Thiên đường của những chú rùa xanh

Chủ Nhật, 11/03/2007, 14:45
10 năm trước, những người giàu trí tưởng tượng nhất cũng không thể ngờ có ngày Côn Đảo lại trở thành “thiên đường của rùa biển”. Ngày nay mọi thứ đã thay đổi khi những “người vệ sĩ của rùa biển” thuộc Vườn Quốc gia Côn Đảo vào cuộc…

Từ năm 1994 tới nay, bằng việc thực hiện chương trình cứu hộ và bảo tồn rùa biển, họ không chỉ bảo tồn được loài rùa Xanh quý hiếm, gắn thẻ theo dõi cho gần 2.000 con rùa mẹ mà còn là "bà đỡ" và đưa  615.545 con rùa con về với biển, góp phần quan trọng biến vùng biển Côn Đảo thành "thiên đường của rùa"...

Thiên đường "đánh mất"

Chúng tôi quyết định theo chiếc tàu tiếp nước ngọt của Vườn Quốc gia Côn Đảo ra bãi Cát Lớn đảo Bảy Cạnh, nơi có bãi rùa đẻ lớn nhất Côn Đảo, đúng hôm cơn bão số 9 bắt đầu đổ vào biển Đông. Đang mùa gió chướng, lại sắp có bão, vì thế con tàu nhỏ cứ phải vật vã, đạp lên những con sóng cao cả mét.

Đi cùng chúng tôi còn có anh Nguyễn Trường Giang, Phó trưởng phòng Khoa học & Giáo dục môi trường của Vườn Quốc gia Côn Đảo. Tham gia dự án bảo tồn rùa từ những ngày đầu, vì thế câu chuyện của anh Giang với chúng tôi loanh quanh một hồi rồi lại quay về chuyện “ngày xưa”, khi các anh bắt đầu thực hiện cái việc giữ “chim trời cá nước” này.

10 năm trước, những người giàu trí tưởng tượng nhất cũng không thể ngờ có ngày Côn Đảo lại trở thành “thiên đường của rùa biển”. Ngày xưa, dân Côn Đảo vẫn coi chuyện bắt Vích (rùa Xanh) về ăn là bình thường. Lúc bắt được nhiều, người ta chỉ lấy mỗi mai rùa để bán cho xưởng sản xuất thủ công mỹ nghệ của đảo, còn thịt thì mang bán rẻ ngoài chợ, thậm chí nấu cho lợn, gà ăn.

Cho tới đầu năm 1994, Giáo sư Võ Quý cùng một nhà báo của Quỹ Bảo vệ động vật hoang dã thế giới (WWF) ra thăm Côn Đảo và ngỡ ngàng khi thấy người ta bán thịt rùa ở chợ trong khi rùa Xanh đã được đưa vào Sách Đỏ thế giới.

Hai người cùng ông Giám đốc Rừng đặc dụng Côn Đảo (tiền thân của Vườn Quốc gia Côn Đảo bây giờ) đến gặp lãnh đạo huyện để “tuyên truyền” về loài rùa đang có nguy cơ tuyệt chủng này. Ngay sau đó, UBND huyện đã ra chỉ thị hạn chế đánh bắt rùa biển, đồng thời ra quyết định dẹp luôn cơ sở sản xuất đồ mỹ nghệ từ mai rùa.

Phải tới giữa năm 1994, khi ông Lê Xuân Ái làm Giám đốc Vườn Quốc gia Côn Đảo thì ý tưởng bảo tồn loài rùa Xanh bắt đầu được nhen nhóm. Và người đầu tiên được Giám đốc Ái giao cho việc này chính là kỹ sư Nguyễn Trường Giang với đề tài “Theo dõi ngẫu nhiên về hoạt động làm tổ của rùa biển”.

Theo dõi suốt mùa đẻ trứng năm đó, kỹ sư Giang đã ghi nhận tỉ lệ nở của trứng rùa chỉ có gần 20%, số còn lại không nở được do tổ bị lở làm trứng trôi xuống biển mà không biết làm thế nào để giữ lại. Vì vậy trong báo cáo, anh Giang đề nghị phải tìm biện pháp để giữ. Đọc xong bản báo cáo, Giám đốc Ái ghi vẻn vẹn hai chữ “cứu hộ” vào lề.

Nhưng lấy tiền ở đâu? Đầu năm 1995, trong một lần đi họp, Giám đốc Ái nghĩ tới việc xin tiền tài trợ. Và ông xin được 4.900USD của WWF Việt Nam. Số tiền này dùng ngay vào việc đầu tư xây dựng 5 trạm cứu hộ ở 5 bãi có số lượng rùa mẹ lên đẻ nhiều nhất.

