Thí sinh đến làm thủ tục thi giảm mạnh

Thứ Ba, 03/07/2007, 14:12

Sáng nay, thí sinh dự thi ĐH khối A, V đã tập trung làm thủ tục dự thi và nghe phổ biến quy chế. Tuy không có sai sót nhiều về hồ sơ nhưng cả thí sinh và nhà trường đều có sự lo lắng. Ghi nhận ban đầu tại một số trường, thí sinh đến làm thủ tục chỉ đạt khoảng 60%.

Theo thống kê sơ bộ của các trường, năm nay sai sót về hồ sơ của thí sinh giảm hẳn, ít phải sửa chữa, các giám thị chỉ tập trung phổ biến về quy chế thi và hướng dẫn thi trắc nghiệm. Tuy vậy, các trường vẫn dành cả ngày hôm nay để các thí sinh đến muộn hoặc có thắc mắc gì trường sẽ giải quyết.

Dành cả ngày để chờ thí sinh

Điều làm các trường lo lắng nhất là số thí sinh đến đăng ký dự thi giảm rất nhiều so với năm trước, do thí sinh trượt tốt nghiệp khá nhiều.

Ông Bùi Duy Cam, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: “Thí sinh đến đăng ký dự thi vào trường chỉ đạt khoảng trên 50%, giảm rất nhiều so với năm ngoái. Số lượng giảm này, tuy chúng tôi đã lường sau kỳ thi tốt nghiệp nhưng vẫn rất bất ngờ”. Được biết, số thí sinh đăng ký dự thi vào trường là 5.601.

Tại Đại học Nông nghiệp I, tuy các cụm vẫn chưa thống kê hết số thí sinh đến làm thủ tục dự thi nhưng theo bà Nguyễn Thị Mai, cán bộ Phòng đào tạo của trường, có khoảng hơn 50% thí sinh có mặt trong tổng số trên 50.000 hồ sơ đăng ký. Được biết, số thí sinh đăng ký vào trường ĐH Nông nghiệp I đều thuộc khu vực 2 nông thôn.

Tính đến hết sáng nay, Học viện Hành chính Quốc gia đón gần 60% thí sinh đến làm thủ tục so với số lượng đăng ký.

Tình hình ở Đại học Mở địa chất Hà Nội có vẻ khả quan hơn, đã có khoảng 67% thí sinh đến làm thủ tục thi trên tổng số 12.567 thí sinh đăng ký dự thi.

Một cán bộ Ban Chỉ đạo tuyển sinh của trường cho biết: “Số thí sinh đến dự thi năm nay giảm so với năm trước khoảng 6% nhưng so với các trường khác là vẫn cao. Chúng tôi không sợ lỗ như ban đầu dự kiến”.

Lo nhất là thi trắc nghiệm

Do một cơn mưa to ập tới bất ngờ vào sáng sớm nay nên nhiều thí sinh đã không đến tập trung kịp lúc 8h ở các địa điểm thi Hà Nội. Thí sinh Lê Văn Hùng quê Tiền Hải, Thái Bình thi vào khoa Toán - Tin, ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội cho biết: “Sáng em đã đi trước gần nửa tiếng mà vẫn bị muộn vì trời mưa quá to. Tuy vậy, các giám thị vẫn chờ chúng em đến mới hướng dẫn quy chế thi”.

Hùng cho hay, cả phòng thi của em có 21 thí sinh đến đăng ký, vắng khoảng hơn 10 bạn. Tuy giảm được gánh nặng tỷ lệ “chọi”, nhưng Hùng rất lo lắng vì em chưa quen lắm với các môn thi trắc nghiệm.

Cùng tâm trạng lo lắng như Hùng, Nguyễn Thị Mơ, quê Kim Thành, Hải Dương cho biết: “Đa số các bạn em trượt tốt nghiệp là do chưa hiểu hết về thi trắc nghiệm, nên khi làm bài còn lúng túng. Tuy đã qua cửa ải tốt nghiệp, nhưng đi thi đại học em vẫn lo nhất là môn trắc nghiệm. Sáng nay mặc dù đã nghe giám thị phổ biến cặn kẽ về hình thức thi này, nhưng em vẫn… run”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết rất nhiều em thí sinh ở các tỉnh miền núi phía Bắc đều lo nhất môn thi trắc nghiệm vì chưa được cọ xát nhiều. Ngược lại, với các thí sinh ở các thành phố lớn như Hà Nội thì lại khá tự tin.

Phan Hà Dũng, học sinh trường THPT Chu Văn An cho biết: “Ở trường em đã được làm quen với hình thức thi này từ rất lâu rồi nên em không lo mà lại thích làm bài thi trắc nghiệm”.

Theo giám thị Nguyễn Trường Sinh, ĐH Mỏ Địa chất Hà Nội: “Tuy không có sai sót về hồ sơ nhưng các thí sinh lại hỏi rất nhiều về thi trắc nghiệm như: Đề thi có bao nhiêu câu, cách tô như thế nào…”. Cũng theo giám thị này thì hướng dẫn thi trắc nghiệm của Bộ GD-ĐT vẫn còn chồng chéo với tự luận nên nhiều giám thị vẫn chưa hiểu hết để phổ biến cho thí sinh.

Chiều qua 2/7, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long đã ký văn bản gửi Hội đồng tuyển sinh các trường ĐH, CĐ quy định 14 loại máy tính được mang vào phòng thi là Casio FX 95, FX 220, FX 500A, FX 500 MS, FX 570 MS, FX 570 ES; Sharp EL 124A, EL 250S, EL 506W, EL 509WM; Canon FC 45S, LS 153TS, F710 và F720.

Khi vào phòng thi, thí sinh chỉ được mang vào phòng thi bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính, máy điện tử không có thẻ nhớ và không soạn thảo được văn bản.

Khi thí sinh mang máy tính điện tử cầm tay nhãn hiệu khác, Bộ GD-ĐT đề nghị Hội đồng tuyển sinh chủ động kiểm tra và giải quyết

Theo Hồng Hạnh (Dân trí)
.
.
.