Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Văn hóa là động lực sâu xa của phát triển

Thứ Tư, 07/03/2007, 08:52

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, động lực sâu xa của phát triển kinh tế - xã hội đất nước chính là văn hóa. Ngay cả trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm, văn hóa cũng góp phần quan trọng để giảm bớt người phạm tội.

Sáng 6/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới thăm và làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Trước đó, chiều 5/3, Thủ tướng cũng đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Bộ Văn hóa - Thông tin (VH-TT) về việc triển khai nhiệm vụ năm 2007 và kế hoạch đến năm 2010.

Trong buổi làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đánh giá cao truyền thống lịch sử hơn 60 năm qua, đặc biệt những thành tựu đạt được trong những năm gần đây của Đài Tiếng nói Việt Nam. Thủ tướng nhấn mạnh, Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi tiếng nói của dân tộc, của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Để phát huy mạnh hơn truyền thống của mình, trong những năm tới, Đài Tiếng nói Việt Nam cần đặc biệt quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng các chương trình phát thanh phục vụ tốt nhu cầu thông tin của thính giả trong và ngoài nước. Đài Tiếng nói Việt Nam cũng cần tiếp tục quan tâm đến việc mở rộng diện phủ sóng cũng như nâng cao chất lượng sóng. Từ nay đến năm 2010, Đài Tiếng nói Việt Nam phấn đấu hoàn thành mục tiêu phủ sóng 100% dân cư cả nước, đảm bảo tất cả các vùng đều thu có chất lượng ít nhất một kênh của Đài Tiếng nói Việt Nam (2007-2008).

Đặc biệt, Thủ tướng đã nêu ra yêu cầu Đài Tiếng nói Việt Nam nỗ lực phấn đấu trở thành Đài phát thanh quốc gia mạnh, có uy tín trong khu vực và trên thế giới, cung cấp kịp thời thông tin đi vào lòng dân trong nước và bạn bè quốc tế khắp năm châu.

Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Bộ VH-TT chiều 5/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, năm 2006, trong những thành tựu quan trọng của cả hệ thống chính trị và cả đất nước có sự đóng góp rất lớn của ngành VH-TT, trong đó văn hóa đã thực sự trở thành nền tảng của xã hội.

Thủ tướng cho rằng, xét đến cùng, động lực sâu xa của phát triển kinh tế - xã hội đất nước chính là văn hóa. Sự đùm bọc, tương thân tương ái của bà con vùng bị thiên tai bão lụt là nét văn hóa lớn trong đời sống xã hội. Ngay cả trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm, văn hóa cũng góp phần quan trọng để giảm bớt người phạm tội.

Thủ tướng biểu dương các cơ quan văn hóa, thông tin báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình trong cả nước đã góp phần đắc lực xây dựng đời sống văn hóa, mở rộng dân chủ, công khai hóa, minh bạch hóa chính sách, sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thời gian qua, các cơ quan văn hóa, thông tin báo chí đã tuyên truyền tốt chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, nhân rộng điển hình tiên tiến, đóng góp to lớn và tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Về nhiệm vụ của ngành VH-TT trong năm 2007 và những năm tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý cần phải chú trọng nâng cao đời sống văn hóa cho nhân dân. Đồng thời, ngành văn hóa phải xây dựng cơ chế khuyến khích sáng tạo văn hóa, nghệ thuật, để có được những tác phẩm văn hóa lớn phản ánh được thành quả của 20 năm đổi mới đất nước.

Để văn hóa phát triển, Thủ tướng yêu cầu Bộ VH-TT tập trung xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các thể chế, chính sách do ngành quản lý, hoàn thiện chiến lược, quy hoạch phát triển ngành gắn với việc đẩy mạnh xã hội hóa; phối hợp với Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương và các Bộ, ngành khác thực hiện tốt Kết luận 41 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 37 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý báo chí. Bộ cần tập trung chỉ đạo để nhanh chóng xây dựng những công trình văn hóa lớn như: Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Trường quay điện ảnh, Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia II…

PV tổng hợp
.
.
.