Thị trường dược liệu đang bị thả nổi

Thứ Ba, 13/07/2010, 17:52
Việc thả nổi quản lý chất lượng trong chủng loại, chế biến và nhập khẩu là nguyên nhân dẫn đến dược liệu sản xuất trong nước không cạnh tranh nổi với dược liệu nhập ngoại. Theo lương y Đinh Công Bảy - Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP HCM: Tình trạng nhập khẩu dược liệu "rác", kém chất lượng tràn lan qua đường tiểu ngạch ở các cửa khẩu vùng biên dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng nhiều loại cây thuốc quý hiếm.

Theo điều tra của Viện Dược liệu, Việt Nam có khoảng 3.948 loài cây thuốc, 52 loài tảo biển, 75 loại khoáng vật, 408 loài động vật làm thuốc, trong đó, có nhiều loại có giá trị cao là dược liệu quý đã được thế giới công nhận như: Cây hồi, cây gió bầu, cây quế, atisô, sâm Ngọc Linh, cây tràm, hoa hòe, trinh nữ hoàng cung, giảo cổ lam… Tổng sản lượng dược liệu trồng ở Việt Nam ước tính hàng năm khoảng 3.000 -5.000 tấn. Với chủng loại và số lượng như vậy, Việt Nam được coi là nước có nguồn dược liệu rất đa dạng và phong phú.

Tuy nhiên, trên thực tế việc sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước để sản xuất, chế biến lại chưa tương xứng với tiềm năng hiện có và tỷ lệ này giảm dần theo các năm: Năm 2005 chiếm 25%, năm 2009 còn 15% và đến 4 tháng đầu năm 2010 giảm xuống còn 12%. Một điều cũng hết sức nghịch lý là, trong khi Việt Nam là xứ sở của hàng ngàn cây thuốc, nhưng vẫn phải nhập khẩu hơn 90% nguyên liệu dùng để sản xuất thuốc trong nước.

Theo TS Nguyễn Bá Hoạt - Phó Viện trưởng Viện Dược liệu, đã có trên 20 loại thuốc vốn đã nhập nội thành công ở nước ta và đã từng sản xuất đạt sản lượng lớn, nay cũng phải nhập khẩu trở lại như: bạch chỉ, bạch truật, đương quy, huyền sâm, ngưu tất, sinh địa, thục địa, xuyên khung,… Có khoảng 45 loài cây trồng là thế mạnh của Việt Nam cũng phải nhập khẩu như: bạch biển đậu (đậu ván trắng), binh lang (hạt cau), hoắc hương, xạ can, hồng hoa, xuyên tâm liên… Tình trạng này cũng xảy ra với 25 loại là cây thuốc mọc tự nhiên ở Việt Nam, đã từng khai thác xuất khẩu.

Một số loại dược liệu được bày bán trên thị trường.

Còn chất lượng dược liệu cũng là điều đáng lo ngại, theo nhiều chuyên gia, cho đến nay hầu hết dược liệu khi đến tay người tiêu dùng phải qua các khâu chế biến. Tuy nhiên, việc chế biến và chất lượng của dược liệu hiện nay rất đáng lo ngại cho sức khỏe của người tiêu dùng. Việc thả nổi quản lý chất lượng trong chủng loại, chế biến và nhập khẩu là nguyên nhân dẫn đến dược liệu sản xuất trong nước không cạnh tranh nổi với dược liệu nhập ngoại. Cũng theo lương y Đinh Công Bảy - Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP HCM: Tình trạng nhập khẩu dược liệu "rác", kém chất lượng tràn lan qua đường tiểu ngạch ở các cửa khẩu vùng biên dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng nhiều loại cây thuốc quý hiếm.

Trong khi các nước trên thế giới đã thu được nguồn thu lớn từ dược liệu và thuốc có nguồn gốc từ dược liệu thì tại Việt Nam việc trồng dược liệu hiện nay còn thiếu quy hoạch tập trung, thiếu sự hỗ trợ từ các ngành liên quan, khiến thị trường dược liệu không ổn định, cây dược liệu cũng không phát triển. Hơn nữa, cho đến nay vẫn chưa có một cơ quan chuyên môn nào đảm trách khâu kỹ thuật sản xuất, dẫn đến tình trạng các cây dược liệu trong nước không đảm bảo được năng suất, chất lượng, giá cả để cạnh tranh với dược liệu các nước… Ngoài ra, một nguyên nhân nữa khiến cho dược liệu trong nước khó cạnh tranh với dược liệu nước ngoài là do việc làm ăn gian dối của một số thương gia và hộ gieo trồng với những thủ thuật như: đánh bóng tam thất bằng chì, dùng diêm sinh sấy khô hoặc sấy khô không đúng quy trình kỹ thuật…

Để dược liệu trong nước không bị thua trên "sân nhà", cách làm cần thiết nhất hiện nay là phát triển chủng loại và mở rộng diện tích trồng cây thuốc để giảm dần nguồn nguyên liệu nhập khẩu và hướng tới xuất khẩu. Lương y Đinh Công Bảy cũng cho rằng, muốn làm được điều này, Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng phát triển, quy hoạch từng vùng trồng. Đồng thời giữ vai trò trung tâm xây dựng các cơ chế chính sách thông thoáng, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông liên kết hoạt động để phát triển những sản phẩm dược liệu hiệu quả. Nhà nước cũng cần có những biện pháp, chế tài nghiêm ngặt đối với những hành vi lợi dụng khai thác các nguồn dược liệu quý hiếm của Việt Nam sang nước ngoài để trục lợi. Ngoài ra, sự nỗ lực của các công ty sản xuất dược phẩm cũng là một động lực để thúc đẩy ngành Dược liệu Việt Nam phát triển

Thanh Ngà
.
.
.