Thiếu hiểu biết, nữ công nhân phải phá thai, bỏ con

Thứ Hai, 26/11/2012, 10:20
Gần đây, tình trạng những cô gái mới lớn từ các miền quê khác nhau trên cả nước “chân ướt, chân ráo” đến “vùng đất gốm” mưu sinh rồi lập gia đình là chuyện rất phổ biến. Thế nhưng, không phải đôi uyên ương công nhân nào cũng có kết cục tốt đẹp. Thực tế cho thấy, vì giây phút lỡ làng, nhiều thai phụ công nhân khi con vừa lọt lòng đã mang trẻ đi vứt bỏ, để lại những hệ quả đau lòng cho xã hội.

Em Nguyễn Thị H. (22 tuổi, quê ở huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh), công nhân Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (thị xã Thuận An) tâm sự: “Công nhân chúng em đi làm đầu tắt mặt tối, chỉ có ngày chủ nhật mới được chút thanh thản. Hằng ngày, khối lượng công việc ở công ty ngốn hết gần 2/3 thời gian. Đi làm về chỉ muốn ngủ lấy sức cho ngày mai nên em không thể có thời giờ đọc sách báo, xem tivi, nghe đài, nói gì đến chuyện tìm hiểu các vấn đề về chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS). Bởi vậy, có nhiều cô bạn cùng quê với em vì nhiều lý do đã “góp gạo thổi cơm chung” với bạn trai. Em đã làm công nhân được 2 năm, nhưng chưa hề được công ty hay một cơ quan chức năng địa phương tư vấn về SKSS”.

Thanh niên công nhân cần được trang bị kiến thức về giới tính, sinh sản.

H. kể cách đây 2 tháng, cô bạn tên T. ở cùng phòng trọ nhờ chở đi phá thai và đấy không phải là lần đầu tiên T. nhờ H. làm cái việc tội lỗi này. Theo ghi nhận của chúng tôi, tại nhiều dãy phòng trọ ở Bình Dương, nhiều nơi có hàng ngàn nữ công nhân sinh sống. Phần lớn họ chưa được một lần tư vấn về quan hệ tình dục an toàn, SKSS. Một số thiếu nữ chỉ nghe gia đình nói về vấn đề trên rất sơ sài.

Vội quệt ngang những dòng lệ trào tuôn, chị Huỳnh Tiểu Hương, Giám đốc Trung tâm Nhân đạo Quê Hương, xót lòng: “Trong tháng 10 tôi đã nhận 4 trường hợp trẻ sơ sinh bị bỏ rơi tại Bình Dương và TP Hồ Chí Minh. 5 năm qua, chúng tôi đã tiếp nhận hơn 180 trường hợp trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Khoảng 70% trẻ bị bỏ rơi đều chưa cắt rốn nên các cháu bị các bệnh về tim, phổi. Phần lớn trẻ bị vứt bỏ ở trước trung tâm là con của công nhân trong Khu công nghiệp Bình Dương. Có trường hợp trẻ bị vứt ở nơi khác cũng được chuyển đến trung tâm nuôi dưỡng”

Đức Mừng
.
.
.