Suốt mấy tháng mùa rùa đẻ trứng, đêm nào các cán bộ của 5 trạm này cũng thay phiên nhau đi tuần dọc bãi biển, thấy ổ trứng nào ở gần biển có nguy cơ bị nước đánh trôi thì bê vào trong. Đến khi rùa nở thì thả vào trong hồ nuôi một tuần mới đem thả.

Thả rùa về biển.

Ngày ấy, anh em cứ tưởng làm thế là được. Cho tới dịp 2/9/1995, một chuyên gia của WWF Việt Nam cùng chuyên gia về rùa của WWF Philippines ra Côn Đảo kiểm tra. Mấy ông chuyên gia nghe đầu tư có gần 5.000 USD mà cứu hộ được cả chục ngàn con rùa con thì khoái lắm.

Nhưng khi ra đảo Bảy Cạnh, nhìn trong cái bể có 6m2 mà chứa tới 3.000 con rùa con, rồi khi anh em nói lại quá trình cứu hộ thì mấy ông mới bảo rằng các anh cứu hộ mà không biết gì về đặc tính của rùa cả.

Thì ra, tập tính sinh học của con rùa Xanh khá đặc biệt. Phôi trong trứng rùa đã hoạt động từ khi còn trong bụng mẹ. Hai ngày trước khi rùa mẹ lên bãi đẻ, nó tạm ngừng hoạt động. 6 tiếng sau khi đẻ, phôi sẽ hoạt động trở lại.

Vỏ trứng rùa lại rất mềm do lượng canxi thấp. Vì vậy nếu khi cứu hộ hốt cả ổ trứng lên đặt vào chỗ khác quá mạnh sẽ làm đứt những mạch máu, phôi chết. Sau khi rùa con nở, tập tính bẩm sinh là bơi ra biển ngay.

Trong 3 đến 5 ngày đầu, rùa con bơi liên tục mà không cần tìm thức ăn do vẫn còn dinh dưỡng tích trữ. Đây là thời gian đủ để rùa con thích nghi với môi trường sống, đồng thời bơi được ra khỏi nơi nước xiết. Vì thế nếu nhốt rùa con 1 tuần mới thả sẽ làm nó dễ chết hơn khi thả về biển, vì rùa con phải bơi liên tục mà không còn dinh dưỡng dự trữ...

Nghe giảng giải, tất cả các cán bộ mới hiểu làm khoa học mà không có kiến thức thì chỉ có tác dụng ngược. Còn các chuyên gia của WWF quyết định sẽ tài trợ kinh phí cho cán bộ của Vườn ra nước ngoài học kỹ thuật.

Tháng 8/1996, 4 cán bộ của Vườn, trong đó có Giám đốc Lê Xuân Ái và kỹ sư Nguyễn Trường Giang, lên đường sang đảo Baguan (Philippines), nơi được mệnh danh là trung tâm di sản rùa biển thế giới, học tập kinh nghiệm và kỹ thuật bảo tồn rùa biển trong 1 tháng. Đó là chuyến đi thu được rất nhiều điều bổ ích. Vì thế, ngay năm 1996, tỉ lệ rùa nở đã lên tới 74% thay vì chỉ có 35% trong hai năm trước đó.

Tới năm 1998, công tác cứu hộ và bảo tồn tiến thêm một bước nữa là tiến hành gắn thẻ cho rùa mẹ. Thẻ chỉ là một miếng sắt nhỏ có dòng chữ “VQG Côn Đảo - Việt Nam” kèm theo số thứ tự và số điện thoại của Vườn. Theo kỹ sư Nguyễn Trường Giang, bằng cách đeo thẻ, việc nghiên cứu sẽ chi tiết được tới từng cá thể, đó là biết được số lượng rùa lên đẻ tại khu vực bảo vệ. Và chỉ cần tiến hành theo dõi trong 10 năm liên tục sẽ biết được khả năng tăng giảm số lượng rùa trong khu vực.

Từ năm 1998 tới năm 2006, đã có gần 2.000 con rùa mẹ được gắn thẻ, và qua theo dõi thì có 80 cá thể sau hai năm đã quay lại Côn Đảo, điều đó khẳng định việc bảo tồn đã từng bước biến Côn Đảo trở thành “thiên đường” của rùa biển.

Thiên đường "trở lại"

Mất gần hai giờ vật vã, con tàu cũng đưa chúng tôi ra tới đảo Bảy Cạnh. Đó là một nơi quá đẹp, nổi lên giữa đại dương mênh mông là hòn đảo có diện tích tới 550 hécta với bãi cát trắng mịn chạy dài sát mép biển, sừng sững phía sau là dãy núi đá cao ngất nhưng xanh thẫm một màu xanh của rừng.

