Thú chơi cây cổ thụ tàn phá rừng xanh

Thứ Hai, 06/09/2010, 11:16
Gần đây ở thành phố Đồng Hới, Quảng Bình rộ lên phong trào săn cây cảnh cổ thụ mang về trồng. Tất tần tật từ công viên, công sở, nhà riêng, quán cà phê… đâu đâu người ta cũng trồng cây cảnh cổ thụ. Cây càng to, loại cây càng hiếm càng quý càng sang, càng dễ khoe mẽ với người khác. Thú chơi này càng được đẩy lên cao bao nhiêu thì rừng càng bị tàn phá bấy nhiêu.

Chơi cây cảnh kiểu mì ăn liền

Không như ở nhiều nơi khác để có một cây cảnh người ta phải nâng niu, chăm sóc cây hàng chục năm trời, dân chơi cây cảnh ở Đồng Hới chỉ cần vào rừng săn lùng, thuê thợ sơn tràng đào, làm giá với cơ quan chức năng xong, mang về phố trồng. Các loại cây được các đại gia săn lùng mua với giá cao như lội, si, đa, sanh, mưng, đùng đình… hiện đều có mặt ở thành phố Đồng Hới.

Trong vai người chơi cây cảnh, chúng tôi đến xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch để tìm mua cây lội cho một đại gia vừa về từ Anh quốc. Theo chỉ dẫn của một thợ sơn tràng, chúng tôi gặp Trần Văn S., một người có thâm niên về cây cảnh cổ thụ ở đây. Trong mảnh vườn chật chội của S., có 10 cây lội gốc hai, ba người ôm đang đâm chồi. Công việc hàng ngày của S. là dẫn tốp thợ sơn tràng vào rừng tìm cây cảnh cổ thụ, sau đó dùng các loại máy công trình đào đưa cây cảnh về trồng chờ được giá là bán.

Theo S. "giờ những người trước đây làm lâm tặc đều đua nhau bỏ nghề mà chuyển sang săn lùng cây cảnh, dễ kiếm tiền hơn". Sau gần 2 tiếng đồng hồ trà dư tửu hậu, câu chuyện săn cây cảnh cổ thụ của S. đã cởi mở hơn, anh cho biết: Cây cảnh cổ thụ có nhiều ở rừng Chà Coòng thuộc xã Phúc Trạch, chỉ cách đường Hồ Chí Minh chừng 7 km.

Tạm chia tay S., chúng tôi tìm về nhà anh Th. ở thôn 2, xã Phúc Trạch, người đang sở hữu nhiều cây lội cổ thụ rất đẹp. Anh Th. cho biết: "Gia đình tui có 4 cây lội, mỗi cây cao 3-5m, tui định bán cả 4 cây với giá 110 triệu đồng". Thấy gia tương đối cao, chúng tôi mặc cả, Th. cười hì hì: "Giá rứa đó, các chú không lấy thì thôi, nghĩ người trong tỉnh nên tui bán chứ dân chơi cây cảnh ở ngoài Hà Nội cũng vào đặt cọc rồi đó".

Th. cho biết thêm, trong làng hầu như nhà nào cũng có người đi săn cây cảnh cổ thụ để bán. Theo thú chơi, nên ở thành phố Đồng Hới hiện nay từ công viên, công sở, quán cà phê, khuôn viên nhà ở cá nhân… đều đua nhau trồng cây cảnh cổ thụ. Nơi ít trồng 1-2 cây, nơi nhiều thì như một khu rừng cây cổ thụ giữa lòng thành phố. Đặc biệt chơi trội hơn ở quán cà phê H.Tử, ái nữ của một giám đốc sở còn cho thuê máy công trình đào hàng chục cây cổ thụ 2-3 người ôm về trồng ngay trước quán. Người dân thường chép miệng; để có hàng loạt cây như vậy, không biết người ta đã phá bao nhiều diện tích rừng?.

"Rừng" cây lội cổ thụ ở giữa phố (ảnh chụp ở quán cà phê Hoàng Tử - thành phố Đồng Hới).

