đói triền miên cũng là do không biết chữ mà nên. Vì vậy biết được chừng nào tui bày cho các em chừng nấy". Không những dạy học, nhiều lúc anh còn cho các em khó khăn ở lại tại nhà mình để học. Ví như trường hợp hai chị em Trần Thị Phương Linh (10 tuổi) và Trần Thị Phương Thảo (12 tuổi), bố mẹ suốt ngày chài lưới trên đầm nên đã gửi luôn các em tại nhà anh Hoà để học chữ, năm nay các em đã học lớp 2, đã đọc thông viết thạo...

Chị Nguyễn Thị Mại, một ngư dân ở đầm Sam cho hay, tui có 7 đứa con, do nghèo khó, không có tiền cho con đến trường, đành gửi vào học ở lớp tình thương của anh Hoà. Hầu hết các hộ dân ở đây đều gửi con vào học ở lớp học anh Hoà, bởi một lý do đơn giản là các em được học chữ mà không tốn tiền. Hiện lớp học tình thương của anh Hoà có 40 học sinh từ lớp 1 đến lớp 4, mỗi ngày anh chia ra 2 buổi, sáng dạy lớp 1 và lớp 2, chiều dạy lớp 3 và lớp 4. "Tui chỉ dạy xoá mù  từ lớp 1 đến lớp 4, hết lớp bốn nếu em nào có đủ điều kiện tui xin ra học hoà nhập tại Trường Tiểu học xã Phú Mỹ. Bình quân mỗi năm có 4-5 em học sinh ở lớp tình thương của anh Hoà học hoà nhập, còn lại các em ở nhà theo bố mẹ làm nghề cũng có thể tính toán làm ăn. Nhiều em sau khi học hoà nhập xong đã học hết cấp ba và làm ăn thành đạt. Riêng có những em thi đỗ vào đại học như Trần Văn Muống, đang học năm thứ 2 Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Đoàn Văn Cự, học tại chức ở Trường Đại học Khoa học Huế...

Chừng ấy thôi đã làm anh mãn nguyện lắm rồi, bởi những đứa trẻ ở xóm nghèo này, ngày xưa một chữ bẻ đôi cũng không biết, bây giờ đã có người vào đại học, còn lũ trẻ thì đứa nào cũng biết đọc biết viết, sau này các em sẽ mang theo làm hành trang vào đời

Đài Trang
.
.
.