Thủ đoạn và những chiêu trò in lậu sách

Thứ Năm, 04/06/2015, 08:53
7.000 cuốn sách “Đắc nhân tâm” đã có bản quyền cùng nhiều bản in vừa được Công an TP Hà Nội phát hiện tại xưởng gia công sách lậu tại số nhà 22 ngõ 129, phố Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã gióng lên cảnh báo, bất cứ sách nào cũng có thể bị in lậu, đặc biệt những sách đang “hot” trên thị trường.

Sách lậu bán tràn lan, nội dung không được kiểm soát đã ảnh hưởng đến nhận thức, thẩm mỹ của người đọc. Thậm chí, một số nhà xuất bản thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý trong hoạt động liên kết xuất bản với tư nhân khiến sách lậu hoành hành.

Sách lậu mua dễ như rau

Tấp vào một nhà sách tư nhân khá lớn trên phố Nguyễn Xí, Hà Nội, chúng tôi dễ dàng mua được những cuốn sách mới xuất bản, sách “hot” với giá chiết khấu lên đến 30% thậm chí 50%so với giá in trên bìa. Từ truyện, sách tham khảo đến sách tôn giáo, văn học, khoa học kỹ thuật, ngoại ngữ… quyển nào cũng chiết khấu 30%. Nếu là sách vừa mới xuất bản chính thống thì không có lý do gì mà người bán lại “giảm giá” nhiều đến vậy. Và quả thực, khi mở một số cuốn sách thiếu nhi ra xem, chúng tôi thấy có nhiều chỗ in ấn cẩu thả. Và những sách đang “hot” trên thị trường, sách thuộc dòng tiểu thuyết “ngôn tình” đều có bán ở đây.

Tại các phố như Trần Quốc Hoàn, Phạm Văn Đồng, người mua không phân biệt được sách thật hay sách giả, cứ miễn được giảm giá là mua… Sách lậu được bán tràn lan, qua kiểm tra thực tế ở Hà Nội của cơ quan Công an thì có việc bày bán công khai sách in lậu nhưng được trà trộn giữa sách thật với sách giả. Sách lậu được bày 1-2 cuốn trên giá, nếu khách có nhu cầu mua nhiều thì người bán sẽ vào kho lấy. Nếu phát hiện đoàn kiểm tra thì chủ hàng khai mua của đối tượng không quen biết đi bán dạo.

“Do không được NXB kiểm soát, biên tập nên sách lậu còn sai sót về nội dung. Đặc biệt là sách giáo dục sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục” - một cán bộ của Cục An ninh văn hóa, thông tin, truyền thông (A87), Tổng cục An ninh (Bộ Công an) cho biết.

Được biết, năm 2014, cơ quan An ninh đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính một số đối tượng tổ chức in và photo, sau đó thực hiện gia công một số ấn phẩm chính trị nhạy cảm như “Bên thắng cuộc”, “Đại gia”, “Đèn cù”… tổ chức bán lén lút ở phố Nguyễn Xí, Phạm Văn Đồng, Trần Quốc Hoàn.

Các NXB phải tự bảo vệ mình bằng cách dán tem chống hàng giả.

Chế tài xử lý quá nhẹ - hoạt động in lậu càng lộng hành

Điều lo lắng hiện nay là những sách tham khảo của NXB Giáo dục Việt Nam lại bị các đối tượng in lậu nhiều nhất với quy mô và số lượng lớn. Từ năm 2014 đến nay, Cục A87 đã phát hiện, kiểm tra xử lý nhiều cơ sở in, phát hành sách in lậu của NXB Giáo dục Việt Nam như: Công ty TNHH Sách - Văn phòng phẩm (Nhà sách Định Thịnh) ở Ngô Quyền, TP Bắc Giang tổ chức phát hành 15.391 cuốn; Nhà sách Hương Liên, ở đường Tô Hiệu, TP Sơn La tổ chức phát hành 2.029 cuốn…Và những sách bán chạy, sách liên quan đến tôn giáo, chính trị, tuyên truyền mê tín dị đoan và sách đang được xã hội quan tâm… thì đều bị in lậu. 

