Thu phí phương tiện GT cá nhân: Người dân cần được chia sẻ

Chủ Nhật, 01/04/2012, 14:48
Theo lẽ công bằng, đề xuất thu phí phương tiện giao thông cá nhân vào thời điểm này khi mà đời sống của đại đa số người dân đều bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế là rất đáng phải cân nhắc, bởi chính người dân cũng đang cần được chia sẻ từ phía các cơ quan quản lý.
>>Đề xuất phí lưu hành phương tiện 5%/năm

Trong nhiều năm qua, bất cứ một giải pháp nào hễ nói đến giảm tai nạn giao thông, chống ùn tắc giao thông đô thị, các cơ quan quản lý nhà nước đều nhận được sự chia sẻ hết sức tích cực của người dân. Việc đổi giờ học giờ làm đôi khi đảo lộn cả sinh hoạt của hàng triệu hộ gia đình, họ cũng không ngần ngại chấp hành. Điều duy nhất họ mong muốn là những vấn nạn trên ngày một thuyên giảm, để với những gì thuộc về nghĩa vụ người dân đã làm tròn thì đáp lại họ được hưởng thành quả tương xứng mà cụ thể ở đây là được giao thông thông thoáng và an toàn.

Theo lẽ công bằng ấy, đề xuất thu phí phương tiện giao thông cá nhân vào thời điểm này là rất đáng phải cân nhắc, bởi chính người dân cũng đang cần được chia sẻ từ phía các cơ quan quản lý.

Chưa rõ nguyên nhân, giải pháp có trúng?

Không ít người dân lo lắng trước tờ trình của ngành Giao thông vận tải đề xuất thu phí phương tiện giao thông cá nhân (sau điều chỉnh thành phí hạn chế phương tiện cá nhân) và phí ôtô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm.

Theo đó, mức thu phí lưu hành ôtô cá nhân dự kiến từ 20 đến 50 triệu đồng/năm, với xe máy từ 500 ngàn đến một triệu đồng/năm. Theo tính toán của những người đưa ra đề xuất, có hơn 612.000 ôtô (tương đương con số đó các chủ phương tiện) chịu sự điều chỉnh của chính sách thu phí này.

Nhận định của cơ quan quản lý, lượng xe trên phần lớn phục vụ cho mục đích cá nhân, nên khi điều chỉnh bằng thu phí về cơ bản không ảnh hưởng tới giá cả thị trường cũng như giá thành sản xuất kinh doanh. Nói cách khác, nó không ảnh hưởng tới đời sống người dân và yêu cầu kiềm chế lạm phát hiện nay. Trái lại, chủ trương trên được thực hiện sẽ góp phần tăng nguồn thu, giảm phương tiện, giảm ùn tắc giao thông đô thị…

Tuy nhiên, đề xuất này chưa dễ tạo nên đồng thuận vì nhiều lẽ. Cả thời gian dài người dân đã đồng thuận nộp phí giao thông qua giá xăng dầu. Nhưng thực tế, việc sử dụng, tác động của phí này đối với cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông như thế nào đến nay không rõ; bên cạnh đó, việc đóng góp quỹ bình ổn giá xăng người dân cũng chấp hành. Nhưng việc quản lý, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng lại thiếu minh bạch, thậm chí còn giao cho chính ngành xăng dầu quản lý (vốn doanh nghiệp thì trọng lợi nhuận) thì làm sao có thể đảm bảo tính vô tư khách quan?!

Chỉ hai vấn đề trên, khi thực hiện chưa có sự nghiên cứu thấu đáo làm rõ cơ sở khoa học và thực tiễn, thực hiện rồi lại chưa được tổng kết đánh giá, rút ra kết luận đạt được gì, chưa đạt được gì, nguyên nhân do đâu, sau đó công khai cho dân biết thì lẽ nào có thể trách người dân không đồng thuận!

Mục đích chính ở đây là, qua thu phí sẽ hạn chế phương tiện cá nhân, góp phần giảm ùn tắc giao thông đô thị và tai nạn giao thông. Nhưng nguyên nhân ùn tắc và tai nạn giao thông đâu phải chỉ do lượng phương tiện.

