Thị trường xuất khẩu: Nhiều doanh nghiệp chưa hiểu hết Luật cạnh tranh

Thứ Hai, 19/10/2009, 08:31
Do tác động khủng hoảng kinh tế thế giới, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2009 giảm mạnh (giảm 14,3% so cùng kỳ 2008) và dự kiến cả năm giảm 9%-10%.

Ông Trương Đình Tuyển - Thành viên hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia cho rằng, tuy mức sụt có khác nhau nhưng Hoa Kỳ, Asean, EU, Nhật Bản vẫn là 4 thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam.

Bên cạnh đó, có 3 yếu tố quan trọng mà doanh nghiệp hết sức chú ý khai thác: Thứ nhất, nhiều mặt hàng lượng xuất khẩu tăng, ngay cả một số mặt hàng công nghiệp chế tạo chế biến, xuất khẩu cũng tăng hoặc sụt giảm không đáng kể như: Thủy tinh và sản phẩm thuỷ tinh tăng 23,6%, chè các loại tăng 13,1%, các mặt hàng máy tính và linh kiện điện tử, thiết bị và phụ tùng, dệt may mặc… ; một số loại hàng hoá có kim ngạch xuất khẩu lớn không giảm hoặc giảm không đáng kể như: Điện tử và máy tính, thiết bị và phụ tùng (bằng năm 2008), dệt may chỉ giảm 1%...; Thứ hai: Kim ngạch xuất khẩu vào Hoa Kỳ chỉ giảm 6,2% (so với mức 14,3% mức giảm chung và tỷ trọng thị phần của Hoa Kỳ trong tổng kim ngạch xuất khẩu không giảm, chiếm 18% so 17,9% cùng kỳ).

Nhiều mặt hàng xuất khẩu vào Trung Quốc tăng khá; Thứ ba: Doanh số hàng bán lẻ và tiêu dùng dịch vụ 9 tháng tăng 18,6%, nếu trừ tốc độ tăng giá mức tăng là 10% cao hơn năm 2008 là 2%. Ba nhận xét này nói lên, nếu năng lực cạnh tranh của sản phẩm được cải thiện chúng ta vẫn tăng được lượng xuất khẩu và tăng mức bán hàng trên thị trường nội địa...

Bà Trần Phương Lan - Trưởng ban Giám sát & Quản lý cạnh tranh - Bộ Công thương cho biết, thực tiễn thực thi Luật cạnh tranh cho thấy, pháp luật cạnh tranh là một công cụ pháp lý hữu hiệu để doanh nghiệp có thể tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong kinh doanh. Tuy nhiên, mức độ nhận thức Luật cạnh tranh, kể cả ý thức sử dụng công cụ Luật cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn ở mức khiêm tốn.

Năm 2008, Cục Quản lý cạnh tranh khảo sát mức độ nhận thức của cộng đồng đối với Luật cạnh tranh, kết quả cho thấy có đến 44,8% đối tượng phỏng vấn chưa biết Luật cạnh tranh; 96,6% trường hợp tiếp cận Luật cạnh tranh thông qua con đường tự tìm hiểu. Điều đáng nói là chỉ có khi nào "có vấn đề" thì doanh nghiệp mới cần đến cơ quan bảo vệ pháp luật và thường thì doanh nghiệp  không tìm đến Luật cạnh tranh...

Tính đến hết tháng 9/2009, Cục Quản lý cạnh tranh đã tiếp nhận, tiến hành điều tra và xử lý 12 vụ việc liên quan đến  hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Trong đó có 2 vụ liên quan đến vi phạm bán hàng đa cấp bất chính, 5 vụ liên quan đến hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh, 2 vụ liên quan đến việc gièm pha doanh nghiệp khác và 3 vụ liên quan đến việc khuyến mãi cạnh tranh không lành mạnh.

Trước thực trạng đó, bà Trần Phương Lan cũng muốn chuyển đến cộng đồng doanh nghiệp thông điệp: Nâng cao năng lực cạnh tranh để không bị thua trên sân nhà là điều kiện cần cho doanh nghiệp tồn tại và đứng vững trên thị trường. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần biết sử dụng các công cụ pháp lý, trong đó pháp luật cạnh tranh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước đối thủ cạnh tranh

Thuý Hà
.
.
.