Thầy giáo phạm tội và niềm tin trên 'đường về nẻo thiện'

Thứ Năm, 27/08/2015, 08:41
Từng là một thầy giáo, Nguyễn Chính Biên (40 tuổi), trú xã Phú Hòa, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh đã không cưỡng được cám dỗ và sa chân vào con đường buôn bán ma túy và phải trả giá cho 20 năm tù giam. Đường về còn xa ngái nhưng Biên vẫn đang nỗ lực cải tạo tốt để mơ về một ngày về...
Ở Trại giam số 6 – Bộ Công an (Thanh Chương, Nghệ An), thông tin về đặc xá thu hút sự quan tâm không chỉ của những phạm nhân được đề nghị đặc xá, trở về dịp này. Xôn xao, hồi hộp là tâm trạng của Nguyễn Chính Biên (40 tuổi), trú xã Phú Hòa, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh, cũng như hàng nghìn phạm nhân khác ở trại, dù ngày về của anh và họ - những phạm nhân ngoài diện đặc xá - còn khá xa vời…

Biên sinh ra trong một gia đình có bố là bộ đội, mẹ làm nông và được bố mẹ nuôi dạy, cho ăn học tử tế. Tốt nghiệp đại học sư phạm, anh được tăng cường lên miền núi dạy học, 2 năm sau thì về xuôi công tác tại trường tiểu học gần nhà, thâm niên đứng bục giảng cũng ngót chục năm. Cuộc sống mưu sinh cứ êm đềm trôi qua nếu như “ông giáo làng” không tham vọng đổi đời và bị lóa mắt bởi đồng tiền.

 “Năm 2006, tôi theo lời bạn bè rủ vào Nghệ An vận chuyển ma tuý. Biết là sai trái nhưng trong đầu chỉ nghĩ cách làm sao kiếm được nhiều tiền nên tôi nhắm mắt làm liều. Chỉ cần đi từ sáng hôm trước, mang ma tuý vào Nghệ An, trưa hôm sau quay ra là tôi có ngay 15 triệu đồng, trong khi lương giáo viên thời điểm đó chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng, lợi nhuận mỗi ngày bằng một năm lương khiến tôi không kiềm chế được…”, Biên kể.

Làm một lần trót lọt, thấy dễ, Biên làm tiếp lần thứ hai, thứ ba (tổng cộng vận chuyển 12 bánh), đến lần thứ 3 thì bị Công an Nghệ An bắt giữ. TAND tỉnh Nghệ An xử phiên sơ thẩm chỉ phạt Biên 20 năm tù và số tiền 20 triệu đồng, nhưng xét thấy tính chất, mức độ nghiêm trọng của vụ án, phía Viện kiểm sát đã kháng nghị tăng mức hình phạt, và phiên phúc thẩm TAND Tối cao quyết định xử Biên chung thân. Cuộc sống của một thầy giáo tiểu học khép kín sau song sắt từ đó…

Phạm nhân Biên bên bài báo tường Xuân Ất Mùi.

Là phạm nhân án dài, ngoài Bắc vào nên sự khác biệt về môi trường tác động đến Biên ghê gớm, tư tưởng bị chông chênh. “Bố mẹ tôi có 3 người con thì hai người là giáo viên, bản thân tôi và vợ cũng là giáo viên, chẳng ai nghĩ thầy giáo lại đi buôn ma tuý cả…”, anh buồn bã nói. Nhớ lại cảm giác vợ ngơ ngác khi hay tin chồng phạm tội về ma tuý và liên tục hỏi: “Tại sao lại như thế hả anh?” khiến Biên càng day dứt hơn bao giờ hết.

“Ngồi trong trại giam, tôi vô cùng ân hận. Càng hận mình, tôi càng cảm thấy mất phương hướng, mất niềm tin. Không biết liệu có ngày trở về hay không và bao giờ thì được về. Nhiều lúc tôi định buông xuôi tất cả, hay là mình chết đi chứ sống nhục nhã mà không có tương lai…” – Biên kể. Thế nhưng, Ban Giám thị và Hội đồng cán bộ đã kịp thời nắm bắt tư tưởng, tìm cách gặp gỡ và chỉ cho anh hướng cải tạo.

“Tôi bị ấn tượng bởi câu nói của Giám thị Nguyễn Viết Hoàn trong đêm Giao thừa Tết 2011: “Các anh các chị bên ngoài xã hội đều là cán bộ nhà nước, vì những lý do chủ quan, khách quan mà vi phạm pháp luật. Khi vào đây, chúng tôi là những người định hướng, giáo dục các anh các chị cải tạo để trở về với xã hội. Dù các anh, các chị có hoàn cảnh khó khăn như thế nào cũng hãy biến những điều không thể thành có thể…”. Từ câu nói này, tôi thực sự bị thay đổi”, Biên tiếp lời.

