Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc lấy ý kiến nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam:

Thi tốt nghiệp nếu không thực chất, có nên duy trì?

Thứ Năm, 01/08/2013, 09:51
Ngày 31/7, Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức hội nghị nhằm nêu lên ý kiến và kiến nghị của nhân dân với Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc về “Các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam hiện nay”.
>> 946.064 thí sinh tham dự thi tốt nghiệp THPT

Đến dự hội nghị có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm, cùng lãnh đạo Bộ GD&ĐT và nhiều nhà khoa học, nhà giáo, chuyên gia giáo dục, trí thức lớn…

Nhiều chủ đề giáo dục được dư luận quan tâm đã được nêu ra bàn thảo tại hội nghị như: “Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông”, “Giải pháp huy động và sử dụng nguồn lực cho sự nghiệp giáo dục – đào tạo”, “Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề, giáo dục TCCN, CĐ và ĐH”, “Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo”…

Giáo sư Hồ Ngọc Đại bày tỏ quan điểm về tầm quan trọng của cấp tiểu học, cấp học này cần phải “giữ nguyên trọn vẹn” cho các em được vui chơi, học hành theo đúng nghĩa, không áp lực, không quá tải. Do đó, GS kiến nghị, cấu trúc chương trình phổ thông nên thay đổi, tiểu học 6 năm, THCS chỉ cần 3 năm và THPT sẽ là 2 năm.

Kỳ thi tốt nghiệp rất sát với kỳ thi ĐH, khiến thí sinh và người nhà rất căng thẳng. Ảnh: Thiện Hoàng.

Nói về chính sách xã hội hóa giáo dục, về giáo dục đại học (GDĐH), GS Trần Phương, Hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và công nghệ cho rằng, GDĐH là con đường để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là môi trường để đào tạo chuyên gia chất lượng cao. Nhưng hiện nay, GDĐH phát triển dựa vào cái gì? 20% ngân sách cho giáo dục là nhiều rồi, không thể nhiều hơn được nữa, do đó, rất cần phải xã hội hóa giáo dục bằng việc mở thêm trường đại học, từ bỏ khuynh hướng đào tạo tinh hoa. Chúng ta cần học tập theo mô hình của Nhật Bản – 80% thanh niên được học ĐH, CĐ, trong đó chủ yếu là trường tư thục. Nhưng đáng tiếc là hiện nay, chính sách của Nhà nước đối với các trường tư thục rất kém, bất cập. GS Trần Phương kiến nghị, Nhà nước không được đánh thuế các trường ngoài công lập, vì như vậy là đánh thuế vào sinh viên, vì nguồn thu của trường ngoài công lập chính là học phí của sinh viên.

Đã từng xuất hiện tại nhiều hội nghị giáo dục, GS Nguyễn Minh Thuyết vẫn kiên trì với quan điểm cho rằng, hiện nay điều đáng báo động là quy mô đào tạo của chúng ta mất cân đối trầm trọng: KHTN chỉ có 18%, KHKT chỉ có 11%, trong khi KHXH chiếm 43%..; đồng thời, chúng ta thiếu tính sàng lọc trong tuyển sinh, trong quá trình đào tạo; luận văn, luận án, thủ tục nặng nề hơn nội dung.

GS Nguyễn Minh Thuyết chỉ ra nguyên nhân là do cơ quan nhà nước quá nôn nóng phát triển, rồi bệnh thành tích khiến học và dạy không thực chất. Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, giáo dục muốn cất cánh, phải có các giải pháp như: Có chính sách mới đảm bảo chất lượng đào tạo, có kiểm định chất lượng giáo dục và có cả việc xếp hạng chất lượng đào tạo…            

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã đánh giá cao các ý kiến, thể hiện nguyện vọng, tâm tư, trí tuệ của nhân dân ta đối với sự nghiệp giáo dục đào tạo. Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh, tại sao đất nước ta chậm đổi mới, tụt hậu xa hơn các nước trong khu vực, dù số người học ĐH, sau ĐH ngày càng đông. Phải chăng chúng ta đang lãng phí một nguồn lực rất lớn đối với GD&ĐT? Phó Chủ tịch nước cho rằng, GD&ĐT phải tạo ra những con người có chuyên môn, nhân cách của người Việt Nam, trong đó bậc học tiểu học là rất quan trọng, góp phần hình thành nhân cách của học sinh. Ở bậc đại học thì phải tạo ra những con người biết làm việc. Cách đào tạo hiện nay rất lãng phí vì sinh viên ra trường phải đào tạo lại. Như vậy, phải xuất phát từ mục tiêu của mỗi bậc học, để có phương pháp giảng dạy phù hợp, triệt để khắc phục cách dạy học đọc chép thụ động hiện nay. Phó Chủ tịch nước yêu cầu, đã đến lúc rà soát lại thật cụ thể từng bậc học một để đổi mới, đồng thời phải rà soát lại đội ngũ người thầy.

Nói về kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay, Phó Chủ tịch nước đề nghị Bộ GD& ĐT cần đánh giá về kỳ thi tốt nghiệp THPT, hiện nay tốt nghiệp đỗ cao như thế có thực chất không? Kỳ thi này rất sát với kỳ thi ĐH, khiến thí sinh và người nhà rất căng thẳng, vậy có nên bỏ thi tốt nghiệp không? Phó Chủ tịch nước còn đề nghị Bộ GD& ĐT đánh giá lại hiệu quả của hệ thống giáo dục ngoài công lập, sinh viên công lập – ngoài công lập còn nhiều bất bình đẳng, cần phải xem lại. Phó Chủ tịch nước yêu cầu ngành Giáo dục cần phải xem lại cả chính sách đối với nhà giáo và cách tuyển dụng…

Thu Phương
.
.
.