Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển: Tôi chưa nghĩ đến chuyện bỏ thi tốt nghiệp THPT!

Thứ Bảy, 30/06/2012, 15:15
"Tôi cho rằng, không nên bỏ thi mà phải nâng cao chất lượng và đổi mới kỳ thi, muốn đổi mới kỳ thi phải đổi mới cả chương trình thiết kế các môn học, đổi mới cách thức, nội dung kiểm tra đánh giá trong suốt quá trình học. Quá trình này mà mình làm tốt thì thi cử sẽ tốt, nhẹ nhàng, mà vẫn đảm bảo chất lượng", Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết.
>> Tốt nghiệp THPT: Có học phải có thi?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ: “Sau khi công bố tỉ lệ thi tốt nghiệp xuất hiện dư luận phán xét về tính trung thực và sự nghiêm túc của kỳ thi, tôi thấy điều đó cũng là bình thường thôi, công việc của người quản lý thì phải có việc này việc kia, chẳng nên coi đó là áp lực, nhưng mình phải tiếp thu tất cả để xử lý, coi đó là vấn đề mình cần quan tâm, nghiên cứu. Đã là quản lý thì phải chấp nhận có những va đập như thế!”

Không thi thì học sinh không học

PV: Vậy Thứ trưởng quan tâm nhất đến điều gì trong diễn biến thi tốt nghiệp vừa qua?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Tôi quan tâm nhất tới việc dạy chữ và dạy người, dạy chữ là nâng cao năng lực của học sinh về kiến thức, kỹ năng; dạy người là quan tâm tới giáo dục đạo đức, tính trung thực trong học tập thi cử, giáo dục đạo đức lý tưởng. Nói thật là tôi cũng không vui vẻ gì khi tỉ lệ đỗ tốt nghiệp cao quá, vì nó phản ánh không đúng kết quả dạy học, mặc dù chất lượng giáo dục có tăng lên trong những năm gần đây. Nếu coi thi chặt chẽ hơn, địa phương không chịu áp lực về tỉ lệ đỗ và bỏ được tâm lí thương học sinh một chiều thì tỉ lệ đỗ không thể cao được như thế

PV: Sự hoài nghi của dư luận về tính nghiêm túc và chất lượng ảo của kỳ thi tốt nghiệp, theo Thứ trưởng có thuyết phục không?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Tôi cho rằng, sự hoài nghi đó là có cơ sở. Tôi cũng không tin nhiều nơi đỗ hơn 95%. Sắp tới, Bộ sẽ chấm lại bài thi một số địa phương để rút kinh nghiệm. Tuy nhiên quanh việc này có nhiều ý kiến đánh giá công bằng, nhưng nhiều ý kiến chưa công bằng.

Ví dụ, giáo viên coi thi chưa nghiêm là do bệnh thành tích, nhưng không hẳn do bệnh thành tích đâu, là do họ nghĩ đơn giản, họ thương học sinh một chiều, chuyện thi cử từ xưa nay bao giờ cũng có tiêu cực, mình không chấp nhận điều đó nhưng để thanh lọc hoàn toàn thì khó. Hay có người cho rằng, nhiều nơi như Đồi Ngô, tôi không đồng tình. Vì trong những năm vừa qua, thực hiện cuộc vận động “Hai không”, cả xã hội tham gia hỗ trợ ngành giáo dục nâng cao chất lượng, đảm bảo tốt hơn an toàn kỳ thi thì nhiều hiện tượng tiêu cực đã bị hạn chế.

Hiện tượng giáo viên tham gia giải bài cho học sinh là rất hạn chế, tổ chức giải bài như Đồi Ngô rất là cá biệt. Nó xuất phát từ nguyên nhân chính là chất lượng dạy học chưa tốt, tôi biết, Đồi Ngô thu hút nhiều học sinh yếu kém về văn hóa và hạnh kiểm, đấy là cố gắng của nhà trường nhưng hệ lụy là chất lượng không cao và Đồi Ngô đã giải quyết bằng tiêu cực là đáng phê phán. Nhưng từ đó quy kết kỳ thi không nghiêm túc là không phải, dù nghiêm túc hoàn toàn cũng là chưa đúng.

Vừa rồi, không còn hiện tượng để người ngoài thâm nhập phòng thi lấy bài, ném bài; rồi chuyện giáo viên giải bài cơ bản là không còn, nhưng còn chuyện giáo viên làm ngơ cho thí sinh và thí sinh có mang phao vào phòng thi (dù là không sử dụng) là còn khá phổ biến, cái này năm tới sẽ kiên quyết chấn chỉnh. Thi cử nhạy cảm, sẽ làm dần dần, vừa thắt chặt kỷ cương phòng thi, vừa nâng cao chất lượng dạy học, nếu chỉ làm một trong hai cái đó cũng không được, không thành công. Hơn nữa, đổi mới thi cử thì phải tính rộng hơn, không chỉ căn cứ vào hai yếu tố đó.

