Thiếu thông tin, ngư dân mất mạng vì cuồng phong trên biển

Thứ Ba, 11/08/2009, 20:30
Những trận cuồng phong bất ngờ của "thủy thần" đã cướp đi không ít tính mạng của ngư dân trên vùng biển Quảng Ninh - nơi có hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ nhưng cũng không đủ che chắn những cơn dông, lốc có tốc độ mạnh và bất ngờ ập đến. Với mật độ ngư dân khai thác, đánh bắt hải sản trên vùng biển Quảng Ninh lớn như hiện nay, họ đã có cách gì để phòng tránh những ẩn họa nêu trên?

Ngày tang thương của ngư dân vùng biển

Trận cuồng phong xảy ra gần đây nhất trên vùng biển Quảng Ninh là vào ngày 7/7, đây được coi là cơn lốc có tốc độ hung dữ nhất mà ngư dân ở vùng biển Đồng Rui, huyện Tiên Yên được chứng kiến.

Trời còn tờ mờ sáng, chị Bùi Thị Thoan cùng con gái và 4 gia đình ở thôn Hạ, xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên bắt đầu một ngày đi biển như thường lệ. Dù trời hôm đó có mây vần vũ vì thời tiết không thuận, nhưng chiếc mủng chở 8 người phụ nữ này vẫn lướt băng băng ra khơi. Chiếc mủng là tài sản duy nhất để kiếm cơm của gia đình chị Thoan nhưng lâu nay đã trở nên ọp ẹp trước sức nặng của 8 con người ngồi trên. Tám phụ nữ này chạy thuyền một mạch ra vùng Cái Bầu, huyện Vân Đồn để đánh bắt hải sản. Mẻ lưới hôm đó rất nặng do cá bơi nhao nhác đi tránh mưa.

Linh tính mách bảo là sẽ có họa, thấy mưa rơi chị Thoan gọi mọi người thu lưới về, nhưng chị không ngờ rằng, đây là buổi sáng cuối cùng của mình và con gái. Cơn mưa bắt đầu nặng hạt đuổi đằng sau chiếc thuyền. Đến khu vực Ba Hòn (giáp ranh giữa huyện Vân Đồn và Tiên Yên) thì mưa dông ào ào đổ sập, con thuyền chòng chành mất phương hướng. Tám phụ nữ, trong đó có cháu Ngô Thị Duyên (con gái chị Thoan) mới 13 tuổi sợ hãi trước sự hung dữ của thuỷ thần, ngồi co rúm vào nhau.

Rồi như một định mệnh, dù ở khu vực Ba Hòn đang có một số tàu thuyền khác, nhưng một cơn gió lốc đã nhằm trúng chiếc thuyền nan này mà quật xuống, khiến chiếc thuyền lật úp, 8 người phụ nữ văng ra ngoài khơi. Chứng kiến tận mắt trận cuồng phong trên, vợ chồng ngư phủ Hoàng Văn Hòa và Lê Thị Như, trú tại Bá Nha, Hợp Đức, Thanh Hà (Hải Dương) đang sử dụng thuyền máy đánh bắt hải sản ở gần đó cho tàu đến tiếp cận với các nạn nhân. Nhưng do sóng mạnh, gió quá to nên vợ chồng ngư phủ này chỉ cứu sống được 5 người, còn 3 phụ nữ, trong đó có mẹ con chị Thoan và chị Nguyễn Thị Thảo bị mất tích. Hai ngày sau, xác của 3 phụ nữ xấu số mới được tìm thấy khi trôi dạt đi rất xa.

Cần trang bị phương tiện để nắm bắt thông tin về thời tiết cho ngư dân trên biển Quảng Ninh, tránh tổn thất người và tài sản.

Cách gì để phòng tránh

Với hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ nằm trải dài trên Vịnh Hạ Long, đây là lợi thế để ngư dân khi gặp mưa bão, lốc xoáy trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, vẫn có những trận dông, lốc xoáy ập đến đột ngột, khiến ngư dân không kịp trở tay. Ngay như trận lốc xoáy cuối năm 2006, rất nhiều ngư dân đang đánh bắt hải sản ở khu vực Cửa Lục, nơi được coi là khá an toàn vì giáp bờ nhưng vẫn bị nhấn chìm.

Là tỉnh có chiều dài trên 200km bờ biển, Quảng Ninh có hàng vạn ngư dân làm nghề khai thác hải sản trên biển và đánh bắt xa bờ. Làm thế nào để họ phòng tránh an toàn với những cơn dông, lốc xoáy trên?

Theo Văn phòng BCĐ phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn Quảng Ninh, họ đều thông báo các thông tin liên quan đến thời tiết, đặc biệt là mưa, bão, dông, lốc đến BCH phòng chống lụt bão các huyện, thị để thông báo cho ngư dân. Hầu hết các vụ bão, dông, lốc đều có thông báo kịp thời, nhưng ứng phó và chủ động với nó thì mỗi nơi mỗi khác.

Đặc thù của nhiều làng chài ở Quảng Ninh là họ sống bấp bênh trên biển, nay đây mai đó, nên việc thông báo của chính quyền địa phương đến với họ cũng gặp nhiều khó khăn. Theo Viện Vật lý địa cầu, trên vùng biển Đông Bắc thường xảy ra các trận dông, lốc xoáy và nhiều cơn lốc trước đó đã có dự báo, nhưng không đích xác ở khu vực nào nên ngư dân không phòng tránh kịp.

Hiện nay, ngư dân Quảng Ninh hầu hết chỉ có thiết bị là đài để nghe dự báo thời tiết và tập quán "trông con nước đoán thời tiết". Chỉ những tàu, thuyền lớn là trang bị bộ đàm để liên lạc thông tin với đất liền. Vì vậy để giúp ngư dân chủ động phòng chống thảm họa của thiên tai, chính quyền các địa phương nên tuyên truyền và thông báo kịp thời cho ngư dân, đồng thời có những phương tiện hỗ trợ, đặc biệt là bộ đàm liên lạc với đất liền để nắm bắt dự báo thời tiết chính xác từng ngày

Trần Hằng
.
.
.