Thị sát đường biên cùng lính chống buôn lậu

Chủ Nhật, 02/01/2011, 14:14
Năm nào cũng vậy, cứ tới giáp Tết Nguyên đán, tại khu vực biên giới Lạng Sơn, tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu lại "nóng" và các lực lượng chức năng của tỉnh lại phải vất vả đấu tranh nhằm hạn chế đến mức thấp nhất vấn nạn này. Và nhóm phóng viên Báo CAND đã có mặt tại Lạng Sơn vào những ngày cuối cùng của năm 2010, theo chân các lực lượng chức năng của tỉnh để thấu hiểu những khó khăn, vất vả, hiểm nguy mà họ đang phải đối mặt.

Chặn hàng lậu ở đường biên

Bất chấp nhiệt độ xuống tới 3 - 5 độ C, trong cái lạnh cắt da cắt thịt của sương muối và mưa phùn cộng với từng đợt gió Bắc hun hút thổi cũng không làm nhụt chí các chiến sỹ Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn đêm ngày tuần tra, kiểm soát truy bắt hàng nhập lậu suốt chiều dài 231,5km (chưa kể hàng trăm đường mòn). Trong nội địa, trên tất cả các cung đường, lực lượng Công an và cơ quan Quản lý thị trường tỉnh cũng vô cùng vất vả trong cuộc chiến ngăn chặn dòng chảy của hàng nhập lậu từ bên kia biên giới.

Để ngăn chặn nạn vận chuyển hàng lậu có hiệu quả, kể từ ngày 27/12/2010, Đồn Biên phòng cửa khẩu Hữu Nghị đã dựng thêm 6 lán dã chiến, chốt chặn 4km đường biên thuộc xã Văn Lãng, huyện Tân Thanh. Không chỉ có 4km đường biên, Đồn Biên phòng cửa khẩu Hữu Nghị còn phải "quản lý" hàng chục đường mòn, đường tắt mà bọn buôn lậu thường sử dụng để vận chuyển hàng lậu.

PV Báo CAND cùng cán bộ Phòng CSKT - Công an Lạng Sơn, Công an huyện Cao Lộc theo chân các chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Hữu Nghị đi tuần tra đường biên.

Vì sát với biên giới Lũng Quang, Lũng Nghị, Trung Quốc, cùng cửa khẩu Hữu Nghị và ga Đồng Đăng, nên các đối tượng vận chuyển hàng lậu đang khai thác triệt để "thế mạnh" này. Các đầu nậu thường tập kết hàng ở những khe núi bên kia biên giới và chỉ chờ thời cơ thuận tiện là lập tức chuyển hàng để cửu vạn đưa về địa điểm đã định. Chính bởi vậy, 6 lán dã chiến vừa được dựng lên nhằm tạo thuận tiện hơn cho việc tuần tra kiểm soát của các chiến sỹ Biên phòng. Mỗi lán có một tổ công tác cùng chó nghiệp vụ tuần tra kiểm soát 24/24 giờ. Ngay sau khi nghe đề xuất của nhóm PV Báo CAND, Thượng tá Phạm Quốc Huy, Chỉ huy Đồn Biên phòng cửa khẩu Hữu Nghị đã thể hiện sự nhiệt huyết và hiếu khách của mình - trực tiếp dẫn chúng tôi tới những lán dã chiến kể trên.

Để tới được lán dã chiến phải vượt qua đoạn dốc núi đá, gần như thẳng đứng và đó cũng là sự thử thách lòng kiên trì của những người không thường xuyên đi bộ như chúng tôi, nhưng đối với Thượng tá Phạm Quốc Huy thì đó gần như là công việc hằng ngày của anh. Bởi đã quá quen với công việc tuần tra, nên bước chân của anh cứ thoăn thoắt, trong khi chúng tôi dù cố gắng vẫn bị tụt lại phía sau. Sau khi leo hơn 1km đường núi, chúng tôi đến lán dã chiến thứ nhất mới được dựng ở khu "Thác Ném", thuộc xã Nam Quan, thị trấn Đồng Đăng. Ở lán này có 4 chiến sỹ cùng một chú chó nghiệp vụ thay phiên nhau ứng trực 24/24h. Lán trưởng Trần Chí Kiên là một chiến sỹ còn khá trẻ, khi biết có đoàn của Báo CAND đến, anh đã ra đón chúng tôi.