Đừng vì đỗ nhiều, đỗ ít mà đề nghị bỏ thi

PV: Vậy hiện nay đang nổi lên hai luồng quan điểm, bỏ thi và không bỏ thi. Vậy Thứ trưởng ủng hộ quan điểm nào?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Bỏ thi hay tiếp tục thi thì cũng đều phải nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả của cả quá trình giáo dục. Chứ không phải là thấy nó nặng nề, tốn kém, chưa trung thực là tính đến bỏ thi. Tôi cho rằng, không nên bỏ thi mà phải nâng cao chất lượng và đổi mới kỳ thi, muốn đổi mới kỳ thi phải đổi mới cả chương trình thiết kế các môn học, đổi mới cách thức, nội dung kiểm tra đánh giá trong suốt quá trình học. Quá trình này mà mình làm tốt thì thi cử sẽ tốt, nhẹ nhàng, mà vẫn đảm bảo chất lượng.

Hiện nay thi cử ở nước ta có mấy nhược điểm: chưa đánh giá đúng và chưa phản ánh toàn diện chất lượng, chưa nghiêm túc và còn nặng nề. Nhưng không vì thế mà bỏ thi. Vì không thi thì học sinh không học. Có một thực tế là khi chúng ta bỏ thi tốt nghiệp THCS, nhưng không đổi mới đánh giá học sinh trong quá trình học nên có khoảng trống, ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng cấp THCS. Tuy nhiên, cần phải nghĩ đến chuyện tổ chức thi đơn giản hơn, đúng với tinh thần phân cấp quản lý giáo dục hiện nay.

PV: Vậy theo Thứ trưởng, để thi đơn giản hơn, Bộ GD & ĐT cần phải làm gì?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Thực ra là đã đơn giản nhiều rồi, nhưng vẫn còn nặng nề. Sắp tới phải nâng cao năng lực của giáo viên về nhận xét, đánh giá, động viên kịp thời để học sinh tiến bộ dần trong suốt quá trình học; đa dạng các hình thức kiểm tra đánh giá, không chỉ chú trọng việc cho điểm.

PV: Luật Giáo dục có quy định phải có một kỳ thi tốt nghiệp phổ thông không, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Có, Luật Giáo dục vẫn yêu cầu một kỳ thi tốt nghiệp.

PV: Bộ có tham khảo và rút được kinh nghiệm từ việc miễn thi tốt nghiệp THCS để xây dựng lộ trình đổi mới thi cử không?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Tôi đã nói rồi, miễn thi THCS chưa biết đúng hay sai nhưng không gắn với quá trình đổi mới kiểm tra đánh giá, nên chất lượng xuống, là thiếu sót. Kiểm tra đánh giá vẫn như cũ nhưng bỏ thi, còn trước vẫn phương pháp kiểm tra đánh giá đó nhưng có thi thì chất lượng tốt hơn.

PV: Dư luận đang băn khoăn là ra chung một đề thi khó bao quát được trình độ của học sinh các vùng miền?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Đề thi năm nay tốt. Đề thi không có tính vùng miền, nhưng tự nó sẽ “vùng miền” bởi đề vừa sức, học sinh trung bình cũng làm được, và có câu phân hoá dành cho học sinh khá hơn.

PV: Năm nay bỏ chấm chéo và kết quả rất cao, có yếu tố từ chấm chéo không, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Tôi không coi trọng việc chấm chéo, mà coi trọng việc coi thi hơn, nói chung, không ai dại gì mà vi phạm trong chấm thi, giấy trắng mực đen mà.

PV: Vậy năm tới, sẽ chấn chỉnh gì về kỳ thi, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Vẫn phải chỉ đạo dạy và học nghiêm túc, ôn thi tốt nghiệp nghiêm túc, giúp đỡ học sinh yếu kém chu đáo, phải tăng cường trách nhiệm của người lãnh đạo và xã hội phải có sự thông cảm, cùng nghĩ ra giải pháp để thi tốt hơn. Đừng gây áp lực về tỉ lệ đỗ, phải nhìn đúng được khó khăn của ngành, của đội ngũ, giáo viên, hiệu trưởng. Những người chỉ thiên về chỉ trích sẽ khó giúp mình phương án hay.

- Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Trước câu hỏi, làm gì để cho thi cử nhẹ nhàng, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ, vì chương trình chưa thay đổi nên về cơ bản không thay đổi được gì nhiều về thi. Muốn thay đổi phải chờ chương trình, sách giáo khoa mới, đi kèm với nó là cách dạy, cách kiểm tra đánh giá mới. Phải tính toán cẩn thận, không thể làm theo cảm tính. Bộ cũng đang trăn trở về đổi mới thi cử, nhưng nói thật là rất khó!

Thu Phương (thực hiện)
.
.
.