Thủ tục xuất khẩu lao động: Càng bí mật, càng dễ tiêu cực

Thứ Bảy, 28/10/2006, 13:35

Theo quy định chung của Việt Nam và Hàn Quốc, hồ sơ của người lao động và kết quả từ chủ sử dụng lao động phải đưa công khai lên mạng, nhưng một số Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Lao động ngoài nước lại “phong tỏa” thông tin này để thu thêm tiền của người lao động thì mới cho biết kết quả.

Từ đầu năm đến nay, hơn 5.800 hồ sơ đủ tiêu chuẩn đã được đăng lên mạng theo quy định chung của Việt Nam và Hàn Quốc theo chương trình lao động cấp phép được thực hiện từ năm 2004. Tuy nhiên, một chương trình với bao dự kiến tốt đẹp có nguy cơ đổ bể hoặc gây tốn kém hơn vì đang tồn tại một vài khâu... bí mật gây phiền hà và xuất hiện tiêu cực.

Ông Vũ Minh Xuyên, Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, từ năm 2004, thực hiện việc đưa lao động theo chương trình cấp phép làm việc (EPS), Việt Nam đã gửi được tổng số gần 20.000 hồ sơ qua mạng sang Hàn Quốc. Tính đến nay, đã có khoảng 14.000 người nhập cảnh lao động ở Hàn Quốc. So với 6 nước thực hiện chương trình cấp phép mới thì tỉ lệ xuất cảnh của lao động Việt Nam là cao nhất.

Ông Xuyên nhắc lại, theo quy định của phía Hàn Quốc, từ ngày 31/8/2005 trở đi, mọi hồ sơ lao động tham gia dự tuyển theo chương trình EPS phải kèm theo chứng chỉ đã qua kỳ kiểm tra tiếng Hàn do cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc cấp. Nhằm tránh các hiện tượng cò mồi, lừa đảo và tung tin thất thiệt, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã có công văn gửi các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn làm hồ sơ dự tuyển, quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động đối với những người đã thi đỗ kỳ kiểm tra tiếng Hàn.

Theo đó, hồ sơ dự tuyển phải đạt các tiêu chuẩn quy định. Người lao động phải trực tiếp đến đăng ký và làm thủ tục, xuất trình các giấy tờ chứng minh đủ tiêu chuẩn mới được làm hồ sơ. Sau khi hồ sơ đầy đủ và hợp lệ được gửi sang Hàn Quốc qua mạng và được chủ sử dụng lao động lựa chọn, người lao động mới phải nộp khoản chi phí 654 USD (bao gồm chi phí vé máy bay, lệ phí visa, lệ phí sân bay, chi phí đào tạo và giáo dục định hướng…) cùng hộ chiếu để làm các thủ tục xuất cảnh. Ngoài ra, họ cần mang theo 450 USD để mua bảo hiểm ngay sau khi nhập cảnh vào Hàn Quốc…

Thế nhưng, bắt đầu từ khâu "đăng hồ sơ qua mạng" và "chờ kết quả, thông báo kết quả từ chủ sử dụng lao động" đã phát sinh tiêu cực. Nhiều người lao động khi đến Báo CAND đã phản ánh rằng, họ không thể tự mình biết được hồ sơ có được đăng lên mạng hay không? Và không thể biết được mình được chủ lao động tuyển khi nào?

Các thông tin này họ chỉ có được từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Lao động ngoài nước. Tuy nhiên, để có được thông tin này, nhiều người đã phải chi cả ngàn USD. Từ đó, họ kiến nghị công khai toàn bộ danh sách hồ sơ đăng trên mạng và danh sách những người đã được chủ sử dụng lao động chọn lựa và đi sang Hàn Quốc làm việc.

Về vấn đề này, ông Xuyên cho biết, hồ sơ của người lao động cũng như thông tin họ được tuyển dụng hiện nay theo quy định là diện "bí mật". Như vậy là đồng nghĩa với việc rằng chỉ có một số người có trách nhiệm mới xem được. Một số nơi lợi dụng nắm thông tin này để mưu lợi cá nhân. Gần đây, hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang đã được nhắc nhở về chuyện này.

Như thế, việc bí mật thông tin của người lao động rõ ràng là phải xem xét lại “nhưng trước mắt Trung tâm khi gửi thông báo người lao động được tuyển chọn về các địa phương sẽ kèm theo yêu cầu các đơn vị này phải báo cho người lao động biết trong vòng 1 tuần. Nếu không, Trung tâm sẽ tìm cách thông báo trực tiếp cho người lao động, tránh các phiền hà có thể xảy ra" - ông Xuyên nhấn mạnh.

Còn một số vấn đề khác nữa là năm 2006, Hàn Quốc cấp 9.000 chỉ tiêu lao động cho Việt Nam và sau lần thi tuyển tiếng Hàn tháng 4/2006 thì còn khoảng 3.000 chỉ tiêu nữa sẽ được tuyển. Ngày 15/10 vừa qua đã có đợt thi tiếng Hàn lần hai với hơn 8.000 người dự thi. Lần này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã dành hẳn 30% chỉ tiêu cho các đối tượng thuộc diện chính sách. Một lần nữa, cách làm này đã tạo ra cơ chế "xin - cho" rất dễ phát sinh tiêu cực.

Hiện nay, Hàn Quốc vẫn là thị trường lao động lớn của nước ta và vì thế, bất cứ sự thay đổi nào đều ảnh hưởng lớn và có sức thu hút mạnh từ công chúng. Cục Quản lý lao động ngoài nước cần sớm nghiên cứu cải tiến để công khai hóa mọi thủ tục giúp người lao động tránh được cạm bẫy lừa đảo

Lâm Phong
.
.
.