Đại uý Nguyễn Văn Diệu, cán bộ giáo dục Phân trại số 1 cho biết, việc phạm nhân Nguyễn Chính Biên tham gia Cuộc thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và đoạt giải nhất toàn trại là một minh chứng rõ ràng nhất về sự thay đổi. Dù được cán bộ Diệu định hướng nhưng chính Biên là người nghĩ kịch bản và tự tin trình bày trước hội thi.

Kể câu chuyện xúc động về “hai bàn tay” để nói về nghị lực phi thường của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành và quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, Biên còn gây ấn tượng bởi phần liên hệ bản thân: “Khi vấp ngã, có người có gia đình, vợ con, bạn bè ở bên động viên, chia sẻ, nhưng cũng có những người không có những yếu tố ấy mà phải tự nhận thức được việc làm sai trái của mình để tự đứng dậy, sửa chữa lỗi lầm trong quá khứ, bắt đầu bằng chính hai bàn tay của mình…”.

Ở tù gần 10 năm không có nghĩa là đã quen với cảm giác trống trải, nhớ nhà, bởi “một ngày ở tù bằng nghìn thu ở ngoài”, Biên nói, cứ đến bữa cơm chiều là anh nhớ vợ, nhớ con quay quắt. “Cuộc sống vợ chồng nếu cứ sáng gặp, tối gặp thì không cảm nhận được nỗi nhớ nó lớn lao như thế nào, nhưng khi phải xa gia đình và trải qua cảm giác muốn gặp, mong gặp nhưng không thể gặp được thì rất dằn vặt, chứ không chỉ đơn thuần là xao xuyến đâu” - Biên chia sẻ.

Ngoài giây phút sum họp gia đình, những lúc thời tiết se lạnh cũng khiến anh chạnh lòng. “Những lúc ấy tôi thường viết nhật ký, mượn những cuốn nhật ký để trải lòng mình ra cho vơi đi chứ không biết làm gì hơn…” - anh nói.

Trong bài báo tường “Tâm tình người lầm lỗi” Xuân Ất Mùi, anh viết: “Xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Ban Giám thị và các cán bộ bao năm qua đã cho chúng tôi, những con người của một thời lầm lỗi được tu dưỡng, rèn luyện trong một môi trường ấm áp tình người, trong sự cảm thông chia sẻ. Tất cả như những bàn tay đã nâng đỡ chúng tôi được sống tốt hơn, có ý nghĩa hơn trên con đường trở về nẻo thiện…”.

Đợt đặc xá dịp 2-9 lần này, Trại giam số 6 có gần 400 phạm nhân được đề nghị đặc xá và không có Biên. Nhưng thông tin về đặc xá vẫn thu hút anh và các bạn tù, đơn giản bởi chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước không khiến anh bi quan hay tiêu cực, mà càng bồi đắp thêm niềm tin vào ngày trở về. “Nếu có thể, cho tôi gửi lời chúc mẹ và vợ luôn luôn mạnh khỏe, an tâm rằng con trai của mẹ, chồng của vợ đang cố gắng tu dưỡng, rèn luyện để sớm được trở về, sum họp gia đình” – Biên tâm sự.

Anh nói, suốt từ khi anh bị bắt đến bây giờ vợ chưa bao giờ trách móc anh, duy chỉ có một lần vào thăm, chị nói: “Anh sướng thật, anh vào đây để hai con một mình em nuôi…”. Nhưng cũng chính tình yêu và sự vị tha của vợ càng ám ảnh anh. Còn mẹ anh, lần vợ sinh đứa con thứ hai, bà đặt tên cháu là Thức, với mong muốn con trai mình thức tỉnh, không lầm đường lạc lối. Dù giận lắm nhưng mẹ vẫn thường xuyên trực tiếp hoặc gián tiếp gửi quà để động viên anh sớm trở về.

Từ chung thân đến giảm án và được đặc xá trở về quả là chặng đường đầy gian khó. Đôi lúc anh nghĩ, chắc chỉ có trong mơ thôi. Nhưng giờ đây anh tin giấc mơ đó có thật, có điều chẳng có phép màu nào cả, chỉ có thể bằng nỗ lực cải tạo tốt của bản thân anh mà thôi…

Quỳnh Vinh
.
.
.