Thầy trò Trường THPT Hoàn Kiếm (Hà Nội) đón Tết sớm tại Sốp Cộp, Sơn La

Thứ Bảy, 06/02/2010, 15:25
Vượt 320km từ Hà Nội lên đến TP Sơn La, rồi đi hơn 100km nữa để đến trung tâm huyện Sốp Cộp, và cuối cùng là ngồi trên thùng xe tải "tăng bo" hơn 1 giờ đồng hồ giữa cát bụi và gió Lào…, các "cô tú, cậu tú" Hà Thành đến với đồng bào và chiến sỹ Biên phòng xã Mường Lạn trong những ngày giáp Tết Canh Dần. Đã 2 năm nay, cứ Tết đến, thầy trò Trường THPT Trần Phú (Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại lên đường như thế. Những chuyến đi như thế này đã cho các em những trải nghiệm không sách vở nào dạy được.

Hiểu được ý nghĩa của một chiếc kẹo

Nhắc đến Sốp Cộp, không cần phải nói gì nhiều, người ta đều liên tưởng đến sự nghèo. Thậm chí, có ai đó còn gọi huyện là Sốp Cộp "không quần áo", khi chứng kiến cảnh những đứa trẻ lấy da thịt chống chọi với mùa đông. Xã biên giới Mường Lạn thì lại càng nghèo, với những xóm bản cách nhau cả ngày đường, nằm chon von trên đỉnh núi.

Mất quá nhiều thời gian và sức lực trên đường đi, nhiều em còn lảo đảo vì say xe, nhưng vừa trèo xuống xe tải tất cả đã vội vã tranh thủ đi tặng quà và thăm điều kiện ăn ở, học hành của các em nhỏ tiểu học. Tất cả đều lặng người trước "cơ ngơi" bán trú của các em. Nó chỉ là những tấm vách tranh được giữ bằng vài cái cọc tre. Tất cả học sinh và thầy cô Trường THPT Trần Phú lần đầu tiên mới tận mắt nhìn thấy cảnh các em nhỏ mới chỉ 6, 7 tuổi, gầy gò lấm lem phải tự chăm sóc mình.

Niềm vui của các em học sinh Trường tiểu học Mường Lạn.

Trong căn phòng tuyềnh toàng, nồi xoong bát đĩa của các em mốc xanh mốc đỏ, chăn quện bùn đất. "Đây là năm nhà ở của các em đàng hoàng nhất rồi" - nhìn vẻ mặt của các đồng nghiệp miền xuôi, thầy giáo miền ngược vội giải thích. Tuy khó khăn là thế, nhưng học sinh Mường Lạn lại học rất khá, nhiều em đạt danh hiệu học sinh giỏi của huyện.

Để chuẩn bị cho đêm văn nghệ mừng Tết sớm, trên bãi đất trống trước cửa đồn, các cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng 453 đã kỳ công dựng một cây đào tuyệt đẹp - thứ hiếm hoi mà miền núi hơn hẳn miền xuôi. Thêm một tấm phông được căng lên để phân biệt sân khấu. Một chiếc đàn ooc-gan và dàn loa được Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh mang từ TP Sơn La vào. Thế là đã đủ! Chưa đến giờ biểu diễn, bà con đã tập trung đông nghịt. Có những bà, những mế đã 80 tuổi cũng đi bộ từ sớm xuống trung tâm xã để nghe hát.

Trung tá Phạm Hồng Tuấn - Đồn trưởng Đồn Biên phòng 453 xúc động: "Chưa bao giờ có một đoàn đông vui thế này đến với chúng tôi". Dù thật giản dị, đó vẫn là cái Tết sớm vô cùng rạo rực với mọi người. Bộ đội hát, cô giáo và các em học sinh Mường Lạn múa những điệu truyền thống, đám đông hò reo, nhảy múa. Thậm chí, các bạn nhỏ Pú Hao, xúng xính trong những bộ váy Mông sặc sỡ, đã phải đi bộ 16km xuống chỉ để tham gia 1 tiết mục múa "Chúng tôi là người Mông", rồi lại đi bộ về vào lúc 10h tối. Các em nhỏ mắt tròn xoe nhìn những quả bóng bay các anh chị mang từ Hà Nội lên.

