Thủ đô vẫn “ngập” rác thải trước ngày Đại lễ

Thứ Ba, 15/09/2009, 17:36
Trên địa bàn Hà Nội, dù cơ quan chức năng đã nhiều lần ra quân xử lý tình trạng đổ trộm đất, phế thải, nhưng nhiều bãi rác, bùn đất, phế thải xây dựng vẫn ngang nhiên "mọc" ngay ven đường, tràn xuống cả lòng đường. Hiện tượng này gây ảnh hưởng giao thông, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên các tuyến phố. Trong thời điểm chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là tới ngày giải phóng Thủ đô 10-10 và hơn 1 năm nữa là đến ngày Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, các ngành chức năng nên sớm tìm ra biện pháp khắc phục triệt để tình trạng này.

Sau một ngày mưa do ảnh hưởng của bão, nếu ai có dịp đi lại trên con đường cao tốc Láng - Hòa Lạc, tuyến đường huyết mạch vào cửa ngõ Thủ đô, sẽ  thấy kinh hoàng bởi con đường chứa đầy bùn đất, rác thải, phế thải xây dựng. Dù dọc trục đường này có rất nhiều tấm biển "Cấm đổ phế thải, vật liệu xây dựng" được cắm hai bên đường, nhưng dường như chúng không phát huy được tác dụng. Những bãi bùn đất vẫn nằm chình ình giữa đường, xe cộ đi lại tránh nhau rất nguy hiểm. Đây là tuyến đường có nhiều xe tải lưu thông, nên mỗi khi đi qua đây, nếu ngày nắng người đi đường sẽ được chứng kiến hiện tượng bụi phủ như… sương mù. Còn gặp trời mưa thì ai nấy đều "rón rén" để tránh cảnh tự mình gây tai nạn. 

Kể từ khi thi công cầu vượt Mễ Trì ở nút giao của đường Láng - Hòa Lạc và đường số 7 (nằm cạnh Trung tâm Hội nghị Quốc gia), phế liệu xây dựng gần như gia tăng giữa con đường này. Thậm chí, chiều chiều, nhiều người dân mang rác, phế thải ra quẳng luôn giữa đường. Tình trạng này diễn ra đã từ nhiều năm nay, song dường như chưa thể giải quyết dứt điểm.

Nhiều tuyến phố ở khu vực nội thành cũng không tránh khỏi tình trạng này. Các "điểm nóng" thường xuyên xuất hiện những bãi phế thải xây dựng là khu vực đường Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Cầu Giấy, Thụy Khuê, đường Bưởi, đường Lạc Long Quân, đường Lê Văn Lương, đường Lương Thế Vinh, đường Lê Trọng Tấn... Ban đêm, các xe thồ, xe tải chở đầy rác, phế thải chuyên đi đổ trộm xuống đường. Phế thải không chỉ bị đổ ra đường lớn mà ở nhiều ngõ phố cũng phải hứng chịu.

Phế thải "lấn đường" là những cảnh thường thấy trên đường Láng - Hòa Lạc.

Chẳng riêng gì chuyện đổ đất phế thải, tình trạng xe chở đất, cát làm rơi bụi bẩn ra đường cũng diễn ra phổ biến, nhất là trên những tuyến đường ven đê. Đơn cử như trên đê Hữu Hồng, xe tải nặng chở cát dù có bạt che, nhưng đó chỉ là hình thức, bởi các xe đều chở quá trọng tải nên khi đi qua ổ gà bị xóc, cát trên xe rơi ào ào xuống đường, gặp lúc chạy nhanh cát cuốn theo gió bay mù mịt trên đường, khiến những người đi đường không ít lần phải táp xe vào vệ đường, chờ bụi dịu xuống mới dám đi tiếp.

Tại cuộc họp gần đây của Ban chỉ đạo 197 TP Hà Nội chỉ rõ, mặc dù thời gian qua tình hình trật tự đô thị, vệ sinh môi trường đã được quan tâm, giải quyết, tuy nhiên theo ý kiến của một số đại biểu đại diện Sở GTVT, Sở Xây dựng thì vấn đề đổ trộm rác thải bừa bãi ra lòng đường, vỉa hè, hay vấn đề xe chở đất cát làm rơi vãi ra đường vẫn diễn ra phổ biến mà chưa có biện pháp khắc phục triệt để.

Thực tế, theo thống kê của Ban chỉ đạo 197, nếu như trong tháng 8 thực hiện chuyên đề vệ sinh môi trường, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 979 trường hợp vi phạm vệ sinh môi trường, phạt hành chính trên 40 triệu đồng, tạm giữ 13 ôtô tải thì theo kết quả từ Thanh tra giao thông Hà Nội, chỉ tính riêng từ ngày 29/8 đến ngày 8/9, lực lượng này đã xử lý tới 280 trường hợp vi phạm công tác đảm bảo môi trường giao thông, đổ trộm đất phế thải, phạt hơn 20 triệu đồng.

"Không thể để tình trạng đổ trộm phế thải, xe chở cát rơi vãi ra đường cứ mãi tiếp diễn", tại nhiều cuộc họp liên quan đến vấn đề này hầu như các đại biểu đều nêu rõ như vậy. Song trên thực tế, hết lần này đến lần khác Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải ra quân xử lý vi phạm, nhưng dường như kết quả vẫn không mấy khả quan, vi phạm vẫn hoàn vi phạm. Vậy làm thế nào để ngăn chặn tình trạng trên, trả lại cảnh quan đô thị sạch, đẹp cho bộ mặt đường phố Hà Nội, một câu hỏi lớn lại chờ ngành Xây dựng và ngành Giao thông trả lời

PVXH
.
.
.