Thi nhau chặt chém tại Lễ hội Vía Bà Chúa xứ Núi Sam (An Giang)

Thứ Năm, 06/03/2008, 16:38
Biết được tâm lý của du khách đến với lễ hội vía Bà Chúa xứ Núi Sam thường rất mê tín, xin xăm, xin quẻ nên hàng trăm "đệ tử cò" của các "thầy, bà" sẵn sàng làm cò mồi du khách. Như những năm trước giá 50 ngàn đồng cho mỗi phiếu xăm gieo quẻ thì mùa lễ hội năm nay tăng lên 80 nghìn đồng.

An Giang có điều kiện phát triển du lịch hơn các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bởi kỳ quan thiên nhiên mà đặc biệt là vùng Bảy Núi hay còn gọi là Thất Sơn. Dãy Thất Sơn từ lâu nổi tiếng về cảnh quan núi non hùng vĩ và những câu chuyện tâm linh huyền bí gắn liền với những lễ hội dân gian đặc trưng của vùng.

Là 1 trong 56 chương trình của Năm du lịch Quốc gia Mekong - Cần Thơ 2008, lễ hội Vía Bà Chúa xứ Núi Sam đã bắt đầu khai mạc từ ngày 4/3 (nhằm ngày 27 tháng Giêng). Nhiều năm trước, mùa lễ hội Vía Bà Chúa xứ Núi Sam lượng khách đã rất đông, năm nay lưu lượng khách càng đông hơn khiến tình hình trật tự ở phường Núi Sam (thị xã Châu Đốc) hết sức phức tạp.

Tai nạn giao thông rình rập

Nghe vùng Núi Sam thắng cảnh rất đẹp và nơi đây còn thờ cúng Bà Chúa xứ và các vị thần thánh rất linh thiêng nên chị Trân Thi Kim Loan (chủ quán cafe Sao Băng ở TT Đức Hòa, Long An) tổ chức cho những người thân trong gia đình đi du lịch và cũng là dịp hương khói vía Bà, xin lộc đầu năm.

Lộc đâu chưa thấy nhưng tai nạn thảm khốc đã ập đến với đoàn du khách này. Khoảng 2h50', ngày 3/3, khi chiếc xe 16 chỗ ngồi, mang BKS 62L-6190 (chở đoàn khách của gia đình chị Loan) do tài xế Lê Ngọc Thắng (20 tuổi, ngụ 126, khu vực 5, TT Đức Hòa, Đức Hòa, Long An) điều khiển mới chạy đến đoạn QL91 (đoạn ấp Bình Hưng 1, Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) bất ngờ đâm thẳng vào phía sau xe tải nặng BKS 67L-1855 (đang lưu thông cùng chiều) khiến du khách ngồi kế tài xế chết ngay tại chỗ (trong đó có một cháu bé mới 4 tuổi) và 12 người khác trên xe bị thương phải nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa An Giang. 

Một thực trạng đáng lo ngại trong mùa lễ Vía Bà Chúa xứ Núi Sam là tình hình TNGT trên tuyến QL91 (đường Núi Sam, Châu Đốc và đến tận cửa khẩu Tịnh Biên). Bởi, trên tuyến quốc lộ này nhiều nơi chưa được nâng cấp mở rộng và tu sửa, trong khi đó lưu lượng xe trong những ngày bình thường đã quá tải thì trong những ngày lễ lượng khách ở các tỉnh từ Miền Đông Nam bộ, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực ĐBSCL đổ về núi Sam rất đông.

Đa phần các du khách đi bằng xe ôtô nên càng làm cho tình hình giao thông trên tuyến QL91 càng trở nên phức tạp. Chưa kể trên tuyến này nổi tiếng buôn lậu thuốc lá với những chiếc xe chở thuốc lá lậu chạy bạt mạng.

Có mặt tại phường Núi Sam (thị xã Châu Đốc) trong những ngày đầu mùa lễ hội chúng tôi không thể tin được lưu lượng xe ôtô và người tràn cả ra QL91 và nhiều tuyến đường nội thị nơi đây, chưa kể tình hình mua bán hàng rong, bói toán, cò bắt khách ở các nhà nghỉ cũng tràn ra đường.

Cò nhà nghỉ, hàng mã, thức ăn, xem bói… tất cả đổ ra đường! 

