Từ vụ 2 doanh nghiệp thép ra tòa vì tiền điện ở Hải Phòng:

Thêm bài học từ sự phát triển ồ ạt các nhà máy thép

Thứ Tư, 10/07/2013, 21:44
Hàng triệu tấn thép mỗi năm được ra lò tại Hải Phòng đã từng là giấc mơ có thật để thành phố Cảng có thêm danh hiệu mới: “Thành phố thép”. Nhưng qua vụ Điện lực Hải Phòng vừa khởi kiện 2 doanh nghiệp thép ra tòa vì nợ 23 tỷ đồng tiền điện, đã đến lúc phải xếp lại giấc mơ để tỉnh táo trong quy hoạch và định đoạt số phận đối với nhiều nhà máy thép đã từ lâu chỉ còn lại cái tên.

Trong số hàng chục nhà máy thép trên địa bàn, hiện thực chất chỉ có một vài tên tuổi có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (công suất trên 1 triệu tấn/năm) vẫn hoạt động như Posco, Việt - Úc, Việt - Hàn. Số còn lại đều là quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, công suất chỉ từ 300 - 500 tấn/năm, trong đó chủ yếu là luyện phôi thép từ phế liệu, vốn đầu tư ban đầu rất thấp. Thời điểm hình thành các nhà máy thép này cũng là lúc thị trường thép làm mưa làm gió theo chiều hướng tăng liên tục, nhu cầu thị trường rất lớn nhưng cung ứng nhỏ giọt.

Xét về phương án kinh tế, sự xuất hiện hàng chục nhà máy thép trên địa bàn Hải Phòng bấy giờ đã mang lại tính hiệu quả. Các doanh nghiệp thép "chính quy" buộc phải vào cuộc chạy đua dẫn đến thép từ chỗ khan hiếm, cao giá đã ế thừa và xuống giá...

Công ty cổ phần Thép Vạn Lợi, một ví dụ đau đớn về phát triển nóng vội.

Trong số những gương mặt mới bước vào làng thép nổi lên Công ty cổ phần Thép Vạn Lợi. Chỉ mới xuất hiện chừng 5 năm nhưng Vạn Lợi đã lớn mạnh và phát triển như một tập đoàn lớn, với 14 DN thành viên, doanh số mỗi năm đạt khoảng 10 nghìn tỉ đồng, đến năm 2012, doanh số đã cán mốc 1 tỷ USD. Thế nhưng, công ty rơi dần vào trạng thái tê liệt từng phần, đến cuối năm 2012 thì không còn hoạt động. Lúc này mới biết Vạn Lợi còn là con nợ lớn của 6 tổ chức tín dụng với nhiều món nợ xấu, trị giá hàng ngàn tỷ đồng.

Tương tự, Công ty cổ phần Thép Ðình Vũ với sản phẩm chủ lực là luyện phôi thép từ phế liệu cũng đã từng là gương mặt đình đám, làm nóng cả KCN Đình Vũ mới hình thành. Nhưng chỉ được vài năm, doanh nghiệp này đã lâm vào tình cảnh khó khăn do giá phôi làm ra cao hơn phôi thép nhập khẩu. Sau nữa là lình xình, lục đục giữa các cổ đông khiến sản xuất phải cầm chừng nhưng lỗ thì liên tục. Đến mức 70% cổ phần của công ty buộc phải chuyển nhượng cho một tập đoàn đầu tư của Australia.  

Có thể thấy rất rõ, khó khăn tật bệnh của các nhà máy thép ở Hải Phòng đã có từ lâu, thậm chí được cảnh báo về sự ồ ạt xây dựng ngay khi chưa xảy ra hệ lụy nhưng rất ít được đoái hoài. Chỉ đến khi ngành Điện thành phố khởi kiện thì hết thảy mới được phô bày. Đến tiền điện còn không lấy đâu ra để nộp thì "mũi nhọn" thế nào đây?

Kể cả việc xử lý tài sản để thanh toán nợ ngân hàng sắp tới cũng là chuyện vô cùng phức tạp. Bởi lẽ, máy móc chỉ có giá trị khi nó làm ra sản phẩm, nhưng khi không hoạt động thì khác nào đống sắt gỉ. Nhiều cán bộ ngân hàng hằng ngày vẫn đến canh chừng "khối" tài sản của các doanh nghiệp thép thiếu nợ gần như nhìn thấy kết cục: hàng chục ngàn tỷ đồng là máy móc thiết bị sản xuất thép, là tài sản thế chấp bảo đảm điều kiện thanh toán nợ sắp tới chỉ có thể bán theo giá sắt vụn. Được bao nhiêu thu hồi bấy nhiêu, còn lại đương nhiên là nợ xấu

Lê Minh Triết
.
.
.