Thư viện “nhân dân” ở Nghệ An

Thứ Tư, 23/09/2009, 14:56
Thư viện do những người dân trong khối Trung Hòa (phường Hà Huy Tập, TP Vinh, Nghệ An), góp sách báo thành lập từ năm 2002 để phục vụ các em học sinh, sinh viên và mọi người dân. Hiện nay, thư viện đã có đến 3.000 đầu sách báo các loại để mọi người đọc.

Ngày chủ nhật, tại nhà văn hóa khối Trung Hòa (phường Hà Huy Tập, TP Vinh, Nghệ An), rất đông các em nhỏ cặm cụi ngồi đọc sách. Ông Thái Khắc Hoàng cẩn thận xếp những cuốn sách vào tủ. Ông hồ hởi nói: "Từ ngày có thư viện này, bọn trẻ con ở đây không còn chơi games và lông nhông ngoài đường nữa".

Đó là thư viện do những người dân trong khối góp sách báo thành lập từ năm 2002 để phục vụ các em học sinh, sinh viên và mọi người dân. Hiện nay, thư viện đã có đến 3.000 đầu sách báo các loại để mọi người đọc. Nhiều người gọi cái thư viện nhỏ này là thư viện "nhân dân".

Các em mượn, trả sách.

Ý tưởng thành lập thư viện xuất phát từ những trăn trở về việc trẻ em trong khối thường xuyên chơi games và sa vào những trò chơi vô bổ. Mục đích là để thanh thiếu niên và mọi người dân có nơi đọc sách báo phục vụ học tập, làm việc và giải trí. Thấy có ích, mọi người tích cực hưởng ứng. UBND phường dành cho một ít tiền và hai tủ sách "làm vốn" đặt ở nhà văn hóa. Các loại sách báo đều do người dân trong khối ủng hộ. Ai có loại sách gì bổ ích thì đóng góp.

Người ít thì một vài cuốn, có người nhiều như bác Nguyễn Tiến Chương thì đem cả bộ sách triết học và sách về Hồ Chí Minh cả mấy chục cuốn tặng. Chẳng mấy chốc, mấy tủ sách đã chật cứng. Các loại sách cũng được sắp xếp theo chủng loại. Có đủ cả các loại sách về khoa học, kinh tế, văn hóa, lịch sử, danh nhân, văn học... và nhiều loại báo. Mỗi khi có sách hay mới ra thì thư viện đều cố gắng bổ sung để mọi người cùng đọc.

Lãnh đạo khối cử ra một Ban quản lí làm việc không công trong đó Tổ trưởng là bác Nguyễn Bá Công, phụ trách theo dõi sổ sách là bác Nguyễn Tiến Chương, còn bác Thái Khắc Hoàng phụ trách việc đặt mua sách báo cho thư viện.

Từ khi có thư viện này, nhiều người đến đọc sách báo thường xuyên. Có hôm nhà văn hóa không còn chỗ cho bạn đọc. Nhiều nhất là các em thiếu nhi đến đọc báo và các loại truyện thiếu nhi. Ngoài ra, còn có cả các cụ già đã nghỉ hưu hay những anh chị sinh viên đến tìm tài liệu học tập hoặc làm đề tài tốt nghiệp. Nhìn mấy đứa trẻ say sưa đọc sách mới thấy được thư viện hoạt động hiệu quả và có ích.

Em Nguyễn Văn Tài (lớp 6) hồn nhiên nói: "Thấy các bạn thường đến thư viện đọc sách báo nên em cũng đi theo rồi quen dần. Bây giờ không còn trốn cha mẹ đi chơi võ lâm nữa"

Minh Thông
.
.
.