Bình quân mỗi năm có khoảng gần hai triệu lượt du khách đến với Châu Đốc leo Núi Sam để lên đỉnh cúng vía miếu Bà Chúa xứ. Vì vậy, khách du lịch đến với miếu Bà Chúa xứ phải nghỉ lại dưới chân núi và bao quanh chân núi là một quần thể nhà nghỉ cũ kỹ và mất trật tự.

Những "cò" nhà nghỉ chặn xe "mời gọi" khách ngay giữa đường (ảnh trái). Quần áo, hàng mã, quà lưu niệm... bày bán tràn ra đường.

Khi chúng tôi đảo một vòng quanh thì có rất nhiều cò đổ xô ra đường mời gọi tranh giành giới thiệu các nhà nghỉ sang trọng của mình. Một tay cò ẻo lả có giọng nói "xăng pha nhớt" lao thẳng ra đường, chặn đầu xe mời: "Vào nhà nghỉ của em đi, đảm bảo sạch, an toàn, thoáng mát, em út cũng có nhưng không giải quyết tại chỗ mà đi chỗ khác".

Vào mùa lễ hội cũng là thời điểm để các nhà nghỉ tha hồ mà chém. Vào lúc cao điểm của lễ hội, do lượng khách quá đông nên các nhà nghỉ ở vùng Núi Sam lấy giá có khi lên đến 400 nghìn/đêm, du khách lỡ đã đến thì không còn con đường nào khác là phải chấp nhận.

Ngoài việc hệ thống nhà nghỉ nơi đây tha hồ đẩy giá cao gấp 3 - 4 lần thì còn một thực trạng khác mà du khách phải chịu là các dịch vụ ăn uống giải khát cũng cắt cổ không kém tí nào. Bởi vậy, hình ảnh hàng trăm du khách không kiếm được chỗ nghỉ đã mượn luôn cả khuôn viên miếu Bà Chúa xứ, nằm la liệt giữa chốn linh thiêng rất phản cảm.

Dọc các tuyến đường nội thị của phường Núi Sam và cũng là dưới chân núi, tình trạng mua bán hàng ăn thức uống, hàng mã thờ cúng, quà lưu niệm, quần áo cũ… cũng tràn lấn luôn ra cả lòng, lề đường, gây mất TTATGT.

Nhiều mặt hàng bày bán ngoài đường kém chất lượng, hàng giả, hàng quá đát nhưng giá cả được thổi phồng đến mức nghe qua là chóng mặt, vậy mà có rất nhiều du khách đổ xô mua.  

Tình trạng xem bói, tướng số, mê tín dị đoan tại khuôn viên miếu Bà Chúa xứ diễn ra rất công khai, thậm chí có cả bảng hiệu quảng cáo tài năng và bố trí rất nhiều nơi từ cổng vào đến trong miếu.

Ngay chùa Tân An (một trong ba ngôi chùa của khu miếu Bà) có treo bảng tuyên truyền "bài trừ mê tín dị đoan" rất to nhưng phía hai bên đường vào thì "các thầy bói" nằm sát nhau theo một dọc.

Biết được tâm lý của du khách đến với lễ hội vía Bà Chúa xứ Núi Sam thường rất mê tín, xin xăm, xin quẻ nên hàng trăm "đệ tử cò" của các "thầy, bà" sẵn sàng làm cò mồi du khách. Như những năm trước giá 50 ngàn đồng cho mỗi phiếu xăm gieo quẻ thì mùa lễ hội năm nay tăng lên 80 nghìn đồng.

Với một quẻ, du khách có thể được "các thầy" giải nguy cho đủ thứ "hạn", từ giàu sang, sức khỏe, hiếm muộn… chuyện gì thầy bà cũng "giải" được. Thậm chí, chuyện hạnh phúc gia đình vợ chán chồng, chồng chán vợ… cũng được các thầy cho bùa để ly hôn hoặc "trói giò" để giữ nửa trái tim kia ở lại và thời hiệu linh nghiệm của các quẻ theo quảng cáo là rất nhanh từ 1 đến 3 tuần là hiệu quả ngay.

Chỉ mới ngày đầu diễn ra lễ hội Vía Bà Chúa xứ Núi Sam, chúng tôi ghi nhận tình hình trật tự nơi đây rất phức tạp. Đề nghị chính quyền địa phương tỉnh An Giang cần nhanh chóng có những giải pháp lập lại trật tự tại nơi đây để một trong những điểm tham quan của năm du lịch quốc gia không bị mất đi phần thiện cảm trong lòng du khách

Nam Giao
.
.
.