Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc: "Đây là hành vi bôi nhọ tôi!"

Thứ Ba, 27/02/2007, 18:28

Gặp chúng tôi tại nhà riêng trong một con ngõ nhỏ ở phố Đào Tấn (Hà Nội), Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc, nguyên Cục trưởng C14, "đón nhận" những thông tin đề cập trong đơn tố cáo của bà Phạm Thị Hồng Thuý với phong thái hết sức điềm tĩnh, không chút bất ngờ. Vì sao vậy?

Thiếu tướng chậm rãi nói: "Tôi đã nghe nói đến điều này mấy hôm nay dù kỳ thực, trong tay tôi không hề có đơn của bà Thuý cũng như kết luận cụ thể nào". Nói về lá đơn tố cáo mình đúng những ngày ông chuẩn bị nghỉ hưu, Thiếu tướng không ngần ngại: Đúng là suốt một đời làm trinh sát, rồi cán bộ điều tra, từ Công an địa phương đến lãnh đạo Cục C14, đây là lần đầu tiên có một lá đơn tố cáo kiểu kỳ quặc như vậy!

- Đơn tố cáo nói rằng Thiếu tướng đã có mặt tại nhà riêng Trần Văn Thuyết, Phạm Thị Hồng Thuý ở phường Bạch Mai, Hà Nội trong buổi thực hiện lệnh bắt, khám xét khẩn cấp ngày 27/11/2006?

- Xin khẳng định rằng, là Cục trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, là người ký, ra lệnh bắt tạm giam, khám xét khẩn cấp nơi ở của đối tượng, làm sao tôi lại trực tiếp đi thực hiện lệnh đó? Đó là sự vô lý đầu tiên mà bất cứ ai cũng có thể nhìn thấy được từ lá đơn tố cáo tôi nói trên. Thực ra, việc tố cáo có động cơ rất xấu và người đó đã không nghĩ tới điều vô lý nói trên khi viết đơn.

- Còn đối với các bị can khác, nhất là bị can giữ vai trò mắt xích trong vụ PMU 18 thì sao, thưa Thiếu tướng?

- Tôi từng đi khám xét (khám xét nơi ở bị can - PV) nhiều nhưng đó là thời tôi còn làm Trưởng, Phó phòng Công an cấp tỉnh (trước khi chuyển lên Bộ Công an, Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc công tác ở Công an tỉnh Hải Hưng. Từ năm 1993, ông giữ chức vụ Cục phó C14 và từ tháng 5 -1994 đến cuối năm 2006 là Cục trưởng C14 - PV).

- Khi chỉ đạo thực hiện lệnh bắt và lệnh khám xét khẩn cấp nhà riêng đối tượng Trần Văn Thuyết, Thiếu tướng đã phân công cán bộ như thế nào?

- Tôi yêu cầu lãnh đạo các phòng điều tra thuộc Cục cử 2 tổ cán bộ đi khám xét, một tổ khám xét cơ quan làm việc của Trần Văn Thuyết và một tổ khác khám nhà riêng của anh ta. Còn thành phần đi khám xét nhà và nơi làm việc của Trần Văn Thuyết là do lãnh đạo các phòng nghiệp vụ phân công, trực tiếp điều hành.

Giao cho ai đi làm là trách nhiệm của lãnh đạo phòng được phân công, chứ tôi không bao giờ gọi từng cán bộ lên để giao việc theo kiểu cá nhân.

Trong đơn tố cáo, bà Thuý có nói Thiếu tướng đã "quàng tay, vuốt vai" bà ấy?

- Thực ra tôi nghĩ đây là hành vi cố tình bôi nhọ tôi, tung hoả mù gây nghi ngờ. Sự việc không thể có và vô lý đến vậy nhưng đã được "nặn" ra một cách cố ý. Còn tôi thì tôi nghĩ, không hiểu đằng sau đó là ai? Bởi vì khi khám xét là ngày 27/11/2006 nhưng đến giữa và gần cuối tháng 12-2006, bà Thuý mới tố cáo (các đợt). Trong khi thời điểm đó lại rất nhạy cảm bởi vụ việc PMU18 đang nóng. Tôi nghĩ mình là người đứng đắn. Vì không làm gì được tôi nên người viết đơn đã bôi xấu để hạ thấp uy tín của tôi. Tôi có đi đến nhà bà ấy đâu mà bảo tôi "sàm sỡ"? (cười!)