“Đại bản doanh” của 6 anh em trạm kiểm lâm đảo Bảy Cạnh là một cái nhà sàn lắp ghép bằng khung sắt trên nền bêtông khá kiên cố, nằm gần bờ biển. Mới xây dựng năm 1998, dù anh em rất chịu khó bảo dưỡng, nhưng trước sự khắc nghiệt của nắng, gió biển và nước mặn, những con ốc vít đều đã hoen gỉ.

Chẳng riêng căn nhà, tivi, đầu đĩa, máy bộ đàm Vườn trang bị đưa ra một thời gian là hỏng nên cứ phải sửa liên tục. Nghe tôi hỏi ở đây quanh năm sống giữa biển, chỉ làm bạn với rùa có buồn không? Trạm trưởng Trần Quang Thêm cười: “Sống mãi rồi cũng quen anh ạ”.

Quê anh Thêm ở Thanh Hóa, nhưng đã có 12 thâm niên làm kiểm lâm ở Côn Đảo và là lần thứ 2 ra cắm chốt ở đảo Bảy Cạnh này. Cũng may gia đình ở thị trấn Côn Đảo nên mỗi tháng anh về với vợ con được vài ngày, bởi theo quy định của Vườn, mỗi tháng những người có gia đình ở Côn Đảo được về nhà nghỉ 5 ngày.

Kỹ sư Nguyễn Trường Giang (bên trái) đang gắn chíp cho rùa mẹ.

Nhưng vào mùa rùa đẻ, bận tối mắt, có khi vài tháng anh mới về nhà một lần. Gần 10 năm “làm bạn” với rùa, gắn bó tới mức có lần về nhà, nửa đêm đang ngủ lại vùng dậy “đi rùa” vì cứ ngỡ đang nằm ở trạm cứu hộ khiến vợ lại tưởng ngủ mê.    

Dẫn tôi đi xem bãi rùa đẻ (chính là bãi cát trắng chạy dọc đảo), Trạm trưởng Thêm thống kê một con số khá ấn tượng: năm 2006, đảo Bảy Cạnh có hơn 100 con rùa mẹ lên đẻ 367 ổ trứng, trong đó trạm rời về ấp 281 ổ trứng, nở được 29.013 rùa con, tỉ lệ rùa nở đạt trên 82,5% và đeo thẻ cho 85 con rùa mẹ.

Anh Thêm cứ tiếc rẻ: “Giá các anh ra sớm hơn thì được xem rùa đẻ. Mỗi mùa, một con rùa mẹ có thể đẻ từ 3 tới 10 ổ trứng. Nhưng bây giờ là cuối mùa rồi, chỉ còn sót lại có một ổ trứng này thôi”. Đó là ổ trứng được đánh số 364.

Thấy tôi thắc mắc công việc của những “vệ sĩ rùa” là làm những việc gì? Anh Thêm cười: “Dạo này bọn em còn nhàn, chứ vào mùa rùa đẻ, bận tối mắt chứ không nhàn đâu”.  Đặc tính của loài rùa Xanh chỉ vào bờ đẻ trứng vào ban đêm nên tới mùa rùa đẻ (từ tháng 4 đến tháng 11), chẳng mấy khi anh em được ngủ trọn đêm bởi phải trực để theo dõi số lượng rùa lên đẻ (đêm nhiều có tới 32 con) và di dời hết những ổ trứng rùa có nguy cơ bị sạt lở vào nơi an toàn (mà mỗi ổ thường có từ 70 đến 100 trứng).

Rùa Xanh rất “kén” chỗ đẻ, cả bãi cát rộng nhưng rùa mẹ chỉ chọn một số chỗ nhất định. Do cùng chọn một chỗ để đẻ nên xảy ra tình trạng con trước vừa lên đẻ xong thì con sau lại móc trứng hất đi chỗ khác để đẻ tiếp vào ổ đó. Và lúc này thì cần tới sự can thiệp của “vệ sĩ”. Khi di dời ổ trứng, nguyên tắc là phải đưa vào nơi không bị lở, chỗ cao phải vượt cả thủy triều ở mức cao nhất để nước biển không ngập tới.

Nhưng như thế vẫn chưa đủ, khi di dời còn phải lựa đặt trứng ở những nơi có nhiệt độ khác nhau. Làm vậy vì nhiệt độ khi ấp trứng sẽ quyết định thời gian trứng nở và tỉ lệ giới tính của rùa con. Nếu ổ trứng ấp ở nơi nhiệt độ cao (24 - 320C) thì trứng sẽ nở nhanh (khoảng 50 ngày), ở nhiệt độ này, tỉ lệ rùa cái sẽ cao và ngược lại.

