“Nóng” tại Ngày hội Tư vấn tuyển sinh – Hướng nghiệp 2015:

Thêm nhiều cơ hội trúng tuyển

Thứ Hai, 16/03/2015, 07:58
Hàng trăm câu hỏi thắc mắc của phụ huynh, học sinh xoay quanh những vấn đề nóng bỏng về kỳ thi ĐH, CĐ 2015 đã được tư vấn, trả lời trong Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2015. Theo Ban Tư vấn tuyển sinh thì năm nay với kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển vào ĐH, CĐ, các thí sinh sẽ có thêm nhiều cơ hội trúng tuyển hơn so với các kỳ thi trước.

Khuôn viên Trường ĐH Bách khoa (Hà Nội) sáng 15/3 đông nghịt  bởi sức “nóng” khi hàng trăm thắc mắc không chỉ của học sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT mà còn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các bậc phụ huynh. Đây là năm đầu tiên học sinh trên cả nước có một kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển vào ĐH, CĐ nên còn rất nhiều điều bỡ ngỡ.

Có mặt từ rất sớm, chị Nguyễn Thị Thủy, ở quận Đống Đa, Hà Nội đến gian tư vấn tuyển sinh của Học viện An ninh nhân dân (ANND) để tìm hiểu. Chị cho biết: “Sau khi được nghe giải thích, tôi đã tiếp cận chính xác và đầy đủ thông tin. Tôi sẽ truyền đạt lại với cháu để có quyết định cuối cùng xem nên hay không thi vào trường này”, chị Thủy tâm sự.

Năm nay, Học viện ANND tuyển sinh 1.040 chỉ tiêu. Các ngành Nghiệp vụ an ninh tuyển sinh phía Bắc từ Quảng Bình trở ra, các ngành còn lại tuyển sinh trong toàn quốc. Các ngành đào tạo đại học cho lực lượng Công an có 660 chỉ tiêu, khối thi là A, A1, C, D1; các ngành đào tạo hệ đại học dân sự có 150 chỉ tiêu, khối thi là A, A1, C, D1, tuyển sinh trên toàn quốc và chỉ xét tuyển những thí sinh xét tuyển vào Học viện ANND nhưng không trúng tuyển hệ sĩ quan.

Về chỉ tiêu tuyển nữ: các ngành Nghiệp vụ an ninh, công nghệ thông tin, gửi đào tạo tại Học viện Quân y có 10% nữ; các ngành Ngôn ngữ Anh, Trung Quốc, Luật có 15% nữ. Đối với hệ dân sự thì không giới hạn tuyển nữ. Riêng hệ CĐ năm nay chỉ tiêu tuyển sinh là 250 (có 10% nữ) và hệ trung cấp ANND1 tuyển 200 (có 10% nữ) xét tuyển trong số thí sinh dự thi Học viện ANND nhưng không trúng tuyển và có đăng ký xét tuyển CĐ, trung cấp.

Năm 2015 có nhiều thay đổi về tuyển sinh, đặc biệt là việc tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển vào ĐH, CĐ. Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2015 với 100 gian tư vấn của gần 70 trường ĐH, CĐ đã giúp cho thí sinh, các bậc phụ huynh giải tỏa các thắc mắc, tiếp cận chính xác và đầy đủ các thông tin liên quan đến việc lựa chọn, quyết định tương lai của các em. Rất nhiều học sinh còn khá bỡ ngỡ và đặt câu hỏi về phương án thi “đánh giá năng lực” của Trường ĐH Quốc gia.

Cán bộ đào tạo của Học viện ANND đang tư vấn những thắc mắc của phụ huynh, học sinh về kỳ thi tuyển sinh ĐH 2015.

Theo chuyên gia tư vấn - TS Vũ Viết Bình, ĐH Quốc gia Hà Nội thì năm 2015 ĐH Quốc gia sẽ tổ chức 2 đề thi “đánh giá năng lực”: có 50 câu hỏi về toán buộc thí sinh phải làm trong 80 phút và 50 câu hỏi về ngữ văn buộc phải làm trong 60 phút và một môn sử hoặc địa làm bài trong 50 phút.