Cán bộ Cục C14 đọc Lệnh khám xét khẩn cấp nhà riêng Trần Văn Thuyết ngày 27/11/2006 (người phụ nữ ngồi là bà Lê Thị Lợi, tổ phó dân phố).

- Trong đơn tố cáo còn nói trước ngày khám nhà Trần Văn Thuyết, Thiếu tướng có đến nhà gặp bà Thuý cùng một cán bộ hộ tịch của phường Bạch Mai. Thực tế việc này như thế nào?

- Trước ngày đấy, tôi ký giấy triệu tập làm việc (với Trần Văn Thuyết - PV). Theo đó, cán bộ của tôi cùng đại diện Công an sở tại (phường Bạch Mai) đến nhà Trần Văn Thuyết. Cá nhân tôi, đương nhiên là không đến.

- Trong trường hợp này, Trần Văn Thuyết đã không có nhà và cũng không có lý do rõ ràng nào về sự vắng mặt của mình?

- Trong vụ việc này, người bị triệu tập vắng nhà không có lý do rõ ràng như vậy là biểu hiện của chạy trốn. Sau đó, anh em về phản ánh với tôi rằng, vợ Trần Văn Thuyết là chị Thuý trình bày "nhà tôi đi vắng khoảng 10 ngày". Cùng với những chứng cứ, lời khai khác cho thấy đối tượng được triệu tập có dấu hiệu bỏ trốn nên hôm sau tôi đã ký lệnh bắt khẩn cấp và khám xét khẩn cấp nơi ở, nơi làm việc của Trần Văn Thuyết.

- Đơn bà Thuý có nói rằng, Thiếu tướng vu khống chuyện đời tư của vợ chồng bà gây ảnh hưởng đến hạnh phúc?

- Cán bộ của tôi đi xác minh có phản ánh một số thông tin về gia đình chị Thuý mà họ nắm được do nhân dân cung cấp. Tuy nhiên, tôi không quan tâm đến các chi tiết này vì nó không phục vụ cho quá trình điều tra vụ án. Với lại, tôi không đến nhà và cũng không triệu tập chị Thuý đến cơ quan Công an nên không thể nói vậy được.

- Xin cảm ơn Thiếu tướng!

Thiếu tướng Trịnh Văn Kiệm, Cục trưởng C28: "Khi chỉ đạo xác minh, chúng tôi rất cẩn trọng"!

Khi đề cập đến các nội dung nêu trong đơn tố cáo Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc do bà Phạm Thị Hồng Thuý, vợ Trần Văn Thuyết đứng tên, Thiếu tướng Trịnh Văn Kiệm, Cục trưởng Cục Chính trị Cảnh sát nói ngay: "Việc đó tôi biết rất rõ bởi tôi được Tổng cục Cảnh sát giao trực tiếp chỉ đạo xác minh".

Thiếu tướng Trịnh Văn Kiệm cho biết thêm: Tất cả những vấn đề nêu trong đơn tố cáo đứng tên bà Phạm Thị Hồng Thuý đến nay cũng đã được tổ công tác của Tổng cục Cảnh sát tiến hành xác minh, có kết luận cụ thể, trên cơ sở đó Tổng cục đã có văn bản báo cáo lãnh đạo Bộ Công an.

- Đơn đứng tên bà Phạm Thị Hồng Thuý gửi Tổng cục Cảnh sát và cơ quan chức năng, thế nhưng có ý kiến nói chưa chắc đã do bà Thuý viết mà cũng có thể đơn do ai đó viết rồi mạo danh bà Thuý và bà không biết việc đó?

- Sau khi nhận được đơn, Tổng cục Cảnh sát giao Cục C28 và Văn phòng cơ quan CSĐT tiến hành xác minh. Theo đó, chúng tôi thành lập tổ công tác, phối hợp với Công an cơ sở đến tận địa chỉ gia đình người tố cáo để thẩm tra, xác minh với tinh thần khách quan, công minh.