Quy hoạch tốt các tuyến đường, đồng thời tổ chức tốt giao thông sẽ hạn chế các điểm ùn tắc cục bộ trong nội đô.

Khoan thư sức dân chưa hẳn giảm nguồn thu ngân sách

Sở dĩ chuyện thu phí phương tiện đặt ra vào thời điểm này thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân và các nhà quản lý, còn vì kinh tế đất nước và cuộc sống của người dân hiện đang gặp nhiều khó khăn.

Phó GS. TS Nguyễn Văn Thụ - nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý GTVT cho rằng: Với người dân, chiếc xe máy đã và đang là lựa chọn phù hợp nhất hiện nay để đi lại, thậm chí còn là phương tiện kiếm sống của hàng vạn người (xe ôm, buôn bán nhỏ, đi làm, đưa đón con đi học…). Chưa nói nông dân, bản thân những công nhân trong các khu công nghiệp, cán bộ công chức lương từ 2 đến 5 triệu đồng/tháng phải chi trả hàng trăm khoản cho cuộc sống gia đình, thì phần chi thêm nộp phí xe cũng tạo thêm gánh nặng.

Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng vậy. Trong khó khăn hiện nay, Chính phủ đang tìm cách hỗ trợ lãi suất cho vay, mà phải chi thêm hàng trăm triệu phí cho vài chiếc ôtô mỗi năm cũng là khoản không nhỏ. Chưa nói đến nhiều doanh nghiệp đã phải tuyên bố phá sản do không còn đủ điều kiện để hoạt động…

Nguyên đại biểu HĐND TP Hà Nội Trần Trọng Hanh nêu vấn đề: Cần phải sáng tỏ khi thực hiện việc thu phí phương tiện sẽ giảm được bao nhiêu phần trăm ùn tắc giao thông, tác động của đề xuất này tới thị trường ôtô, nguồn thu ngân sách như thế nào.

Ông Hanh cho rằng, tìm hiểu cách làm của các nước xung quanh là cần thiết. Nhưng đặc điểm giao thông, địa hình, tập quán đi lại mỗi nước, mỗi thành phố một khác. Nếu nóng vội áp dụng dễ dẫn đến sai lầm. Còn nói rằng lẽ ra phải thu phí phương tiện cách đây hơn chục năm mới phải, thì cũng đừng quên người dân luôn mong được đi phương tiện giao thông công cộng thuận tiện, an toàn, đúng giờ, giá hợp lý, mà lẽ ra phải được chủ trương xây dựng từ lâu để định hướng giao thông cho người dân ở các đô thị lớn.

Còn xét về nguồn thu ngân sách, nếu giải phóng sức sản xuất của dân, của doanh nghiệp qua phương tiện, cộng với nguồn thu từ phát triển công nghiệp ôtô đúng hướng, chưa chắc đã bị giảm so với khoản thu phí phương tiện đang định áp dụng. Đây là bài toán chưa có lời giải, nên phải bàn thấu đáo sao cho lợi việc công nhưng cũng thuận cho dân.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục thanh, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội: “Gốc rễ” của ùn tắc giao thông là quy hoạch đô thị không đi trước một bước, thực hiện quy hoạch giao thông không nghiêm; là giao thông công cộng không tiên phong giữ vai trò chủ đạo trong giao thông đô thị, để người dân tự thỏa mãn nhu cầu bằng phương tiện cá nhân, dẫn đến gia tăng số lượng phương tiện; trong đó, có cả lý do sau hợp nhất Thủ đô, người dân và phương tiện tập trung vào vùng đô thị lõi chứ không giãn ra các đô thị vệ tinh do kém sức hút… Đó là những lý do khách quan, rất cần cân nhắc trước khi đưa một chủ trương vào thực hiện, bởi xác định đúng nguyên nhân thì giải pháp mới trúng đích, làm lay chuyển tình hình.

Khánh Chi
.
.
.