Theo dấu bẫy thú rừng

Thứ Tư, 04/08/2010, 18:12
Một người chuyên bẫy chim thú cho hay: "Thú rừng còn sống nguyên vẹn mới được giá, nếu bị gãy chân, dập đầu, thì mổ bỏ phủ tạng nhưng phải giữ nguyên bộ lông để chứng minh là thú rừng. Thời điểm này đầu nậu thu mua từ người bẫy thú rừng mỗi cân thịt chồn ngận, chồn dơi từ bảy đến chín chục ngàn đồng, chồn đèn trên dưới hai trăm, chồn mướp trên ba trăm ngàn, còn heo rừng 250.000 đồng".

Thịt rừng là nhóm đặc sản khoái khẩu được nhiều thực khách quan tâm khi đến với những bữa tiệc ở các nhà hàng. Nhiều tay dân nhậu sành điệu còn cẩn trọng kiểm tra và từ chối nếu như phát hiện thực đơn không phải là thú rừng tự nhiên. Chính vì vậy thú rừng thứ thiệt không chỉ đắt tiền hơn thú rừng nuôi, mà còn là mục tiêu thu hút nhiều người len lỏi vào rừng cài đặt cạm bẫy, khiến cho thú rừng luôn đối mặt với nguy cơ cạn kiệt.

Chuyện kể của người trong cuộc

Vượt qua những con dốc uốn lượn trên con đường Tỉnh lộ 643 gập ghềnh sỏi đá và bụi đất bazan, tôi lên thôn Suối Phèn, xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên giữa buổi sáng đầu tháng 8.

Sau một hồi thuyết phục, anh Mười Đóng - chủ quán cà phê ven lộ, có hơn chục năm theo nghề bẫy chim thú kể: "Quê tui ở huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Thời niên thiếu có vài lần theo người quen đi bẫy chim chóc, chồn, thỏ. Sau khi lập gia đình, tui đưa vợ  lên đây lập nghiệp hơn 15 năm nay. Cuộc sống những năm tháng đầu còn nhiều khó khăn chật vật, khiến tui vào nghề giăng bẫy chim thú để kiếm cơm".

Người giăng bẫy thú hớn hở khi vừa bắt được con chồn.

Thời đó ra khỏi xóm hơn cây số đã tới rừng tự nhiên với nhiều loại chim thú. Ngoài mấy người dân địa phương còn có nhiều nhóm khác từ đồng bằng dạt lên, mang theo nhiều loại bẫy thú. Lúc đầu Mười Đóng chỉ đánh bẫy chim chào mào bằng lưới nilon giăng ở những rẫy mía để "đón" cả bầy chim bay về sau một ngày kiếm ăn. Mỗi đêm thu được năm, bảy chục con, nhưng có đêm cả trăm con chim sa bẫy. Dân buôn lùng mua đưa về phố bán với giá rất cao. Khi nhìn thấy nhiều nhóm người "săn" được nai, heo, hoẵng, chồn, nhím bằng chiếc bẫy cấu tạo bởi hai thanh sắt và một sợi dây cáp thép, Mười Đóng về quê mua bẫy kẹp do thợ cơ khí ở Bình Định sáng chế, trông rất đơn giản, nhưng bất kỳ con thú lớn nào dẫm phải đều khó thoát thân.

Mùa bẫy heo rừng từ mùa đông cho đến hết tháng Giêng mỗi năm, người đi bẫy phải có chút kinh nghiệm về đặc tính, dấu vết của từng loại thú, phương pháp ngụy trang che giấu bẫy. Ví như khi trời lạnh heo rừng thường chui vào lau lách, đến mùa thu hoạch sắn, chúng thường lẻn ra những nương rẫy ven núi kiếm ăn…

Nói thì dễ, nhưng khi vào nghề mới thấy lắm nỗi gian truân, có khi cả tuần chẳng được gì, nhưng cũng có lúc mới cài vài giờ đã có thú lớn sa vào, kéo lê chiếc bẫy cả ngàn mét tạo thành vệt cày xới, người giăng bẫy cứ theo dấu vết đó để thu sản phẩm. Mười Đóng bày tỏ: "Hơn 10 năm nay, thú rừng cạn kiệt đến mức hiếm thấy dấu chân, nên tui bỏ nghề, chuyển sang trồng hơn 10ha mía và cao su, niên vụ mía năm trước thu gần 400 triệu đồng. Dẫu vậy, đôi lúc nhớ nghề, tui vẫn đi bẫy chồn, thỏ…