Đơn nêu có tên, có địa chỉ người gửi, vậy cần kiểm tra lại bà Phạm Thị Hồng Thuý xem có đúng bà là người đã viết và ký đơn này hay không. Nếu bà Thuý nhận mình là người đã viết, ký đơn đó thì tiếp tục xác minh các nội dung nêu trong đơn, còn nếu bà không nhận mình viết đơn mà cho rằng ai đó tự viết rồi mạo danh tên bà thì phải đề nghị bà Thuý phối hợp với tổ công tác để xác minh người đã viết đơn mạo danh bà Thuý là ai. Nhưng ngay lần đầu khi tổ công tác thẩm tra, bà Thuý đã nhận chính mình là người viết, ký gửi đơn tố cáo Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc. Như vậy, đơn đó là có danh, có nội dung cụ thể, đúng tên người gửi, lúc đó mới đi vào kiểm tra những điều nêu trong đơn.

- Và kết quả thẩm tra, xác minh các nội dung bà Thuý nêu trong đơn như thế nào, thưa Thiếu tướng?

- Qua làm việc thận trọng, tổ công tác đã xác minh, có kết luận. Tổ công tác có đủ căn cứ xác định, đồng chí Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc không có mặt trong thời gian khám xét tại nhà riêng bà Thuý như nêu trong đơn tố cáo.

Cán bộ thẩm tra có nêu một số câu hỏi, ví dụ người đứng đơn nói Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc có đến nhà, vậy mô tả hình dáng người đó như thế nào, bà Thuý đã không trả lời được. Khi hỏi đầu tóc Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc ra làm sao thì bà Thuý nói không nhớ nữa, nhưng tôi khẳng định rằng, nếu ai đó biết anh Quắc dù chỉ một lần thôi tất không thể quên được mái tóc trắng như cước, vì thế không thể nói không nhớ được.

Điểm thứ hai, cũng rất quan trọng, đó là Công an cơ sở (Công an phường Bạch Mai) là những người làm chứng buổi khám xét nhà riêng vợ chồng Trần Văn Thuyết, Phạm Thị Hồng Thuý cũng xác nhận tại thời điểm đó không có mặt đồng chí Phạm Xuân Quắc. Những người liên quan có mặt tại buổi khám xét cũng xác nhận tương tự.

Ngoài ra, cùng các lý do khác, chúng tôi thống nhất với đánh giá, xác minh của tổ công tác là đơn nêu không đúng sự thật, hoàn toàn không có căn cứ và đã báo cáo lãnh đạo Bộ Công an về việc này.

- Như vậy, đơn tố cáo có nội dung vu khống là rất rõ, nhất là việc vu khống một cán bộ cấp cao, thời điểm đó đang giữ trọng trách "cầm trịch" vụ PMU 18. Theo Thiếu tướng, hướng xử lý người có đơn vu khống (bà Thuý) trong trường hợp này ra sao?

- Trong báo cáo của Tổng cục Cảnh sát, chúng tôi có đưa ý kiến và đề xuất với Bộ về hướng xử lý. Thứ nhất, chúng tôi đã thông báo lại cho Đảng ủy C14 để nắm rõ tình hình và cho kết thúc việc xác minh đơn này. Thứ hai, việc bà Thuý nêu những vấn đề không chính xác, chúng tôi cũng đã xem xét, cho ý kiến. Bà Thuý viết đơn trong bối cảnh rất bức xúc đối với người thân (chồng bà) bị khởi tố. Mục đích của người viết đơn, có thể khiến cơ quan bảo vệ pháp luật chùn tay, nhưng cũng có thể nhằm vu khống, đánh lạc hướng, làm loãng tình hình, diễn tiến điều tra vụ án PMU 18.

Còn về việc xử lý, chúng tôi cũng đã xem xét đảm bảo có lý, có tình nhưng từ vụ việc này cũng phải nhằm răn đe những người khác nếu còn ý định tố cáo không đúng sự thật. Chưa nói góc độ hình sự, còn đã nói sai thì ít nhất phải công khai xin lỗi, phải cầu thị.

* Thiếu tướng Trần Văn Nho, Chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT cũng cho biết: Tổng cục có chỉ đạo Cục C16 phối hợp với C28 lập tổ công tác xác minh, làm rõ vụ việc theo đơn tố cáo của bà Thuý.

Thiếu tướng Trần Văn Nho cũng khẳng định, những nội dung trong đơn tố cáo rõ ràng sai sự thật, cần xử lý đúng quy định

Đăng Trường - Chí Long (thực hiện)
.
.
.