Thủ tục sang tên phương tiện đơn giản nhưng vẫn chặt chẽ

Thứ Sáu, 29/03/2013, 14:02
"Đơn giản hóa thủ tục là một nội dung của cải cách hành chính, là nguyện vọng của nhân dân. Nhưng đơn giản không có nghĩa là buông lỏng quản lý hay dễ dãi. Mặc dù đơn giản hóa thủ tục sang tên, di chuyển xe nhưng Bộ Công an cũng quy định chặt chẽ về thủ tục và tăng cường trách nhiệm của người sử dụng xe cũng như các cơ quan Nhà nước liên quan trong việc này để đảm bảo quyền và nghĩa vụ của công dân", Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên - Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt, khẳng định.

Như Báo CAND đã đưa tin, bắt đầu từ ngày 15/4 Thông tư số 12/2013/TT-BCA về việc sửa đổi, bổ sung khoản 3, Điều 20 Thông tư số 36/2010/TT-BCA ngày 12/10/2010 quy định về đăng ký xe (gọi tắt là Thông tư 12) chính thức có hiệu lực. Một trong những vấn đề được người dân băn khoăn là trường hợp chủ xe không có chứng từ chuyển nhượng của người đứng tên trong giấy đăng ký xe thì có được làm thủ tục đăng ký, sang tên xe hay không? Thủ tục như thế nào?... Để làm rõ hơn những vấn đề liên quan, phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt.

- Thông tư 12 ra đời đã nhận được nhiều sự quan tâm của người dân, đồng chí Cục trưởng có thể cung cấp cho bạn đọc về những điểm mới của Thông tư này?

- Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên: Theo quy định trước đây thì xe mua bán, cho, tặng qua nhiều chủ trong cùng một tỉnh nhưng chưa làm thủ tục sang tên, sau đó người mua cuối cùng bán tiếp xe sang tỉnh khác thì người đứng tên trong giấy đăng ký xe hoặc người bán cuối cùng của tỉnh đó làm giấy khai sang tên; nhưng để làm thủ tục sang tên thì chứng từ mua bán, cho, tặng xe phải đầy đủ, hợp lệ theo quy định. Trên thực tế thì nhiều trường hợp người sử dụng xe thiếu các chứng từ mua bán xe nên không thể thực hiện việc sang tên, chuyển chủ được.

Theo Thông tư 12, từ ngày 15/4/2013 đến ngày 31/12/2014, việc giải quyết đăng ký xe đối với trường hợp xe đã đăng ký, chuyển nhượng qua nhiều “đời chủ” được thực hiện theo hướng đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện cho người dân. Chẳng hạn như: hồ sơ đăng ký sang tên trong cùng tỉnh gồm: giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe (theo mẫu); chứng từ nộp lệ phí trước bạ xe theo quy định; giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe; chứng từ chuyển nhượng của người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe và chứng từ chuyển nhượng của người bán cuối cùng. Thời hạn hai ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký xe sẽ giải quyết cấp biển số, giấy chứng nhận đăng ký xe cho người đang sử dụng xe.

Trường hợp làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe từ tỉnh này sang tỉnh khác thì cơ quan đăng ký xe nơi làm thủ tục sang tên, di chuyển xe tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra đúng thủ tục quy định sau đó cấp phiếu sang tên di chuyển kèm theo hồ sơ gốc của xe cho người đang sử dụng xe. Người đang sử dụng xe sẽ đến cơ quan thuế nộp lệ phí trước bạ và đến cơ quan đăng ký xe (nơi người đang sử dụng xe đăng ký thường trú) nộp hồ sơ để được cấp giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên.

- Xin đồng chí Cục trưởng cho biết, trường hợp người dân đến làm thủ tục không có chứng từ chuyển nhượng của người đứng tên trong đăng ký xe và chứng từ chuyển nhượng của người bán cuối cùng có được làm thủ tục sang tên, đổi chủ hay không?

- Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên: Cần nhấn mạnh rằng, một trong những thủ tục mà chủ xe phải có trong hồ sơ đăng ký, sang tên xe là 2 loại chứng từ: chứng từ chuyển nhượng của người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe và chứng từ chuyển nhượng của người bán cuối cùng. Nếu không có chứng từ đó thì người sử dụng xe vẫn được làm thủ tục để sang tên, di chuyển xe. Tuy nhiên thời gian để giải quyết sẽ lâu hơn, cụ thể là 30 ngày kể từ ngày gửi thông báo và niêm yết công khai. Cơ quan nơi người đang sử dụng xe đăng ký thường trú sẽ là nơi tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra đủ thủ tục theo quy định và giải quyết tiếp việc sang tên, di chuyển theo quy định.

- Việc đơn giản hóa thủ tục như vậy là rất thuận lợi cho người dân trong việc thực hiện sang tên, di chuyển quyền sở hữu phương tiện, nhưng liệu có “dễ dãi quá” hay không, thưa đồng chí?

- Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên: Đơn giản hóa thủ tục là một nội dung của cải cách hành chính, là nguyện vọng của nhân dân. Nhưng đơn giản không có nghĩa là buông lỏng quản lý hay dễ dãi. Mặc dù đơn giản hóa thủ tục sang tên, di chuyển xe nhưng Bộ Công an cũng quy định chặt chẽ về thủ tục và tăng cường trách nhiệm của người sử dụng xe cũng như các cơ quan Nhà nước liên quan trong việc này để đảm bảo quyền và nghĩa vụ của công dân. Cụ thể, đối với người đang sử dụng xe thì giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe phải có cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về xe làm thủ tục đăng ký (theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư 12) và đến cơ quan Công an cấp xã nơi mình đăng ký thường trú để lấy xác nhận về địa chỉ đăng ký thường trú của mình.

Đối với Công an cấp xã khi tiếp nhận giấy đăng ký sang tên, di chuyển xe phải cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về xe làm thủ tục đăng ký, phải có trách nhiệm kiểm tra, xác minh địa chỉ đăng ký thường trú của họ. Thời gian giải quyết không quá 3 ngày làm việc. Đối với cơ quan đăng ký xe: Nếu tiếp nhận hồ sơ sang tên, di chuyển xe không có chứng từ chuyển nhượng theo quy định thì phải tiến hành gửi thông báo đến người đứng tên trong đăng ký xe và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan, tra cứu tàng thư xe mất cắp và dữ liệu đăng ký xe. Sau 30 ngày kể từ ngày gửi thông báo và niêm yết công khai, cơ quan đăng ký xe mới giải quyết sang tên, di chuyển xe theo quy định.

- Xin cảm ơn đồng chí Thiếu tướng, Cục trưởng về những thông tin rất bổ ích này

Xuân Luận - Hoàng Quý
.
.
.