Thu phí bảo trì đường bộ: Thêm gánh nặng với doanh nghiệp vận tải

Thứ Sáu, 14/05/2010, 16:09
Trước thông tin Bộ GTVT chuẩn bị đưa dự thảo Thu phí bảo trì đường bộ ra lấy ý kiến nhân dân, một đại diện Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM đã lên tiếng góp ý về vấn đề này. Dưới đây là cuộc trao đổi giữa PV Báo CAND với luật sư Thái Văn Chung, Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa thành phố.

Phóng viên (PV): Ý kiến của ông về loại phí mới, phí bảo trì đường bộ?

LS Thái Văn Chung (LS TVC): Về tên gọi và bản chất, phí bảo trì giao thông đường bộ và phí xăng dầu đã thu 10 năm nay là một. Cả hai loại phí này cùng có chung một mục đích thu là để xây dựng, duy tu và bảo trì đường bộ. Chỉ khác ở chỗ, nguồn phí xăng dầu được nộp vào kho bạc rồi được Bộ Tài chính phân bổ cho việc xây dựng và bảo trì đường bộ theo quy định.

Còn khoản phí bảo trì đường bộ là khoản nộp vào một quỹ riêng do Bộ GTVT quản lý, quyết định sử dụng… trong khi đó, đã coi "Huyết mạch giao thông tạo động lực phát triển kinh tế quốc dân" thì Nhà nước phải đầu tư bằng ngân sách chứ không thể đặt ra thêm phí rồi phân bổ vào thu nhập của người dân, doanh nghiệp. Thực tế, hoạt động của doanh nghiệp vận tải hiện nay đã phải chịu nhiều khoản thuế, phí, lệ phí như lệ phí trước bạ xe; thuế nhập khẩu; thuế VAT khi mua xe; lệ phí đăng kiểm xe hàng năm… cùng lúc với khoản phí sử dụng cầu đường bộ nộp qua phí xăng dầu.

PV: Mức thu dự kiến có hợp lý, phí bảo trì đường bộ có ảnh hưởng đến giá thành vận tải không, thưa ông?

LS TVC: Theo tôi, một số mức phí dự thảo đưa ra chưa phù hợp thực tế. Ví dụ, quy định xe tải từ 10 đến dưới 18 tấn và xe container 20 fit thu 720 ngàn đồng/tháng; xe tải từ 18 tấn trở lên hoặc xe container 40 feet thu 1,44 triệu đồng/tháng là vô lý. Bởi xe đầu kéo là như nhau, còn chở container 20 hay 40 feet là tùy thuộc vào đặc tính của hàng hóa để chứa trong container loại nào.

Mặt khác, với các loại phương tiện khác như máy xúc, máy ủi máy nén cọc bê tông, xe vận chuyển hàng hóa trong nội bộ các cảng, doanh nghiệp… là những phương tiện không liên quan gì tới việc sử dụng đường bộ nhưng do có sử dụng dầu diezel và vẫn phải chịu khoản phí bảo trì đường bộ cũng là vấn đề không hợp lý. Ngoài ra, mức đề xuất tính phí đường bộ là 1 ngàn đồng qua giá xăng và 5 mức thu với các loại phương tiện sử dụng dầu diezel là quá cao, nếu phải thu, đề nghị giảm đi 1/2.

 Hiện tại, riêng các khoản phí giao thông đã chiếm tới 16% giá thành vận tải, bao gồm phí xăng dầu mức 1.000 đồng/lít xăng và 500 đồng/lít dầu tiêu thụ, không phụ thuộc vào giá dầu lên xuống. Nếu tiếp tục thu thêm 1.000 đồng/lít xăng và mức tương đương với 1 lít dầu rồi bổ vào đầu phương tiện theo dự thảo Thu phí bảo trì đường bộ, thì phí giao thông đã chiếm tới 22% giá thành vận tải. Đây thực sự là vấn đề khó khăn, là gánh nặng cho các doanh nghiệp vận tải.

Mua vé qua trạm thu phí, một loại phí cầu đường.

PV: Theo ông, nếu được phép thu, thì khoản phí bảo trì đường bộ cần bảo đảm những điều kiện gì?

LS TVC: Dù là khoản phí xăng dầu hay phí bảo trì đường bộ thì bản chất cũng là khoản tiền người dân, doanh nghiệp phải nộp để được cung cấp một dịch vụ cầu, đường bộ tốt hơn. Tuy nhiên, hiện đang có một nghịch lý là doanh nghiệp vận tải lại thường xuyên bị phạt khi sử dụng dịch vụ mà mình đã đóng góp. Vì vậy, cơ chế nào để bảo đảm nguồn thu phí bảo trì đường bộ dự kiến đạt khoảng 6.000 tỷ đồng/năm sẽ quay lại phục vụ chất lượng cầu đường tốt hơn; bao nhiêu phần trăm kilômét đường sẽ có chất lượng tốt hơn sau mỗi năm thu phí… là những khúc mắc cần được giải quyết thỏa đáng.

Mặt khác, phí bảo trì đường bộ ra đời có giải quyết được tình trạng: Trước nay nhiều con đường được đầu tư xây dựng bằng ngân sách Nhà nước, sau đó bán quyền thu phí lại cho tư nhân rồi đến lúc đường hỏng, ngân sách lại phải bỏ tiền sửa chữa… giống như với tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh ở TP HCM?

Đức Thắng (thực hiện)
.
.
.