Đồng chí Trần Chí Kiên chia sẻ, suốt từ đêm qua đến giờ (29/12/2010), anh và đồng đội chưa hề được chợp mắt bởi những ngày gần đây, các đối tượng đầu nậu đang hoạt động vô cùng ráo riết, nhất là ở khu vực "Thác Ném", một trong những tụ điểm nóng nhất của tình trạng "ném hàng". Chúng ném hàng bất kể ngày hay đêm, bất kể thời tiết nắng mưa, hễ tăm tia thấy vắng bóng lực lượng chức năng là chúng ào ào hàng xuống và khi đó có hàng trăm cửu vạn chờ sẵn để chuyển hàng đến điểm tập kết.

Trần Chí Kiên cho biết, chỉ riêng đêm hôm trước (28/12), các anh đã bắt được 4 vụ vận chuyển hàng lậu. Khi trời nhập nhoạng tối, các đối tượng tưởng đó là giờ lực lượng Bộ đội Biên phòng nghỉ giao ca và ăn tối, nên chúng bắt đầu hoạt động. Nhưng tại thời điểm đó, tổ tuần tra đang ém quân trong các hốc núi ở khu vực mốc 1110. Khoảng 19h, trên núi tối đen như mực, sương mù và mưa bụi bay kín trời khiến việc theo dõi vô cùng khó khăn, nhưng các anh vẫn phát hiện những ánh đèn pin lấp lóa, sau đó là tiếng bước chân chạy rầm rập. Khi âm thanh này tiến lại gần, các anh phát hiện có 3 bóng đen đang vác trên vai những tải hàng lớn liền ập đến bắt giữ. Số hàng mà nhóm này đang mang vác có trọng lượng 1,4 tạ, bên trong là đầu karaoke…

PV Báo CAND tại một lán trại dã chiến của Bộ đội Biên phòng.

Thượng tá Phạm Quốc Huy cho biết, việc bắt hàng lậu đã khó, nhưng để chuyển số hàng này về địa điểm thu giữ còn khó hơn rất nhiều bởi cửu vạn hoạt động rất chuyên nghiệp và manh động - nếu bị lực lượng chức năng bắt giữ, thu hàng, họ lập tức huy động hàng chục, thậm chí hàng trăm người đến quây tổ công tác để cướp lại hàng. Chính vì thế nên ngay sau khi bắt được hàng lậu, các chiến sỹ của lán dã chiến đã phải nhanh chóng đưa hàng quay lại mốc 16 (đi theo hướng đường mòn Cốc Nam) để tránh bị cướp hàng.

Thượng tá Phạm Quốc Huy cho biết, vì nạn vận chuyển hàng lậu cuối năm tiếp tục gia tăng, nên Ban chỉ huy Đồn Biên phòng cửa khẩu Hữu Nghị đã quyết định dựng thêm một lán dã chiến nữa vào chiều 29/12/2010 ở khu Vườn Na, cách lán chúng tôi đứng chân khoảng 1km. Tuy đã có 7 lán dã chiến được dựng dọc triền núi, nhưng công tác tuần tra, truy bắt hàng lậu và đưa về điểm thu giữ an toàn vẫn là một thách thức không nhỏ của các chiến sỹ biên phòng.

Nếu không đến tận nơi chứng kiến cảnh sinh hoạt, cũng như điều kiện làm việc của các chiến sỹ Công an tỉnh Lạng Sơn (được tăng cường, phối hợp) và Đồn Biên phòng, chúng tôi thực khó hình dung sự gian khổ mà các anh đã và đang trải qua. Không chỉ anh em chiến sỹ ở các lán dã chiến, mà cả các chiến sỹ Công an tỉnh đang ngày đêm "cắm chốt" tại đây đều "ăn tranh thủ, chợt mắt khẩn trương" bởi nếu không các đối tượng buôn lậu sẽ "chiếm lĩnh trận địa" và việc giải quyết hậu quả sẽ khó khăn hơn nhiều.

