Thí sinh thi nhờ ở các trường tổ chức thi: Bộc lộ nhiều bất hợp lý

Thứ Năm, 11/07/2013, 22:52
Trong những ngày diễn ra kỳ thi tuyển sinh đại học sôi động, có một vấn đề được dư luận quan tâm, đó là số thí sinh đăng ký tham dự xét tuyển vào các trường không tổ chức thi ngày càng đông.

Theo quy định của tuyển sinh “3 chung”, những thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường không tổ chức thi vẫn bắt buộc phải tham dự kỳ thi, để có kết quả tham gia xét tuyển. Chỉ khác là, trường xét tuyển thí sinh không tổ chức thi cho các em, mà các em sẽ đăng ký thi ở một trường tổ chức thi để dự kỳ thi. Nói cách khác, các em đang đi thi nhờ. Các trường ĐH, CĐ có tổ chức thi phải nhận hồ sơ đăng ký dự thi, lệ phí đăng ký dự thi, lệ phí dự thi và tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh có nguyện vọng học tại các trường không tổ chức thi được dự thi…

Nhưng câu chuyện thí sinh thi nhờ đang “nóng” ở rất nhiều hội đồng tuyển sinh. Bởi lẽ, số thí sinh thi nhờ ngày càng nhiều. ĐH Công đoàn, số thí sinh thi nhờ năm nay lên đến mức kỷ lục: hơn 6.000 thí sinh. ĐH Ngoại thương, cả hai đợt cũng có đến hơn 2.000 thí sinh thi nhờ. ĐH Bách khoa cả hai đợt cũng ngót nghét 2.000 thí sinh thi nhờ. Các trường Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Thủy lợi, ĐH Kinh tế Quốc dân, Học viện Ngân hàng… đều có thí sinh thi nhờ. Trường nhiều thì hơn 1.000 hồ sơ, trường ít cũng vài trăm hồ sơ. Nếu tính tổng số 132 trường đại học, cao đẳng không tổ chức thi, thì số thí sinh thi nhờ lên tới hàng vạn thí sinh. Quả là một con số không nhỏ.

Nhưng vấn đề phát sinh bắt đầu từ đây. Đó là, gánh nặng lại dồn lên vai các trường tổ chức thi. Như ĐH Công đoàn đợt I có 9.691 thí sinh đến dự thi, nhưng số thí sinh thi nhờ lên đến 6.000 hồ sơ. PGS.TS Đinh Thị Mai, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, số thí sinh thi nhờ còn lớn hơn số thí sinh dự thi vào trường, bao gánh nặng về chi phí, sự tốn kém về tiền của, vật lực trường phải gánh chịu hết. Tính sơ sơ, ĐH Công đoàn lỗ khoảng 50.000 – 60.000 đồng/thí sinh. Năm nay, Bộ cho thu thêm 25.000 đồng/thí sinh cũng không giảm chi phí cho các trường là bao (vì chỉ thu được những thí sinh đã đến dự thi). Vì phát sinh 6.000 hồ sơ thi nhờ nên ĐH Công đoàn phải thuê thêm rất nhiều phòng thi (350.000 đồng/phòng thi), bố trí thêm giám thị, văn phòng phẩm phục vụ kỳ thi. Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Nguyễn Cảnh Lương cho hay, năm 2012, chỉ một thí sinh thi ở cụm Vinh, trường phải chi 88.000 đồng, trong khi thu được có hơn 60.000 đồng.

Còn PGS.TS Bùi Ngọc Sơn, Phó Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương chia sẻ với PV Báo CAND: “Nếu không có thí sinh thi nhờ, chúng tôi đủ giáo viên làm giám thị. Giờ có thí sinh thi nhờ, phải huy động thêm sinh viên làm giám thị, chắc chắn kinh nghiệm không thể bằng giáo viên. Một phòng thi, chúng tôi phải bù lỗ khoảng 3,3 triệu đồng. Rõ ràng, chúng tôi gánh cho các trường không tổ chức thi, nhưng mọi rủi ro thì chúng tôi phải chịu. Điều này quá bất hợp lý đối với các trường tổ chức thi”.

Thiết nghĩ, đã đến lúc Bộ GD&ĐT phải tính lại bài toán này. Cũng vì quá bức xúc mà cách đây 2 năm, ĐH Bách khoa tuyên bố không cho thí sinh thi nhờ. Hiện nay, rất nhiều trường tổ chức thi đều kiến nghị: Các trường không tổ chức thi đều có năng lực đào tạo thì đều có thể tổ chức thi tuyển. Trong trường hợp, nếu ít thí sinh đăng ký thì trường không tổ chức thi vẫn phải tiếp nhận hồ sơ thí sinh, sau đó hợp đồng với trường tổ chức thi để họ tổ chức thi hộ giúp (có cả hợp đồng về chi phí vật chất) nhằm san sẻ trách nhiệm tuyển sinh với các trường, góp phần tạo sự bình đẳng trong sân chơi “3 chung”

Tuấn Minh
.
.
.