Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ III:

Thêm những nhịp cầu văn hóa

Thứ Hai, 08/12/2008, 09:03
Ngày 7/12, Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ III đã khép lại với nhiều dư âm lắng đọng. Bằng một tình cảm yêu mến Việt Nam tha thiết, hàng trăm công trình nghiên cứu và báo cáo khoa học đã được các nhà khoa học, các học giả trong và ngoài nước trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, nối dài thêm nhịp cầu học thuật và tri thức văn hóa, giúp bồi đắp thêm tình cảm, cảm xúc đối với đất nước Việt Nam, đồng thời mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới có giá trị.

Bên lề hội thảo, PV Báo CAND đã trò chuyện với một số nhà khoa học nước ngoài nổi tiếng, những người gắn bó với Việt Nam nhiều năm nay và từ trong sâu thẳm, Việt Nam đã trở thành quê hương thứ hai trong tâm hồn họ.

Giáo sư Peter Zinoman, ĐH California, nhà Việt Nam học uy tín ở Mỹ: Càng nghiên cứu về Việt Nam, càng thấy đất nước các bạn quyến rũ

Trò chuyện với GS Peter Zinoman (Mỹ), Tổng Biên tập Tạp chí Việt Nam học tại Mỹ, học giả Fulbright, tôi luôn tự hỏi, vì sao ông lại chọn Việt Nam để nghiên cứu sâu sắc và dành cho Việt Nam một tình yêu lạ kỳ đến như vậy.

Có lẽ bởi ông đã "làm rể" Việt Nam - vợ ông là Nguyệt Cầm, một học trò của ông từ thời ông dạy tiếng Anh tại ĐH Tổng hợp (cũ).

Ông đã nghiên cứu về Việt Nam học hơn 20 năm nay, lĩnh vực lịch sử Việt Nam hiện đại. Qua những công trình nghiên cứu và qua các bài giảng, ông đã truyền kiến thức và thắp lửa tình cảm với đất nước Việt Nam cho hàng trăm sinh viên Mỹ.

Song điều ông làm tôi thấy khâm phục hơn cả là vợ chồng ông đã dành tâm huyết để dịch tác phẩm "Số đỏ" của nhà văn Vũ Trọng Phụng ra tiếng Anh để giới thiệu ở Mỹ và nhiều nước khác. Ông cũng đang gấp rút hoàn thành một cuốn sách khác về nhà văn này.

PV: Có lẽ ông là người Mỹ đầu tiên đưa tác phẩm của Vũ Trọng Phụng ra thế giới...

GS Peter Zinoman: Tôi không dám chắc, nhưng tôi rất vui vì điều này. Năm 1999, tôi đã phát hiện 20 tác phẩm báo chí và 1 truyện ngắn bị cho là thất lạc của Vũ Trọng Phụng tại Thư viện quốc gia Pháp, sau đó NXB Hội Nhà văn đã giới thiệu những tác phẩm quý giá này trong ấn phẩm "Vẽ nhọ bôi hề" năm 2000. Tôi đã chọn Vũ Trọng Phụng, vì ông là một nhà văn lớn của Việt Nam. Tôi hy vọng, văn học sẽ là một "cửa sổ" hấp dẫn để thông qua đó, mọi người sẽ hiểu hơn về lịch sử, xã hội và văn hóa Việt Nam. Những tác phẩm bằng tiếng Anh về Vũ Trọng Phụng còn rất ít, tôi muốn người Mỹ và người châu Âu biết nhiều hơn về ông.

PV: Vì sao GS chọn Việt Nam để nghiên cứu mà không phải một nước khác?

GS Peter Zinoman: Cũng có nhiều lý do. Bố tôi làm ở Bộ Ngoại giao và ông làm việc nhiều năm ở khu vực Đông Nam Á, tôi lớn lên ở Đông Nam Á nên tôi quan tâm khu vực này từ bé. Năm 1986 tôi vào ĐH, khi đó Việt Nam mới bước vào công cuộc đổi mới và tôi đã chọn Việt Nam để nghiên cứu. Tôi cũng tò mò muốn biết sự thay đổi này sẽ ảnh hưởng như thế nào tới Việt Nam, nhưng càng nghiên cứu càng thấy sự quyến rũ, hấp dẫn bởi những giá trị văn hóa tiềm ẩn của đất nước các bạn.

PV: Việt Nam trước và sau đổi mới đã tác động như thế nào tới nghiên cứu của ông?

GS Peter Zinoman: Tôi cũng như nhiều nhà khoa học đều nhận ra sự thay đổi này. Chúng tôi có nhiều điều kiện tốt hơn để sang Việt Nam nghiên cứu, học tập, được tiếp xúc với nhiều học giả Việt Nam. Vợ tôi - Nguyễn Nguyệt Cầm là chuyên gia văn học, nên giúp tôi nhiều trong nghiên cứu. Năm 1987, tôi làm tiến sỹ tại Trường ĐH Cornell (Mỹ) và năm 1990 tôi sang Việt Nam và làm đề tài "Lịch sử Việt Nam dưới chế độ Pháp"…

PV: GS là Tổng Biên tập Tạp chí Việt Nam học ở Mỹ. GS có thể cho biết vài nét về tờ tạp chí "đặc biệt" này không?