Trong tổng thời gian 190 phút thí sinh phải làm 140 câu hỏi, sau 80 phút làm toán máy tính sẽ chuyển sang ngữ văn... “Cách đánh giá năng lực này là rất công bằng. ĐH Quốc gia Hà Nội chỉ xét tuyển khi đã đạt được kỳ thi đánh giá năng lực ”, TS Vũ Viết Bình cho biết.

Rất nhiều học sinh, phụ huynh thắc mắc và nhờ giải đáp về nguyện vọng (NV) sau khi các em bị trượt. Theo TS Mai Ngọc Đức, Trưởng ban Đào tạo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền thì nhà trường sẽ tạo điều kiện tối đa cho thí sinh nếu các em không đạt, sẽ tạo điều kiện cho các em chuyển NV.

Theo ông Đức thì chuyên ngành Báo chí tuyển sinh có 2 môn dựa trên kết quả xét tuyển kỳ thi THPT quốc gia, 3 năm THPT các em phải có điểm trung bình 6,0 và hạnh kiểm khá trở lên thì mới được xét tuyển. Riêng môn năng khiếu báo chí bắt đầu nộp hồ sơ từ ngày 10/8 và ngày 12/8 dự kiến thi, ngày 15/8 nhà trường công bố kết quả cho thí sinh.

Trả lời thắc mắc của phụ huynh về việc sau khi thi 4 môn bắt buộc THPT quốc gia có kết quả thì học sinh mới nộp hồ sơ thi ĐH? PGS.TS Trần Văn Nghĩa, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết: Từ ngày 1/4 bắt đầu đăng ký dự thi, đồng thời phải đăng ký môn xét tuyển.

Thí sinh khi đăng ký cần lưu ý là mục đích chỉ để xét tốt nghiệp thôi hay còn thi ĐH, CĐ vì có thí sinh không thi ĐH? Với thí sinh tự do các em không phải đăng ký 4 môn thi tốt nghiệp nữa mà chỉ đăng ký môn dự thi ĐH, CĐ. Tháng 8 sau khi thi xong các em được cấp 4 giấy kết quả thi, trong đó phiếu số 1 để xét tuyển NV1. Việc xét tuyển NV1 khác với xét tuyển NV bổ sung. Nếu đã trúng tuyển NV1 thì không được xét tuyển bổ sung nhưng thí sinh hoàn toàn có thể rút hồ sơ để chuyển NV nếu có nhu cầu.

Chia sẻ thêm, PGS-TS Trần Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ GD Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết: “Chúng tôi đang nghiên cứu để có thể áp dụng phương án cho thí sinh đăng kí NV qua mạng và khi thay đổi các em cũng có thể đăng kí lại qua mạng. Việc này sẽ tạo điều kiện cho các thí sinh ở xa không có điều kiện trực tiếp đến trường”.

Các chuyên gia tư vấn cũng lưu ý, mỗi đợt xét tuyển trong thời gian 20 ngày, cơ hội xem điểm trên trang web của trường là rất dài khi danh sách dự tuyển cập nhật hằng ngày từ cao xuống thấp. Phụ huynh học sinh theo dõi xem mình đang đứng ở mức nào trong danh sách để cân nhắc rút hồ sơ nộp sang trường khác. “Cơ hội của các em rất nhiều để điều chỉnh NV”- TS Vũ Viết Bình chia sẻ.

Nhiều thí sinh vẫn chưa quyết định được mình vào trường nào, ngành nào thì tại các gian tư vấn, các em đã được định hướng nghề nghiệp, chọn ngành, trường học phù hợp với năng lực và sở thích của mình. Theo ông Trần Văn Nghĩa thì học sinh thi ĐH, CĐ năm nay thuận lợi hơn nhiều so với các năm trước bởi nếu các em đăng ký sai NV thì có quyền điều chỉnh, rút hồ sơ sang trường khác.

Với quy định xét tuyển mới dù thí sinh chỉ được đăng ký NV1 vào một trường, nhưng sẽ được đăng ký tối đa đến 4 ngành khác nhau trong cùng trường. Lợi thế của năm nay là sau khi có kết quả thi thì các em mới phải đăng kí ngành, trường. Vì thế thí sinh sẽ hạn chế tình trạng bị “ trượt oan” do chọn nhầm.

Hằng Phương
.
.
.