Xung quanh thông tin một số Sở GD & ĐT bị hạ bậc thi đua do có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp quá cao:

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Tôi không tin một số địa phương có thể đỗ thực chất mà lại cao đến thế!

Thứ Năm, 25/07/2013, 10:02
Thứ trưởng Bộ GD & ĐT Nguyễn Vinh Hiển trả lời phóng viên Báo CAND: Bản thân tôi cũng không tin một số địa phương có thể đỗ thực chất mà lại cao đến thế, năm nay lại đỗ cao hơn nữa trong điều kiện dạy và học còn nhiều hạn chế thì càng không thể tin được.

Ngay sau khi hội nghị tổng kết năm học toàn ngành Giáo dục kết thúc thì trong dư luận dấy lên thông tin, Bộ GD & ĐT đã hạ thi đua một số địa phương vì tỷ lệ đỗ tốt nghiệp quá cao. Đỗ cao lại bị “phạt” đã khiến một Sở GD & ĐT phản ứng, đồng thời nhiều vấn đề nảy sinh xung quanh câu chuyện tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao: Có hay không sự việc trên và động thái của Bộ nhằm mục đích gì? Điều này có mâu thuẫn gì với chủ trương chống bệnh thành tích trong ngành Giáo dục? Chiều 24/7, PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD & ĐT Nguyễn Vinh Hiển. Thứ trưởng thẳng thắn chia sẻ:

Đúng là có việc này! Nhưng không phải chỉ vấn đề thi mà còn có cả nguyên nhân khác nữa như: địa phương để tồn tại học sinh đánh nhau, giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh chưa tốt, thầy cô hoặc cán bộ quản lí mắc vi phạm… thì cũng đều bị hạ thi đua.

PV: Vậy có bao nhiêu địa phương bị hạ thi đua chỉ vì lí do có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao quá?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Có 5, 6 địa phương bị hạ bậc thi đua thôi, nhưng chỉ có 1 địa phương thắc mắc.

PV: Vậy các địa phương khác bị hạ thi đua họ không phản ứng gì sao?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Chắc thế, vì chúng tôi không thấy họ nói gì. Từ đầu năm học Bộ đã có văn bản hướng dẫn về công tác thi đua khen thưởng, những việc liên quan đến hạ bậc thi đua đều đã phổ biến tới các địa phương, trong đó có việc nếu địa phương để thi cử không nghiêm túc thì sẽ bị hạ bậc thi đua. Còn trong chuyện tăng tỷ lệ đỗ tốt nghiệp quá cao, đã cao chót vót rồi, giờ cao nữa thì còn nói gì đến chuyện thực chất nên Bộ yêu cầu các địa phương không được để tỷ lệ đỗ cao quá, để “tiệm cận” thực chất hơn…

PV: Thưa Thứ trưởng, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao đã đủ cơ sở để khẳng định các địa phương thi cử không nghiêm túc chưa?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Nếu nói riêng một tỷ lệ tốt nghiệp thì không đủ, nhưng nếu đặt nó trong điều kiện dạy và học như hiện nay, kết hợp một số biểu hiện chưa tốt trong cả năm học, cách ứng xử với thi cử, rồi chuyện kiểm tra đánh giá thì là đủ cơ sở.

PV: Tức là Bộ GD & ĐT hoài nghi cả tỷ lệ đỗ của một số địa phương? /P>

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Không riêng gì Bộ mà cả xã hội hoài nghi.

