Thừa Thiên - Huế: Dân bán thịt thú rừng nhan nhản

Thứ Bảy, 24/02/2007, 09:49

Từ tinh mơ đến tối mịt, dọc QL49 đoạn từ chân cầu Tuần, xã Hương Thọ, huyện Hương Trà đến các xã vùng cao của huyện A Lưới, người dân địa phương bày bán nhan nhản thịt thú rừng. Ở đó, có nơi chỉ cách trụ sở UBND xã vài chục bước chân, nhưng nhộn nhịp kẻ mua, người bán…

Tại Huế, chẳng chút khó khăn nếu muốn mua vài chục kilôgam, thậm chí vài tạ thịt thú rừng. Chỉ cách TP Huế vài cây số, thôn La Khê Bãi, xã Hương Thọ, là nơi bán thịt thú rừng với đủ loại, từ mang, nhím, kỳ đà, lợn rừng đến… nai, hươu! Tùy theo loại thịt người mua ưa thích sẽ có giá khác nhau, từ 45.000 đồng đến 100.000 đồng.

Thôn La Khê Bãi nằm sát cầu Tuần (trên tuyến QL1A tránh TP Huế) và chỉ cách trụ sở UBND xã Hương Thọ khoảng 150m, nhưng từ lâu đã trở nên nhộn nhịp như một cái chợ(!). Chỉ khác, ở đó người ta chỉ bán thịt thú rừng.

Một cán bộ xã Hương Thọ (xin giấu tên) cho biết, trước đây, mỗi lần cán bộ Kiểm lâm truy quét chợ thịt rừng thường mang thịt đi nơi khác và chẳng biết họ làm gì với số thịt thu được, nhưng về sau do người bán phản đối, nên họ buộc lòng thiêu hủy tại chỗ. Còn bây giờ, chẳng mấy khi thấy họ truy quét…

Chúng tôi cũng đã bắt gặp được cảnh cán bộ Kiểm lâm đi truy quét. Những mảng thịt thú rừng đỏ tươi bị thấm xăng cháy xèo xèo. Người bán, người làm nhiệm vụ chăm chú nhìn những đống thịt lớn cháy cho đến khi ngọn lửa trở nên yếu ớt bỗng vụt lên rồi tắt. Song chỉ lát sau, khi cánh cán bộ xa dần trên con đường cái quan, chợ thịt rừng ở đây nhóm họp lại bình thường, thậm chí có phần nhộn nhịp hơn!

Ông Trần Văn Ngọ, Trưởng Công an xã Bình Điền (Hương Trà), cho biết, từ năm 2002 trở về trước, trên địa bàn xã này có không ít chợ thịt rừng, nhưng nhờ các lực lượng chức năng địa phương, đặc biệt là Ban Công an xã truy quét, xử lý nghiêm nên chợ thịt rừng dạt về Hương Thọ, tồn tại một cách công khai.

Một góc "chợ thịt thú rừng" ở Hương Thọ.

Sở dĩ có chợ thịt rừng là vì người dân các xã Bình Thành, Hồng Tiến (Hương Trà), Hưng Nguyên, Hồng Hạ (A Lưới) và người dân ở các tỉnh phía Bắc (nhiều nhất là Nghệ An và Quảng Bình) săn bắn thú rừng ở những vùng rừng A Lưới (Thừa Thiên - Huế) và Đakrông (Quảng Trị), rồi vận chuyển theo QL49 về Hương Thọ tiêu thụ.

Ở địa phương này vì thế hình thành nên các "đầu nậu" (những người móc nối với cánh thợ săn thu mua thịt thú rừng số lượng lớn để buôn bán lại). Những người bán lẻ chỉ cần nhấc điện thoại, ít phút sau người làm thuê cho "đầu nậu" lập tức có mặt, mang đến đủ khối lượng, chủng loại thịt thú rừng theo yêu cầu.

Nằm về phía tay trái, hướng cầu Tuần - A Lưới, trên QL49 có một "đầu nậu" cỡ lớn tên là S. Người dân địa phương cho biết, S. làm nghề này đã hơn 10 năm nay, lúc đầu gia đình y rất nghèo, nhưng hiện tại thứ gì cũng có, lại dùng toàn đồ xịn. Nói nôm na, để y có được thứ tài sản dù là nhỏ nhất, không ít con thú đã phải mất mạng và đơn giản nếu cộng lại tổng số tài sản trong gia đình y thì đã có đến hàng nghìn con thú rừng xấu số như thế!

Biết chúng tôi có ý định nhờ lực lượng chức năng cùng vào nhà y để "mục sở thị" cảnh tượng giết mổ thú rừng, người dân ở đây lắc đầu, cười khó hiểu. Cuối cùng chúng tôi đành "xổ" cái bản lĩnh "liều mạng" vốn có của những người làm báo, đơn độc đột nhập, bấm được vài kiểu ảnh cảnh những con nai to lớn vừa bị cắt đầu, mổ làm đôi…

Một ngày áp Tết Đinh Hợi, chúng tôi đem chuyện bất bình kể trên tâm sự với cán bộ Kiểm lâm Trạm Kiểm soát lâm sản Bình Điền (đơn vị có chức năng tuần tra, kiểm soát, xử lý những hành vi vi phạm lâm luật ở địa bàn 5 xã vùng đồi của huyện Hương Trà, trong đó có xã Hương Thọ).

Một cán bộ Kiểm lâm ở đây không mấy mặn mà trước sự có mặt của chúng tôi, vừa xem chương trình ca nhạc trên tivi, vừa "nhặt" râu cằm thong thả như gà đau mổ thóc! Cuối cùng anh cán bộ này cũng buông được mấy lời, rằng thủ trưởng ở đây tên là Yên đang bận họp trên huyện!...

Thực trạng thú rừng bị sát hại la liệt ở Thừa Thiên - Huế, từ lâu đã được công luận lên tiếng báo động, không ít ngành chức năng cũng đã rốt ráo vào cuộc. Nhưng có một thực tế đau lòng, rằng chừng nào những người có trách nhiệm giữ cửa ngõ của rừng còn bỏ ngỏ, buông lỏng nhiệm vụ quản lý của mình, chừng đó thú rừng ở đây vẫn còn bị giết hại một cách vô tội vạ…

T.Bình - V.Hiếu
.
.
.