Thế hệ hôm nay với hành trình "Về với Trường Sơn"

Thứ Tư, 11/07/2007, 23:55
Khi đoàn trường phát động chiến dịch tình nguyện, Trang đăng ký tham gia ngay. Nhưng vì Trang là con một nên bố mẹ xót "cô con gái diệu” nên nhất quyết không cho đi. Hôm cả đoàn xuất phát, Trang đã phải giấu bố mẹ lên xe đi đến nơi mới dám gọi về thông báo.

Giữa cái nắng chao chát của miền gió lào Quảng Trị, hơn 600 thanh niên tình nguyện đến từ 9 tỉnh thành: TP HCM, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Phú Yên, Khánh Hoà, Bà Rịa –Vũng Tàu, Bình Phước và Quảng Trị đã tụ hội về nghĩa trang Quốc gia đường 9 (Thị xã Đông Hà – Quảng Trị) và nghĩa trang Trường Sơn trong chuyến hành trình “Về với Trường Sơn” kéo dài từ ngày 4/7 – 14/7/2007.

Trong số đó, có rất nhiều bạn trẻ lần đầu tiên được tới Quảng Trị. Họ đều là những người con được sinh ra và lớn lên trong hoà bình. Được học tập và có một cuộc sống yên bình nhưng không vì thế mà họ quên đi những hy sinh, mất mát, máu và nước mắt mà các các chiến sĩ đã ngã xuống vì độc lập và tự do cho tổ quốc, cho những thế hệ về sau.

Sơn lại phần mộ đã ngả màu, thắp một nén nhang để tưởng nhớ, Hà Thu Trang - cô sinh viên năm thứ nhất đến từ Bà Rịa – Vũng Tàu, lại mang những tâm sự rất riêng với một câu chuyện rất cảm động.

Trang là con một trong một gia đình khá giả, khi đoàn trường phát động chiến dịch tình nguyện Trang đăng ký tham gia ngay, nhưng bố mẹ xót "cô con gái diệu”, lo con phải chịu vất vả nên nhất quyết không cho đi. Hôm cả đoàn xuất phát, Trang đã phải giấu bố mẹ lên xe đi đến nơi mới dám gọi về thông báo.

Trang kể rằng: Ông nội em trước kia cũng từng chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, ngã xuống mà không tìm được mộ. Bà nội Trang vất vả một mình nuôi các con khôn lớn. Nay bà đã lẫn, lúc tỉnh lúc mê, có khi tự nhiên oà khóc như đứa trẻ, con cháu trong nhà gặp mặt mà không nhớ nổi tên. Thế nhưng đêm nào cũng vậy, bà lên ban thờ thắp hương cho ông đều đặn, rồi còn lẩm bẩm ngồi nói chuyện với ông nữa.

Có hôm cả nhà tá hoả lên tưởng bà đi lạc, tìm khắp mọi nơi mà không thấy, cuối cùng Trang tìm được bà đang ngồi một góc cạnh ban thờ ở tầng thượng. Tay bà mân mê chiếc kẹp đã gỉ sắt mà ông tặng bà, bà vừa nói chuyện 1 mình vừa cười rồi lại khóc, nước mắt người già hiếm hoi chỉ như giọt sương đọng trên khoé mắt.

Trang thương bà nhiều lắm, em theo đoàn lên Quảng Trị lần này mang theo hy vọng mong manh là nhờ các cô chú ở đây tìm tin tức về ông. Để bà được thanh thản.

Giữa mênh mông của núi rừng Quảng Trị, nắng vẫn vàng, hoa vẫn nở trong yên bình. Nhiều bạn trẻ đã chia sẻ rằng, họ lên đây không phải vì tò mò hay vì nhiệm vụ bắt buộc mà vì họ cảm thấy mình được thanh thản hơn khi đóng góp một chút công sức nhỏ bé chăm lo tới phần mộ của các anh. Bởi chính nhờ tất cả những hy sinh ấy mà chúng ta mới có được cuộc sống như hôm nay.

Cặm cụi nhổ từng túm cây dại, thay từng chiếc lư hương nóng bỏng tay giữa nắng trời gay gắt. Anh Nguyễn Văn Ngọc hiện đang là công an ở Quảng Trị, vừa làm việc vừa kể với chúng tôi rằng. Chỉ vài hôm nữa là anh sẽ lấy vợ, đáng lẽ những ngày cuối tuần anh phải cùng người yêu chuẩn bị hôn sự. Thế nhưng, anh đã tạm gác lại để theo đoàn lên đây.

Gia đình anh cũng có đến 3 người ngã xuống tại chiến trường Quảng Trị. Anh Ngọc còn may mắn hơn hàng vạn gia đình Việt Nam khác đang ngày ngày mong ngóng tìm được mộ người thân và hàng nghìn ngôi mộ khuyết danh đơn côi nằm lại nghĩa trang này.

Các đội vừa nghỉ vừa tranh thủ phổ biến nhiệm vụ mới.
Phần mộ của các anh đã trở nên khang trang hơn sau khi được chăm sóc.
Dưới cái nóng như thiêu như đốt của nắng và gió, các bạn vẫn miệt mài làm việc.
“Đừng chụp ảnh em, ở kia còn rất nhiều bạn khác vất vả hơn em nhiều”.
“Cậu phải chà mạnh bàn chải thế này thì quét sơn mới lên sẽ đẹp hơn !”.
“Alô! Cả đoàn cố gắng đừng để cảm nắng, tối nay chúng ta có giao lưu văn nghệ đấy !”.
Chị Đoàn Kim Hương và Mai Thị Lan - hai du khách từ ngoài bắc vào Quảng Trị, thắp nén nhang để tưởng nhớ hương hồn các liệt sỹ.
Nụ cười sau vành mũ Trường Sơn.
Chung sức cùng nhau làm việc.
Đội trưởng: “Mọi người nhớ thu dọn rác, đồ đạc sau khi hoàn thành việc nhé !”.
Hoa vẫn nở trong yên bình.
“Cười lên để chụp ảnh lưu niệm nào”.
Thấp thoáng bóng trẻ con trong đoàn người tiếp tục về với Trường Sơn.

Xuân Quỳnh
.
.
.