Để đảm bảo tỉ lệ giới tính của rùa con nở ra tương tự như trong tự nhiên, khi di dời ổ trứng, các “vệ sĩ” phải tính ngay bao nhiêu ổ thì để ở nơi nhiệt độ cao, bao nhiêu ổ thì đặt ở nơi có bóng râm để nhiệt độ thấp hơn.

Sau khi đưa ổ trứng tới nơi an toàn, anh em sẽ ghi vào sổ theo dõi đầy đủ thông tin về ngày, giờ di dời và số lượng trứng. Tới ngày thứ 44 kể từ khi ấp trứng, anh em lại phải rào xung quanh ổ trứng lại để bảo vệ, nếu trứng nở vào ban ngày thì không cho rùa con tự bò xuống biển ngay mà phải chờ đến đêm, chọn nơi thủy triều êm nhất mới đưa rùa ra cách mép nước 3 mét để thả.

Khi thả cũng không thả ồ ạt một chỗ mà phải trải dài vài chục mét. Cách thả này vừa giúp cho rùa con có ấn tượng về vùng sinh sản để khi trưởng thành chúng sẽ quay lại đẻ trứng, vừa là cách để cho rùa con không “mất sức” khi phải vượt ra khỏi những nơi sóng mạnh như chúng tự bò và nếu có bị các loài cá tấn công thì thả rải rác sẽ giảm được tỉ lệ rùa bị ăn thịt (bởi trong tự nhiên, có tới 60% rùa con bị ăn thịt vào thời điểm bắt đầu xuống biển)...

Ngoài trạm Bảy Cạnh, hiện Vườn Quốc gia Côn Đảo còn xây dựng 4 trạm cứu hộ rùa ở 4 đảo khác nữa là Hòn Tài, Bãi Dư, Hòn Cau và Hòn Tre lớn. Đây là 5 điểm có số lượng rùa lên đẻ cao nhất trong 14 điểm ở Côn Đảo. Và sau 10 năm thực hiện dự án cứu hộ và bảo tồn rùa biển, đã có hơn 615 ngàn con rùa con được ấp nở và thả về biển.

Cũng nhờ môi trường được bảo vệ tốt nên mỗi năm có khoảng 400 - 500 con rùa mẹ tìm về Côn Đảo đẻ trứng... có thể nói không quá rằng nhờ có dự án này mà Côn Đảo đã trở thành khu bảo tồn, cứu hộ rùa biển lớn nhất Việt Nam.

Ngoài việc đeo thẻ cho rùa mẹ, cuối năm 2006, Vườn Quốc gia Côn Đảo còn áp dụng kỹ thuật tiên tiến nhất để theo dõi rùa từ vệ tinh. Đưa cho tôi xem bức ảnh mới nhất chụp từ vệ tinh hành trình của 4 chú rùa được gắn chíp thả về biển tháng 10/2006, anh Giang nói như khoe: “Với một con chíp gắn trên lưng rùa, giờ đây ngồi ở Côn Đảo, tôi cũng có thể theo dõi được tọa độ sinh sống của những chú rùa”.

Có con chíp gắn trên lưng, khi rùa lặn xuống sâu, máy sẽ tự động ngắt. Nhưng chỉ cần nổi lên mặt nước 5 giây, máy sẽ tự động mở và phát tín hiệu lên vệ tinh. Từ vệ tinh, toàn bộ lịch trình di chuyển của con rùa sẽ được thu lại phát xuống trạm theo dõi ở mặt đất.

Từ những kết quả này, các nhà khoa học sẽ xác định được chính xác vùng rùa tìm thức ăn, hành trình di chuyển để đưa ra biện pháp quy hoạch bảo vệ. Anh Giang cho biết hiện trong 4 con được gắn chíp thả về biển, có 1 con đang ở vùng biển Trường Sa, 2 con ở đảo Philippines, 1 con ở đảo Phú Quý.

Cách này rất hay, và cũng chỉ cần theo dõi trong thời gian chừng 1 năm. Nhưng mà tốn kém lắm vì mỗi cái chíp là 2.000USD; rồi mỗi năm lại mất 2.000USD/ nữa cho chi phí thu phát sóng theo dõi do chúng ta phải thuê một trang web ở nước ngoài. Bởi vậy hiện mới chỉ có kinh phí gắn chíp cho 4 con, mà cũng là tiền từ tài trợ của WWF.

Tôi rời Côn Đảo mang theo lời nhắn gửi của kỹ sư Giang: “Anh viết báo thì nhắn hộ tôi một câu thế này thôi: nếu ai bắt được rùa có gắn thẻ của Vườn Quốc gia Côn Đảo, xin hãy thả và gọi điện về cho chúng tôi theo số điện thoại 064.830650. Với chúng tôi, những thông tin phản hồi này có ý nghĩa cực kỳ quý giá trong công tác nghiên cứu”

Nguyễn Thiêm
.
.
.