Vào rừng giăng bẫy

Từ Sơn Long chúng tôi sang xã An Xuân, huyện Tuy An bám theo anh Nguyễn Thanh Ngọc - một người chuyên bẫy chim thú. Rời xóm khi ánh chiều buông xuống núi, hơn một giờ đi bộ trên con đường mòn dốc sỏi, cả nhóm vào tới bờ Suối Tía dưới chân núi Hòn Dầu.

Trên đường đi, anh Ngọc kể: "Trước năm 1995, vùng đất này còn hoang sơ, giao thông cách trở, nên hoẵng, chồn, heo, nhím, sóc vào tận vườn nhà nông dân là chuyện thường. Chỉ cần lấy vài múi mít chín đặt vào bẫy, sáng ra có ngay con chồn mướp, nhưng 15 năm nay gần như thú rừng đã biến mất, tìm con chồn mướp đã khó huống gì nai, heo".

Hồi trước, người dân chỉ bẫy thú để nhậu và cải thiện bữa ăn, đến khi thịt rừng trở thành đặc sản ở các nhà hàng, thì giá thú rừng sống hấp dẫn hơn công lao động cật lực cả ngày trên nương rẫy, nên nhiều người rủ nhau vào rừng giăng bẫy kiếm thú để bán. Nhóm nào bẫy được thú, có người trong làng gom mua ngay. Theo đó, các kiểu bẫy lồng, bẫy sập, bẫy kẹp, bẫy rút dây cáp đã được khai thác triệt để, có nhóm một đêm cài đặt gần trăm chiếc bẫy, sáng ra thu được cả chục con, nhưng chỉ là chồn ngận, chồn dơi, còn chồn mướp, chồn đèn hiếm khi tìm thấy.

Trở lại chuyến đi thực tế của chúng tôi. Sau khi cài đặt xong hàng chục chiếc bẫy rút dây cáp, anh Ngọc dẫn đường vào một lán trại trong nương rẫy, rồi bày chai rượu đế ra mời cả nhóm nhấm nháp với mấy quả ổi rừng. Nghe tôi hỏi về giá thú rừng, anh Ngọc cho hay: "Thú rừng còn sống nguyên vẹn mới được giá, nếu bị gãy chân, dập đầu, thì mổ bỏ phủ tạng nhưng phải giữ nguyên bộ lông mới chứng minh được đó là thú rừng. Thời điểm này đầu nậu thu mua từ người bẫy thú rừng mỗi cân thịt chồn ngận, chồn dơi từ bảy đến chín chục ngàn đồng, chồn đèn trên dưới hai trăm, chồn mướp trên ba trăm ngàn, còn heo rừng 250.000 đồng".

Đêm ở miền rừng se lạnh, câu chuyện về nghề bẫy thú trôi theo thời gian, khiến cho cả nhóm chỉ chợp mắt hơn một giờ. Mờ sáng anh Ngọc nhìn thấy có người đi thu bẫy, nên hối thúc chúng tôi vào rừng, vì sợ thú dính bẫy bị mất trộm vốn là chuyện đã xảy ra. Chẳng biết có phải do tiết trời biến đổi hay không, mà hàng chục cái bẫy đã giăng chẳng có con thú nào, trong khi đó hai nhóm khác hớn hở mang về con chồn và con hoẵng hơn 20kg.

Trên đường về xuôi, chợt nghĩ chẳng bao lâu nữa chim thú sẽ không còn đất sống khi nạn phá rừng lấy đất làm nương rẫy còn tái diễn, dấu chân người bẫy thú rừng vẫn xâm nhập nhiều nơi và nhiều thực khách vẫn khoái khẩu với thịt rừng trong những bữa tiệc

Phan Thế Hữu Toàn
.
.
.