“Siêu bão” vào biển Đông:

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu “hạn chế thấp nhất thiệt hại của người dân”

Thứ Sáu, 08/11/2013, 19:55
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn TW, 13h ngày hôm nay, 8/11, vị trí tâm bão Haiyan ở trên khu vực miền Trung Philippin. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 16 (184 - 201 km/h), giật trên cấp 17.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 35km. Như vậy khoảng tối nay (8/11), bão sẽ đi vào phía Đông Nam biển Đông. Đến 13h ngày mai, 9/11, vị trí tâm bão cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 210km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16 (184 - 201 km/h), giật trên cấp 17.

Phát biểu mở đầu hội nghị trực tuyến bàn biện pháp ứng phó với “siêu bão” Haiyan chiều 8-11 tại VPCP, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh bão Haiyan được dự báo là siêu bão, một trong những cơn bão có cường độ rất mạnh. Theo dự báo, cơn bão này sẽ đi vào Biển Đông với tốc độ nhanh, diễn biến phức tạp.

Thủ tướng Chính phủ đã có công điện số 1816/CĐ-TTg ngày 7/11/2013 gửi các Bộ, ngành, Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh hóa đến Cà Mau để chỉ đạo công tác đối phó với bão. Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão TW cũng đã có 3 công điện cụ thể hóa Công điện của Thủ tướng Chính phủ. Trước tình hình nêu trên, Thủ tướng nêu rõ nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị là phải có sự tập trung chỉ đạo cao nhất, quyết tâm cao nhất bằng tất cả các giải pháp với mục tiêu hạn chế thấp nhất các thiệt hại về tính mạng của nhân dân, giảm thấp nhất thiệt hại tài sản của nhân dân, Nhà nước.

Siêu bão” Haiyan sẽ đi dọc miền Trung lên phía Bắc. Ảnh: nchmf.

Trong ngày hôm nay, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có Công điện khẩn số: 185/CĐ-BQP yêu cầu Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo Biên phòng các tỉnh, thành ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau phối hợp với chính quyền địa phương và gia đình chủ tàu bằng mọi biện pháp thông báo, kiên quyết kêu gọi toàn bộ tàu, thuyền đang hoạt động trong khu vực từ bắc vĩ tuyến 8 đến nam vĩ tuyến 20 về bờ hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm; quản lý chặt chẽ tàu, thuyền ra khơi, đồng thời tổ chức hướng dẫn, sắp xếp neo đậu tại các nơi tránh trú; có biện pháp bảo đảm an toàn lồng bè nuôi trồng thủy sản; giữ vững thông tin liên lạc với các phương tiện, sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

- Quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển: Có biện pháp bảo đảm an toàn cho các phương tiện của đơn vị đang hoạt động trên biển; sẵn sàng tham gia tìm kiếm cứu nạn khi có lệnh.

- Quân chủng PK-KQ kiểm tra lực lượng trực tìm kiếm cứu nạn tại các sân bay; sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh.

- Các Quân khu: 1, 2, 3, 4, 5, 7, 9; Quân đoàn 1, 2, 3, 4; Bộ Tư lệnh Công binh; Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và các lực lượng của Bộ đứng chân trên địa bàn; đặc biệt là hướng Quân khu 5, 4 chỉ đạo các đơn vị rà soát phương án, kế hoạch phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn; có biện pháp bảo đảm an toàn kho tàng, doanh trại, trang bị của đơn vị; theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ; chuẩn bị lực lượng, phương tiện chủ động và sẵn sàng giúp địa phương nơi bão đổ bộ; chằng chống nhà cửa; chú ý các công trình công cộng; tổ chức sơ tán dân đến nơi an toàn và cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống

Chi Linh
.
.
.