Năm 2010, cơ quan Công an đã khởi tố vụ án hình sự, bắt giam Đỗ Đức Thọ và Đỗ Đức Thành là hai Phó Giám đốc Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học Việt Nam (Nhà sách Tiến Thọ) về hành vi in lậu xuất bản phẩm. Nhưng hoạt động in lậu vẫn không giảm, thậm chí một số đối tượng in lậu sau khi bị bắt, xử lý vẫn tái phạm như cơ sở gia công sau in Nguyễn Văn Thi ở huyện Thanh Trì (Hà Nội) tiếp tục gia công 5.870 cuốn sách lậu của các NXB, 20.000 tờ lịch bỏ túi Ất Mùi bán thành phẩm…

Không công khai như trước, thủ đoạn của các đối tượng in lậu hiện đã tinh vi hơn rất nhiều như: tổ chức in vào các ngày nghỉ, ngày lễ; một số cơ sở in núp bóng dưới danh nghĩa các công ty khác; đặt ở các vị trí kín đáo, xa trung tâm. Cá biệt, một số đối tượng còn thuê trụ sở của các đơn vị trong lực lượng vũ trang gây khó khăn cho kiểm tra, phát hiện; các đối tượng còn chia nhỏ thành nhiều khâu như tổ chức in bìa, ruột và gia công ở các nơi khác nhau, sau đó mới thu gom đưa ra thị trường. Vì thế, có những vụ cơ quan thanh tra, kiểm tra vào cuộc thì chỉ thu giữ được một trong số các sản phẩm.

Đại tá Phạm Ngọc Hào, Trưởng Phòng 4, Cục A87 cảnh báo: Vì lợi nhuận, thiếu tinh thần trách nhiệm, một số NXB đã vô tình tiếp tay cho đối tượng in lậu xuất bản lậu dưới hình thức liên doanh, liên kết… nhưng họ phó mặc cho các đơn vị làm sách tư nhân, không kiểm soát được số lượng in, chất lượng kém, sai sót nhiều do không có các biên tập viên được đào tạo bài bản.

Tình trạng các đối tượng sử dụng quyết định xuất bản đã hết hiệu lực hoặc lách luật bằng cách sử dụng quyết định xuất bản của NXB nhưng không ghi rõ cơ sở in để photo thành nhiều bản để in ở nhiều cơ sở in. Nếu bị kiểm tra thì họ nói dối rằng người giữ bản chính đi vắng để có thời gian hợp thức hóa giấy tờ. Thậm chí, đối tượng còn dùng máy photo siêu tốc để in lậu, chụp hoặc scan nguyên bản những cuốn nhạy cảm về chính trị hoặc giáo trình của một số trường đại học. Cá biệt có một số trường hợp giả mạo cả NXB để tổ chức in.

Nghị định 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản” của Chính phủ dù được sửa đổi, bổ sung nhiều lần thì mức xử phạt hành chính tối đa đối với hành vi in lậu cũng chỉ dừng lại ở mức 100 triệu đồng; Điều 271 BLHS quy định “Tội vi phạm các quy định về xuất bản phát hành sách, báo, đĩa âm thanh, băng âm thanh, đĩa hình, băng hình hoặc các ấn phẩm khác” mức phạt tù cao nhất cũng chỉ từ 3 tháng đến 1 năm) không đủ sức răn đe.

Theo Đại tá Phạm Ngọc Hào, để ngăn chặn có hiệu quả hoạt động in lậu hiện nay cần thiết phải sửa đổi quy định của luật theo hướng nâng cao mức xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt tù để đảm bảo sự răn đe. Các NXB cần có biện pháp tự bảo vệ mình như ấn phẩm phải được dán tem chống hàng giả, mã vạch để phân biệt đâu là sách thật, sách giả…Trong trường hợp phát hiện bị làm giả, cần thông báo cho cơ quan chức năng kịp thời kiểm tra. 

Trần Hằng - Xuân Mai
.
.
.