PV: Vậy tại sao chúng ta không có giải pháp ngay từ đầu để ngăn chặn tình trạng “đỗ quá cao”, thay vì đỗ cao rồi mới xử lý?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Bộ có giải pháp của Bộ, địa phương có giải pháp của địa phương, ví dụ Bộ đã có văn bản đề nghị các địa phương phải tổ chức thi nghiêm túc, giao quyền cho địa phương, Bộ đi kiểm tra, thanh tra, Bộ chấm thẩm định bài thi như năm trước, rồi thông báo kết quả thẩm định, có cả sự cảnh báo những địa phương có dấu hiệu điểm thi bất thường. Năm nay, có kết quả chấm thẩm định, chắc chắn sẽ xử lý. Đã có Sở GD & ĐT xử lý kỉ luật giám thị vì để cho nhiều thí sinh làm bài giống nhau được phát hiện khi chấm thi. Kết quả thẩm định sẽ là một kênh để đánh giá địa phương có thực chất, nghiêm túc trong kỳ thi hay không? Được giao quyền mà địa phương làm lỏng lẻo thì họ phải chịu trách nhiệm chứ.

PV: Có thông tin cho rằng, Bộ yêu cầu các địa phương không được để tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao hơn năm trước, để tránh bị hiểu lầm Bộ chạy theo bệnh thành tích, điều này có đúng không?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Bản thân tôi cũng không tin một số địa phương có thể đỗ thực chất mà lại cao đến thế, năm nay lại đỗ cao hơn nữa trong điều kiện dạy và học còn nhiều hạn chế thì càng không thể tin được. Có nơi học sinh phổ thông yếu thì tìm cách đẩy sang bổ túc để thi, điều đó đã được Sở GD & ĐT ngăn chặn nhưng bản thân sự việc đã cho thấy bệnh chạy theo thành tích vẫn còn, ăn sâu vào nhận thức của những tập thể, cá nhân nào đó.

Đưa tỷ lệ tốt nghiệp về sát với thực chất vẫn cần nhiều giải pháp. (Ảnh minh họa).

PV: Theo chỉ đạo của Bộ thì các địa phương phải hướng tới một tỷ lệ đỗ tốt nghiệp không được cao hơn năm trước, thì khâu chấm thi có gì bất ổn không, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Tôi nói lại là tôi không tin tỷ lệ ở một số địa phương là thực chất. Không phải thi xong Bộ mới yêu cầu xử lý nghiêm túc, Bộ chỉ đạo từ đầu năm học. Không chỉ có chấm thi ảnh hưởng đến tỷ lệ đỗ, mà chính là khâu coi thi ảnh hưởng nhiều hơn. Chấm thi phải dựa trên kết quả bài làm của thí sinh. Khi chấm thi cũng có thể phát hiện được coi thi có nghiêm hay không, ví dụ khi chấm thấy có nhiều bài sai giống nhau ở cùng một chi tiết nào đó thì chứng tỏ thí sinh đã nhìn bài nhau. Coi thi lỏng do nhiều nguyên nhân: Do giám thị trực tiếp lơ là, do kiểm tra giám sát không tốt để giám thị làm không hết trách nhiệm, do khâu chỉ đạo không quán triệt đầy đủ nên giám thị coi thường quy chế… Năm nay, Bộ sẽ tiếp tục chấm thẩm định với số lượng bài thi nhiều hơn. Năm vừa rồi, qua chấm thẩm định 17.000 bài thi của các phòng thi có dấu hiệu tiêu cực thì đều phát hiện có các sai phạm. Bộ đã cảnh báo, có công văn riêng gửi Chủ tịch, Bí thư, Giám đốc Sở, phân tích rõ điểm bài thi tăng giảm vì sao, có thể thấy được là đã chưa nghiêm túc trong khâu nào của quá trình thi.

PV: Thưa Thứ trưởng, giải pháp tận gốc nào để đưa tỷ lệ đỗ tốt nghiệp sát với thực chất?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Cái này phải có quá trình, không thể một, hai năm là làm được. Phải từ hai đầu: Phải nâng cao chất lượng dạy và học để học sinh đỗ cao lên thực chất, là chuyện bình thường; đầu thứ hai thi cử phải thật nghiêm túc để cho tỷ lệ giảm bớt xuống, sát với thực chất. Khi nào hai đầu này gặp nhau thì chúng ta sẽ có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp thực chất.

PV: Cảm ơn Thứ trưởng đã chia sẻ về vấn đề này!

Thu Phương (thực hiện)
.
.
.