Thạch Thảo - "mỹ nhân răng khểnh" người Thái rỉ tai tôi: "Cô lấy cho cháu mảnh bóng bay nhé" và vô cùng háo hức với chỉ một mảnh của quả bóng vỡ trên tay. Màn chia kẹo cũng gây nên rất nhiều cảm xúc, không chỉ có các em nhỏ, mà các anh chị Trường THPT Trần Phú. Thùy Linh - học sinh lớp 12A1 nói nhỏ: "Em không biết là mấy cái kẹo này có nhiều ý nghĩa thế. Mấy đứa trẻ trông vô cùng hạnh phúc. Có cảm giác như không phải em đang chia kẹo mà đang chia sẻ niềm vui".

Ấm áp tình người

Đến với miền biên cương của Tổ quốc là đến với nơi có những chiến sỹ Biên phòng 18, 20 năm công tác chỉ được ăn Tết cùng gia đình vài lần; và nhiều em bé hiếm hoi mới được ăn no, mặc ấm. Thiếu úy Hoàng Văn Phi, người Nam Định, 8 năm ở đồn mới được về quê ăn Tết 2 lần. Thượng úy Phạm Văn Thức, quê ở Hưng Yên, công tác ở đồn 15 năm mới được về ăn Tết quê 4 lần. Trung úy Phạm Văn Sơn, quê Thái Bình, 18 năm công tác thì có 16 năm ăn Tết xa nhà…

Ở Đồn biên phòng 453, có rất nhiều hoàn cảnh như vậy. Tết này, đồn cũng trực 80% quân số. Chỉ những đồng chí hoàn cảnh gia đình đặc biệt mới được ưu tiên nghỉ Tết. "Đồn là nhà, biên giới là quê hương" là thế. Thượng úy Phạm Thái Hòa, Phó Đồn trưởng Đồn 453 tâm sự: "Tết ở đây về vật chất thì cũng chẳng thiếu gì. Lợn anh em tự nuôi, rau tự trồng, đào thì lên núi chặt. Bà con dân bản cũng như người nhà. Nhưng cũng có những phút chạnh lòng".

Bởi thế, năm nay, các em học sinh Trường THPT Trần Phú còn mang theo 100 chiếc khăn len để tiếp thêm hơi ấm cho các chiến sỹ Biên phòng trong mùa đông. 100 chiếc khăn này, các em đã tỉ mẩn đan trong suốt một tuần. Ý tưởng đan khăn này có được khi các em thăm Đồn Biên phòng Pò Hèn (Móng Cái, Quảng Ninh) vào Tết Kỷ Sửu. Thấy trời lạnh quá, mà các anh bộ đội đứng gác chẳng ai có khăn, các em đã bàn nhau thức suốt đêm, mỗi người đan một đoạn. Đến sáng, chiếc khăn cũng chỉ được chừng hơn 1m. Nhưng đó là chiếc khăn đẹp nhất, ấm áp nhất các anh Bộ đội Biên phòng đã được quàng.

Tôi nhớ rằng trong chuyến đi đó, thầy trò Trường THPT Trần Phú đã mang theo rất nhiều quà. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Chiệu còn tiết lộ: Có cô giáo trong trường gửi đoàn 10 triệu đồng để tặng bộ đội và học sinh đón Tết, nhưng dặn đi dặn lại thầy đừng nêu tên. Khi được yêu cầu ghi số tiền lên trên phong bì, cô giáo cũng từ chối, bởi: Thế thì mọi người nhận ra chữ em mất. Nhưng tất cả những món quà vật chất ấy, không đáng gì so với niềm hạnh phúc lớn lao mà mọi người đã mang đến  cho đồng bào Mường Lạn.

"Em sẽ đến đây dạy học" - cô bé 16 tuổi đang ngồi tết tóc cho một em nhỏ Mường Lạn nói nhỏ nhưng quả quyết. Tôi nhìn dáng vẻ người lớn của cô, hiểu rằng không ai dám chắc về tương lai. Nhưng dù có làm được hay không, thì những điều này đều sẽ trở thành ký ức, sau này sẽ trở lại nhắc cô bé rằng: Em đã có một tuổi 16 muốn sống cống hiến

Vũ Hân
.
.
.