GS Peter Zinoman: Từ năm 2006 đến nay, chúng tôi ra đều đặn 1 năm 3 số, mỗi số dày trên 250 trang. Tạp chí đăng tải những công trình nghiên cứu về Việt Nam ở tất cả các lĩnh vực với tinh thần khách quan, khoa học và những bài viết đều không có nhuận bút. Song tôi cũng phải nói thêm là hiện nay ở Mỹ ngày càng có nhiều sinh viên nghiên cứu và muốn tìm hiểu về Việt Nam và đây sẽ là cơ hội rất tốt để thúc đẩy ngành Việt Nam học phát triển tại Mỹ.

PGS. Tiến sỹ lịch sử Việt Nam Vladimir I.Antoshchenko, ĐH Quốc gia Moskva (Liên bang Nga): Tôi mong muốn trong tương lai có một mạng lưới quốc tế Việt Nam học

"Chúng tôi là giới Việt Nam học - một chuyên môn nghiên cứu tổng thể đa ngành, nên dù là nhà sử học hay nhà ngôn ngữ học, thì cũng phải có kiến thức tổng thể về Việt Nam, về văn hóa Việt Nam. Hội thảo lần này, học giả nhiều nước tập hợp về đây để trao đổi kiến thức về Việt Nam.

Thực ra, yêu Việt Nam hay không yêu Việt Nam, thì câu hỏi rất dễ trả lời, tôi cũng như các chuyên gia khác muốn làm tốt công việc thì phải yêu chuyên môn của mình. Các nhà Việt học có trình độ chuyên môn cao luôn dành cho Việt Nam tình cảm rất đặc biệt, không yêu Việt Nam thì làm sao có thể nghiên cứu về Việt Nam được.

Tôi đến với ngành Việt Nam học từ đầu những năm 1980, khi bắt đầu học tiếng Việt tại ĐH Tổng hợp Lômônôxôp ở Moskva, sau đó tôi sang Việt Nam thực tập ở Hà Nội và sau đó hơn 20 năm nay, tôi thường xuyên đến Việt Nam để nghiên cứu.

Hôm vừa rồi, rất vinh dự là chúng tôi được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gặp gỡ, trò chuyện, tôi rất xúc động và chúng tôi đều nhận ra rằng, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm tới ngành Việt Nam học. Chúng tôi rất hy vọng, sau này sẽ có một mạng lưới quốc tế Việt Nam học phủ rộng, bao gồm cả học giả trong nước và nước ngoài có thể kết hợp với nhau để đạt những thành công mới trong nghiên cứu.

Còn một chi tiết thú vị nữa là vợ tôi cũng là một nhà Việt Nam học ở Slovakia, hai vợ chồng làm quen với nhau ở Hà Nội nên có duyên lắm. Cô ấy tốt nghiệp ĐH Tổng hợp Hà Nội về văn học và lần này cũng sang dự hội thảo, ở Tiểu ban Văn học. Bố vợ tôi cũng là nhà Việt Nam học, cả hai thế hệ đều là nhà Việt Nam học. Bố vợ tôi là một người dịch giả thơ, từng dịch thơ Bác Hồ từ tiếng Việt sang tiếng Slovakia. Cụ đã mất cách đây mấy năm. Cũng có thể nói, gia đình tôi là một gia đình quốc tế, gia đình Việt Nam học nên cả gia đình tôi tham gia hội thảo này.

PV: PGS tâm đắc nhất với công trình nào của mình?

PGS Vladimir Antoshchenko: Tôi trọng tâm nghiên cứu về lịch sử Việt Nam, về văn hóa tôn giáo Việt Nam, đặc biệt là thời kỳ vua Lê, chúa Trịnh, thế kỷ XV, XVI. Tôi giảng dạy tại ĐH Tổng hợp Moskva nhiều chuyên môn liên quan đến Việt Nam học, trong đó có dân tộc học và tôn giáo, tín ngưỡng Việt Nam. Nhiều sinh viên của Nga cũng đang theo đuổi Việt Nam học.

PV: Sắp tới, PGS có hướng nghiên cứu mới nào về Việt Nam học không?

PGS Vladimir Antoshchenko: Tôi sẽ nghiên cứu về một học giả người Nga tại Viện Viễn đông Bác Cổ (Pháp), vào những năm 1920 ông sinh sống ở Hà Nội, có đóng góp, phát hiện văn hóa Đông Sơn, tranh luận rất gay gắt với học giả Pháp phản đối văn hóa đồng thau là văn hóa nguyên chất bằng sứ của Đông Nam Á, chứ không phải vay mượn ở Trung Quốc. Tôi muốn phối hợp với một số đồng nghiệp ở Xanhpêtecbua, ở Viện Viễn đông Bác Cổ Pháp để hoàn thành công trình này.

PV: Xin cảm ơn PGS!

Thu Phương
.
.
.