Thượng tá Phạm Quốc Huy khẳng định, trong thời gian qua, nhất là trong mấy ngày gần đây, các anh đã nhận được sự phối hợp, giúp đỡ nhiệt tình của nhiều cơ quan chức năng, đặc biệt là của các chiến sỹ Công an huyện Cao Lộc. "Công việc của các chiến sỹ Công an Cao Lộc là hậu thuẫn phía sau, nhưng khi cần thiết các anh luôn chi viện ngay, để các chiến sỹ Biên phòng yên tâm với nhiệm vụ của mình nơi biên cương", Thượng tá Phạm Quốc Huy nhấn mạnh. Chính bởi sự phối hợp nhịp nhàng của các lực lượng chức năng, nhất là Công an và Bộ đội Biên phòng nên đến thời điểm hiện nay, tình trạng vận chuyển hàng lậu ở tỉnh Lạng Sơn đã được hạn chế đáng kể.

Hàng vẫn được chất đống trên các khoang tàu tại ga Đồng Đăng (ảnh chụp lúc 13h ngày 29/12/2010).

Quyết liệt, đồng bộ mới mong hiệu quả 

Sau khi hàng lậu lọt lưới vào nội địa sẽ đi qua huyện Cao Lộc, khu vực nổi tiéng với các địa danh từng gây xôn xao dư luận như Hang Dơi, Khơ Đa, Cổng Trắng… nhưng hiện tại tình hình đã khác trước nhiều. Một số đầu nậu đã trả lương cao cho "chim lợn" - những kẻ chuyên săn tin về tình hình hoạt động của các lực lượng chức năng để thuận lợi trong việc vận chuyển hàng lậu.

Có mặt ở Cổng Trắng vào khoảng 22h hôm 28/12/2010 cùng với anh em trinh sát của Đội CSĐT tội phạm về TTQLKT & CV, Công an huyện Cao Lộc, chúng tôi vừa tận hưởng cái rét cắt thịt, vừa tận mắt chứng kiến cảnh "chim lợn" hoạt động. Ngay sau khi thấy xe lạ xuất hiện trong khu vực do mình quản lý, một "chim lợn" lập tức bám theo chúng tôi, đồng thời phát tín hiệu cảnh báo nên chỉ mấy phút sau, khu vực này đột nhiên náo nhiệt bất thường cho dù màn đêm vẫn bao trùm Cổng Trắng. Tất cả các nhà dọc hai bên đường bật sáng đèn hiên - tín hiệu báo cho các đối tượng ở bên kia núi không xuống hàng vì khu vực này "đang nguy hiểm". Cùng thời điểm đó, những ánh đèn pin đang lấp lóa trên đỉnh núi bỗng tắt ngóm - tín hiệu báo cho cửu vạn ngừng vận chuyển hàng, chờ thời cơ khác…

Vì mục tiêu quan sát bỗng nhiên biến mất khiến chúng tôi tò mò - tại sao chẳng thấy chiếc xe Minsk nào chạy trên phố? Không để chúng tôi phải chờ lâu, anh em trinh sát Cao Lộc cho biết, một trong những kết quả được coi là lớn nhất trong đấu tranh với nạn buôn bán, vận chuyển hàng lậu của huyện chính là việc ra quân thu giữ toàn bộ xe Minsk chở hàng. Tuy loại xe này đã cũ, nhưng vẫn được các đối tượng vận chuyển hàng coi là "phương tiện vua" bởi có thể chở được 3,5 tạ hàng, gần bằng một chiếc xe tải nhỏ. Ngoài ra, họ có thể chạy với tốc độ cao để trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng, gây nguy hiểm đến tính mạng của người điều khiển và các phương tiện tham gia giao thông khác.

Được biết, từ cuối năm 2009 và đầu năm 2010, Công an huyện Cao Lộc đã thu giữ gần như toàn bộ loại xe này khiến lượng hàng vận chuyển qua huyện Cao Lộc giảm đáng kể. Lãnh đạo Công an huyện Cao Lộc cho biết, lãnh đạo Công an tỉnh đã chỉ đạo không để xuất hiện những tụ điểm tập kết hàng lớn trên địa bàn khiến cho các đối tượng đầu nậu không có cơ hội để tuồn hàng vào nội địa.

