Thu hút nhân tài cho vùng đồng bằng sông Cửu Long

Thứ Sáu, 09/04/2021, 07:47
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được xem là “vùng trũng” về giáo dục, nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng cho sự phát triển kinh tế, xã hội. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu đưa vấn đề giáo dục và phát triển nguồn nhân lực vào Nghị quyết 120, xem đây là nội dung trọng tâm để phát triển bền vững cho vùng ĐBSCL.

Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2020 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright công bố, đánh giá tỷ lệ đi học ở cấp tiểu học vùng ĐBSCL cao nhất so với cả nước. Tuy nhiên tỷ lệ này bắt đầu tuột dốc mạnh từ cấp THCS và cấp THPT khiến cho ĐBSCL có tỷ lệ đi học phổ thông thấp nhất cả nước.

Theo kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê, năm 2019, ĐBSCL có tỷ lệ dân số trong độ tuổi học phổ thông nhưng không đi học cao nhất cả nước (13,3%). Tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với mức bình quân toàn quốc (8,3%). Thực trạng trên cho thấy chất lượng lao động tại ĐBSCL rất thấp.

Dạy nghề tại Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam Bộ, TP Cần Thơ.

GS-TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, nhận xét: “Nguồn nhân lực của ĐBSCL hiện nay thiếu và yếu không chỉ trong lĩnh vực như: công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ 4.0, công nghệ cao trong nông nghiệp, thuỷ sản, quản lý môi trường… mà còn thiếu và yếu công nhân có tay nghề cho các doanh nghiệp (DN), các khu công nghiệp (KCN) mới mở”.

Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ cũng cho rằng ngành mạnh nhất của ĐBSCL hiện nay là nông nghiệp chế biến thuỷ sản như: Chế biến cá tra, tôm, rau quả, công nghệ sau thu hoạch… nhưng rất thiếu lao động, kể cả lao động phổ thông. Trong 10 năm qua, ĐBSCL mất gần 1,5 triệu lao động, họ di cư lên các KCN ở TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương làm việc. GS-TS Hà Thanh Toàn cho rằng các địa phương ở ĐBSCL làm sao có chính sách để giữ chân người lao động ở lại làm việc.

Ông Nguyễn Quốc Vững, nguyên Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên Cần Thơ, cho biết hiện nay đang làm đại diện để tuyển lao động cho nhiều DN tại ĐBSCL. Qua những buổi phỏng vấn người lao động, ông Vững thấy rằng ngoài việc sinh viên học trên nhà trường thì cần phải được cọ xát và linh hoạt trong thực tế. “Những vị trí mà DN tuyển nhiều nhưng không tìm ra người là kĩ sư cơ khí, tự động hoá, kĩ thuật máy tính, kĩ sư phần mềm… Có những em tốt nghiệp kĩ sư tin học nhưng không biết sửa máy tính, mà ngành này thì DN đang cần. Vì vậy, nói đến lao động chất lượng cao thì ngoài kiến thức, sinh viên khi ra trường phải có khả năng vận dụng kiến thức đã học và năng động trong thực thi công việc, có thể làm được nhiều việc và nhiều vị trí như: quản lý, điều hành, ứng dụng công nghệ kĩ thuật…”, ông Vững phân tích.

Trường ĐH Cần Thơ, cơ sở đào tạo lớn nhất ĐBSCL với thế mạnh có đội ngũ cựu sinh viên đã tốt nghiệp gần 200.000 người đủ ngành nghề qua 55 năm hình thành và phát triển. Đội ngũ này phần lớn làm việc ở ĐBSCL, tham gia vào hệ thống quản lý nhà nước ở địa phương, làm việc ở các DN. Thế mạnh của trường là các ngành học về nông nghiệp, thuỷ sản, rất phù hợp với phát triển kinh tế ĐBSCL. Tuy nhiên, GS-TS Hà Thanh Toàn cũng nhìn nhận những ngành nghề về nông nghiệp, thuỷ sản không thu hút sinh viên đi học vì ngành này làm vất vả, thu nhập từ lương thấp so với những ngành khác, sự thăng tiến trong quá trình làm việc chưa hấp dẫn.

Ông Nguyễn Quốc Vững cũng cho rằng DN nước ngoài thường có kinh phí để nuôi lực lượng sinh viên, rồi sau đó khi sinh viên ra trường thì họ kéo về DN làm việc. Vì vậy, cần nhân rộng việc này với DN trong nước. “Việc này không cần đòi hỏi nhiều về kinh phí, chỉ cần DN ưu tiên tạo điều kiện cho trường gửi sinh viên tới để thực tập, cọ xát với nhà máy để làm quen môi trường làm việc trong DN. Ngoài ra, trong các ngày hội tuyển sinh, ngoài việc chiêu sinh ở các trường, cần có nhiều DN tham gia để tư vấn tiêu chí tuyển dụng để từ đó đó sinh viên mới rèn luyện bản thân mình cho phù hợp với công việc lựa chọn sau này”, ông Vững nói.

Tại hội nghị lần thứ 3 về “Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu” tổ chức vào ngày 13/3, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra “8G” để bổ sung vào Nghị quyết 120, trong đó có chữ “Giáo”. Đó là giáo dục và phát triển nguồn nhân lực. Có thể nói giáo dục là chìa khóa vàng của phát triển bền vững. Đối với ĐBSCL, giáo dục vừa là đáp án cho bài toán phát triển ngắn hạn lẫn dài hạn.

Như Anh
.
.
.