Bên cạnh săn cây cảnh cổ thụ, người dân Đồng Hới còn đua nhau chơi độc bình bằng gỗ. Với quan niệm có độc bình (nhưng thực tế phải là hai chiếc) trong nhà để mong bình yên, may mắn. Bình càng to, gỗ càng tốt là càng oai, càng sang! Và thế là, để có những chiếc độc bình đạt tiêu chuẩn về kiểu dáng, kích thước, các xưởng mộc đã sử dụng gỗ từ rất nhiều nguồn khác nhau, trong đó có những cánh rừng miền Tây Quảng Bình. Qua chủng loại gỗ và vân gỗ thể hiện trên chiếc bình có thể nhận biết "đẳng cấp" của gia chủ.

Trước đây, người chơi độc bình thường chọn gỗ nao, bồ kết rừng để làm vì giá rẻ và vân gỗ đẹp nhưng các loại gỗ này thường bị nứt và co ngót trong mùa hè. Do vậy, giới sành độc bình chuyển sang các loại gỗ sú, gõ đỏ, đinh hương, cẩm lai, ràng ràng vừa đẹp, lại bền. Một tay chơi độc bình chuyên nghiệp cho biết, để có độc bình to, vân gỗ đẹp, người ta phải đốn hạ cả cây gỗ to, chọn đoạn gỗ cần lấy, còn lại vứt bỏ.

Chúng tôi đến cơ sở mộc ở xã Hóa Tiến, huyện Minh Hóa - nơi cung cấp độc bình cho nhiều nơi ở tỉnh Quảng Bình. Ông H. chủ xưởng cho biết, mới đây cơ sở đã lấy một lô gỗ trị giá gần 100 triệu đồng để tiện độc bình theo đơn đặt hàng của khách. Mỗi tháng, xưởng của ông H. tiện khoảng 10 cặp độc bình với nhiều kích thước nhưng phổ biến là loại bình có chiều cao 1,2-1,4m, đường kính 30-40cm. Tùy theo chất liệu và vân gỗ, mỗi cặp độc bình có giá 10-15 triệu đồng.

Tìm cách qua mặt cơ quan chức năng

Theo chân thợ sơn tràng, chúng tôi tìm đến rừng Chà Coòng, nơi thợ sơn tràng thường đạp rừng tìm cây cảnh cổ thụ. Không thể tin được, cả cánh rừng mênh mông đã bị cày nát đầy các hố sâu do khai thác cây cảnh. Tiếng máy đào đất, tiếng cuốc xẻng rộn ràng, từng đoàn người thi nhau đào gốc cây cổ thụ. Để lấy được một cây cảnh cổ thụ 2 người ôm, người ta đã phải triệt hạ hàng trăm cây rừng khác xung quanh. Kiểu phá rừng tìm cây cổ thụ còn đáng sợ hơn lâm tặc phá rừng lấy gỗ.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, sau khi đào được cây cảnh cổ thụ, các tay buôn cây cảnh thường chở về trồng trong vườn nhà, sau đó tìm được mối bán, họ chỉ cần xin giấy chứng nhận là cây trồng của chính quyền địa phương và kiểm lâm chứng nhận rồi có thể chở đi bán bất cứ đâu. Chính vì sự tiếp tay này nên số phận những cánh rừng già mới có nguy cơ bị huỷ diệt.

Được biết, trong thời gian gần đây, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình quyết liệt tìm cách không để chở cây cảnh cổ thụ về xuôi, thì các đại gia buôn bán cây cảnh lại lén lút khai thác rồi chở ra Hà Tĩnh trồng và tìm cách bán vào Quảng Bình.

Trồng một cây cảnh giống như chăm sóc con nhỏ từ bé rồi trưởng thành, dõi theo sự phát triển hàng ngày của cây, cây mới có hồn, mới thấy ý nghĩa. Còn việc bỏ tiền ra mua một cây cổ thụ lớn từ rừng về rồi trồng trong khuôn viên nhà thì nó chẳng còn ý nghĩa gì cả, cây vô hồn, vô cảm, vô tâm. Đó chỉ là kiểu chơi cây cảnh "trọc phú" mà thôi. Một lão gia chơi cây cảnh thâm hậu hơn 50 qua ở thành phố Huế nói như vậy

Dương Sông Lam
.
.
.