Để có kết quả kể trên không thể bỏ qua sự góp sức của Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV (PC46), Công an tỉnh Lạng Sơn. Tại buổi làm việc hôm 29-12 với chúng tôi, Thượng tá Dương Công Mạnh, Phó trưởng Phòng PC46 cho biết, nạn vận chuyển hàng lậu trên tuyến đường sắt những ngày giáp Tết đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là tuyến Đồng Đăng - Hà Nội. Hằng ngày, cứ vào khoảng 13h là hàng trăm cửu vạn bắt đầu ào vào mang vác hàng nhập lậu tại khu vực sân ga. Đa phần trong số này đều là đối tượng tù tha, không công ăn việc làm, họ vác hàng và bảo kê hàng cho các đầu nậu. Không để tình trạng này tiếp diễn, lãnh đạo Phòng PC46 đã lên phương án hành động.

Từ 22h ngày 22/12/2010, tất cả CBCS của Phòng PC46 đã có mặt tại trụ sở làm việc. Nhưng để toàn bộ anh em có mặt tại địa điểm xuất kích không phải chuyện dễ dàng bởi "chim lợn" có mặt 24/24h trước cổng trụ sở Công an tỉnh.

Để giữ bí mật, từng CBCS lần lượt đến cơ quan và đến 2h ngày 23/12, mặc cho "chim lợn" yên trí là lực lượng Công an đang họp đột xuất tại cơ quan, hàng chục CBCS của Phòng PC46 đã theo lối cửa phụ ra ngoài bằng nhiều phương tiện klhác nhau như taxi. Kế hoạch được giữ bí mật đến phút cuối bởi chỉ cần sơ hở một chút là "chim lợn" sẽ thông báo để bọn đầu nậu tẩu tán hàng.

Ngoài ra, tổ công tác còn đánh lạc hướng "chim lợn" ở khu vực gần ga khi "diễn tập" ở khu vực ngã tư Hồng Phong. Và khi hiệu lệnh phá án phát ra, tất cả các mũi trinh sát đã có mặt tại ga Đồng Đăng (cách ngã tư Hồng Phong 2km) trong thời gian nhanh nhất. Tại đây, Công an huyện Cao Lộc cũng đã chờ sẵn để bao vây toàn bộ khu nhà đa chức năng ở ga Đồng Đăng khiến các đầu nậu và hệ thống "chim lợn" bất ngờ đến ngỡ ngàng. Những lô hàng tạp hóa, đồ gia dụng nhập lậu từ bên kia biên giới với tổng trị giá hơn 600 triệu đồng đã bị thu giữ.

Trước đó (10/12), cũng tại ga Đồng Đăng, Phòng PC46 đã bắt giữ một lượng hàng nhập lậu lớn với tổng trị giá khoảng 300 triệu đồng. Sau hai trận "tổng tấn công" kể trên, đến 13h ngày 30/12, khi có mặt tại sân ga Đồng Đăng, theo ghi nhận của nhóm PV Báo CAND thì tình trạng nhốn nháo như trước kia tuy không còn - hàng trăm cửu vạn vác hàng lên các toa tàu, nhưng sự phức tạp vẫn tiềm ẩn.

Ông Nguyễn Thắng Lợi, Phó Giám đốc Sở Công thương, Chi cục trưởng QLTT tỉnh Lạng Sơn cho biết, sở dĩ nạn buôn bán, vận chuyển hàng lậu vẫn "nóng" bởi các đầu nậu biết tận dụng triệt để việc hợp thức hóa chứng từ, hóa đơn, khiến QLTT gặp khó khăn trong công tác quản lý. Ông Nguyễn Thắng Lợi cũng khẳng định, nếu không có sự trợ giúp đắc lực của lực lượng Công an tỉnh thì QLTT sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ bởi họ chỉ có 108 nhân viên, cửu vạn và đầu nậu luôn tìm mọi cách cản trở, chống phá...

Quốc Trung - Hương Giang
.
.
.