“Thiên đường” du lịch sinh thái miệt vườn Nam Bộ: Dở khóc, dở cười

Thứ Sáu, 12/03/2010, 14:10
Khi nghe người dân ở cù lao Thới Sơn, Tiền Giang (nơi được mệnh danh là "thiên đường" du lịch sinh thái miệt vườn Nam Bộ) "hét" giá đất trên mây, nhiều nhà đầu tư chỉ biết lắc đầu chào thua. Thế nên việc quy hoạch khu du lịch này có nguy cơ bị treo là điều khó tránh khỏi.

Từ nhiều năm nay, du khách trong ngoài nước biết đến cù lao Thới Sơn (Tiền Giang) như là một "thiên đường" của loại hình du lịch sinh thái miệt vườn Nam Bộ. Từ đầu năm 2009, khi cầu Rạch Miễu hoàn thành, cù lao Thới Sơn đã không còn cách trở nữa. Và đất ở "thiên đường" du lịch này càng trở nên có giá, thậm chí lên "cơn sốt" khi mà "đại gia" Hoàng Kiều (Việt kiều Mỹ) - Chủ tịch Tập đoàn RAAS, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Du lịch Tiền Giang dự định bỏ hàng trăm tỷ đồng vào đây để xây dựng khu vui chơi giải trí hoành tráng, kèm theo lời hứa sẽ tổ chức thi Hoa hậu thế giới tại đây. Tiếc rằng, lời hứa ấy chưa thực hiện được là bao…

Tôi đi mua đất… "thiên đường"

Sáng 10/3, từ cầu Rạch Miễu, tôi cùng một anh bạn đồng nghiệp theo dường dẫn xuống cù lao Thới Sơn. Len lỏi vào 4 ấp của cù lao, chúng tôi nhận thấy có khá nhiều mảnh vườn cây ăn trái bị bỏ hoang, cỏ dại um tùm. Và trong những mảnh vườn đó, chủ vườn cắm biển rao bán đất.

Để kiểm chứng lời của anh bạn đồng nghiệp về chuyện đất "thiên đường" đang ở mức phổ biến 200 - 300 triệu đồng/công (1.000m2) nay vọt lên trên 1 tỷ đồng, thậm chí 2 tỷ đồng, tôi bấm điện thoại gọi vào số máy 075223233… ghi trên tấm biển rao bán bằng gỗ. Người đàn ông nghe máy tên là Sáu X cho biết, ông có miếng đất vườn rộng khoảng 1.100m2 nằm cặp theo đường trục của xã, mặt tiền cỡ 22 mét, chiều sâu vô 50 mét. Nghe tôi nói định hỏi thăm về miếng đất, nếu được giá thì bàn với nhỏ em gái mua để làm ăn, ông Sáu cho biết: "Đất này không bị dính vào quy hoạch gì cả mà ngược lại, đối diện với đất của tui, người ta đang xây khách sạn, nhà hàng hoành tráng lắm. Nó chỉ cách cầu Rạch Miễu 200 mét". Tôi hỏi giá, chủ đất này "dứt giá" với mức 2,2 tỷ đồng. Nghe tôi than giá như thế là quá cao, ông Sáu nói giá như thế là đã "hạ nhiệt" rồi đấy chứ trước kia thì cao hơn nữa.

Vì sao giá đất "thiên đường" lên cơn "sốt" kỷ lục?

Sau cả ngày rong ruổi trên đất cù lao, tôi cũng hiểu được nguồn cội của nguyên nhân dẫn đến "cơn sốt" giá đất tại "thiên đường". Chuyện là gần 1 năm trước, sau khi "thôn tính" khu vực tiếp đón đường bộ thuộc Khu du lịch Thới Sơn (qua hình thức mua cổ phần), "đại gia" Hoàng Kiều đã âm thầm cho người "săn lùng" mua thêm hơn 13ha cạnh đó để thực hiện dự án "nhà Hoa Hậu".

Để mua cho bằng được đất nhằm thực hiện dự án, ông Kiều đã đẩy giá mua lên 400 triệu/công, rồi 800 triệu và cuối cùng là 1,5 tỷ đồng/công. Một doanh nghiệp ở TP HCM nghe thế cũng tính "đón gió" bằng cách "ôm" miếng đất của ông Tám B nằm vị trí mặt tiền trục đường chính thuộc ấp Thới Thạnh 1.500m2 với giá 2 tỷ đồng/công. Người dân cù lao kể, ngoài miếng đất của ông Tám B vừa kể, chỉ có ông Hoàng Kiều - Việt kiều xài tiền đô mới dám bỏ tiền ra như thế để mua cùng lúc hàng chục hécta đất ở những vị trí chưa có đường cho xe vào được.

Với một số người đã "gả" được đất rồi, không phải ai cũng may mắn nhận đủ tiền. Như trường hợp bà Huỳnh Kim C ở ấp Thới Thuận được "đại gia" mua 2,4ha đất với giá trên 31 tỷ đồng đến nay vẫn cứ lóng ngóng và chưa biết tới khi nào mới nhận gần một nửa số tiền còn lại.

Với những người dân mới có ý định nhưng chưa bán được đất thì than dài. Bà H., ở ấp Thới Thạnh kể bà đã rao bán đất cả chục tháng trời nhưng ai tới hỏi rồi cũng rút lui mất, chẳng thấy quay lại. Bà bộc bạch: "Chúng tôi bây giờ tiến thoái lưỡng nan. Bây giờ muốn bán đất là cả một cực hình, bởi nếu bán giá thấp thì tiếc, con cháu trong nhà chưa chắc đồng ý chịu bán; còn bán giá cao thì chẳng ai dám mua".

Nguy cơ quy hoạch treo

Trao đổi với PV Báo CAND vào chiều 10/3, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Tiền Giang Nguyễn Tấn Phong cho biết, cù lao Thới Sơn có tổng diện tích trên 1.200ha. Theo quy hoạch tỷ lệ 1/2000 của tỉnh, trên lĩnh vực du lịch có 77ha, được chia thành 7 khu chức năng. Đến nay, ngoài ông Hoàng Kiều đầu tư gần 5ha tại khu vực đón tiếp đường bộ trước đây (và khoảng 12ha nằm ngoài quy hoạch - PV), phần còn lại trên 70ha chưa có nhà đầu tư nào "nhảy vào".

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Thanh Hiền kể thêm, sau Hội nghị xúc tiến đầu tư vào cuối tháng 1/2010, chính ông đã dẫn đoàn doanh nghiệp TP HCM sang đây khảo sát dự định thực hiện dự án Khu thể thao dưới nước. Khi nghe người dân "hét" giá đất trên mây, nhiều nhà đầu tư chỉ biết lắc đầu chào thua. "Thực tế diễn biến giá như hiện nay, khó có doanh nghiệp nào dám đầu tư nên khả năng quy hoạch này tiếp tục treo là khó tránh khỏi" - ông Hiền băn khoăn

Thái Bình
.
.
.