Thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo và thị trường lao động

Thứ Năm, 23/06/2016, 17:01
Ngày 23-6, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội nghị tổng kết Dự án phát triển giáo dục đại học theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng ở Việt Nam giai đoạn 2 (POHE2).

8 trường đại học đã được chọn để tham gia dự án đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, tạo ra những thay đổi tích cực và ảnh hưởng mạnh mẽ tới nhận thức của cộng đồng giáo dục đại học.

8 trường đại học tham gia POHE2 gồm: ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, ĐH Kinh tế quốc dân, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ĐH Nông lâm – ĐH Thái Nguyên, ĐH Sư phạm – ĐH Thái Nguyên, ĐH Vinh, ĐH Nông lâm – ĐH Huế và ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh.

Tăng cường khả năng thực hành và trang bị các kỹ năng nghề nghiệp sẽ tiếp tục được nhân rộng tại nhiều trường đại học trên cả nước.

Theo GS.TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD & ĐT, POHE2 có mục tiêu chung là phát triển các chương trình đào tạo đại học gắn với nhu cầu của thị trường lao động nhằm cung cấp sinh viên tốt nghiệp đại học có kiến thức, thái độ, kỹ năng phù hợp với từng nhóm nghề nghiệp cụ thể.

Sau 4 năm thực hiện, POHE 2 đã hỗ trợ cho các trường đại học tiếp tục xây dựng 40 chương trình đào tạo theo định hướng POHE mới. Cho đến nay, các chương trình đào tạo đã và đang được hoàn thiện, hầu hết các chương trình đã bắt đầu tuyển sinh từ năm học 2015 – 2016.

Với việc mở rộng các chương trình đào tạo POHE và chính sách tuyển sinh linh hoạt của các trường, số sinh viên theo học các chương trình POHE tăng nhanh, với tổng số 12.531 sinh viên trong giai đoạn từ 2007 – 2016.

POHE không phải chỉ là một chương trình đặc thù, mà đã trở thành một triết lý đào tạo, một cách tiếp cận đòi hỏi nhà trường phải thay đổi cách nghĩ, cách làm truyền thống. POHE đã tham gia quản lý chương trình đào tạo và quản lý môi trường học tập của sinh viên; đồng thời POHE2 đã tìm hiểu về thực trạng và chính sách phát triển đội ngũ giảng viên giảng dạy POHE trong các trường ĐH.

Hiện nay, đa số các mối quan hệ hợp tác trường ĐH và doanh nghiệp được xuất phát từ các mối quan hệ cá nhân chứ không phải từ chiến lược phát triển của nhà trường. Do đó, POHE2 đã tăng cường sự tham gia của thế giới nghề nghiệp, hỗ trợ các trường ĐH xây dựng kế hoạch truyền thông để quảng bá chương trình đào tạo POHE và giúp doanh nghiệp nâng cao nhận thức về trách nhiệm xã hội đối với giáo dục.

Kết quả đã có 203 doanh nghiệp có quan hệ hợp tác chiến lược, 353 doanh nghiệp có quan hệ hợp tác ngắn hạn với với 8 trường ĐH tham gia POHE. Đặc biệt, tính đến nay đã có 4.833 sinh viên tốt nghiệp chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng của dự án POHE2. POHE2 đã thực hiện khảo sát những cựu sinh viên học theo chương trình POHE, kết quả cho thấy, gần 80% sinh viên POHE đang có việc làm, sinh viên POHE ngày càng tiến sát hơn yêu cầu tuyển dụng của thị trường lao động, vì đạt được các kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng mềm.

Hiện nay, sẽ có hơn 100 trường ĐH xin được “thụ hưởng” những kết quả từ POHE.Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ GD & ĐT, quá trình thực hiện dự án này còn rất nhiều khó khăn và thách thức. Đó là chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về tổ chức và quản lý đào tạo trong các chương trình đào tạo POHE, sẽ khiến POHE khó tạo dựng được chỗ đứng vững chắc và bền vững trong hệ thống giáo dục đại học.

Đối với 40 chương trình POHE mới, đội ngũ tham gia phát triển chương trình đều chưa có kinh nghiệm. Dự án cũng chưa hình thành mạng lưới và cơ chế chia sẻ thông tin, kinh nghiệm giữa giảng viên trong các trường đại học để chia sẻ và học tập về POHE…

Thu Phương
.
.
.