Tháo gỡ vướng mắc về thủ tục visa cho doanh nghiệp lữ hành

Thứ Hai, 29/06/2015, 09:01
Chính phủ vừa đồng ý miễn thị thực đơn phương cho 5 quốc gia, nâng tổng số quốc gia miễn thị thực đơn phương lên 13 nước, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp (DN), đây là tín hiệu vui, đồng thời là một trong nhiều giải pháp hút khách quốc tế đến Việt Nam.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia du lịch, chỉ bằng cách nới lỏng visa không thể cứu được ngành Du lịch, nếu không tiến hành đồng bộ các giải pháp liên quan. Miễn visa là một trong những nhóm chính sách quan trọng để thu hút khách du lịch đến với mỗi quốc gia.

Phát biểu tại Hội nghị phổ biến Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, do Tổng cục Du lịch tổ chức ngày 26/6, Đại tá Trần Văn Dự, Phó cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập  cảnh, Bộ Công an cho biết: Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015) có những điểm mới trong chính sách thị thực (visa), tạo thuận lợi cho khách du lịch khi sang Việt Nam.

Cụ thể, nếu trước kia visa du lịch của du khách chỉ có thời hạn trong một tháng, thì nay thời gian được kéo dài lên tới 3 tháng. Đó là chưa kể, từ ngày 1/7/2015, Chính phủ Việt Nam đã ra thông báo sẽ miễn visa đơn phương cho 13 quốc gia, thay bằng 7 quốc gia như trước kia.

Theo đại diện DN du lịch Phượng Hoàng, việc này là một trong những điểm nhấn, tác động đến quyết định của du khách khi cân nhắc chọn Việt Nam là điểm đến. Còn theo Tổ chức du lịch thế giới, miễn visa là một trong những nhóm chính sách quan trọng để thu hút khách du lịch đến với mỗi quốc gia. Song bên cạnh mặt tích cực này, các quốc gia cũng phải tính đến vấn đề an ninh, kiểm soát lượng khách nhập cảnh, vì chưa chắc 100% lượng khách nhập cảnh đến với mỗi quốc gia đều có mục đích tốt.

Bàn về điều này, ông Dự thông tin: Với quy định miễn visa đơn phương, bên cạnh chính sách nới lỏng như hiện nước ta đã miễn visa đơn phương cho 13 quốc gia, nhưng song song với đó, ta cũng có những quy định cụ thể nhằm ràng buộc du khách, tránh tình trạng nhập cảnh lộn xộn và "khách không mời mà đến" ào ạt như thời gian qua. Ngoài ra, để hạn chế tình trạng nhiều người nước ngoài lợi dụng danh nghĩa sang Việt Nam du lịch nhưng lại ở lại làm việc trong các khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm của nước ta, ông Dự thông tin: Nếu trước kia Luật không quy định cụ thể việc cấm chuyển đổi mục đích của visa nên có tình trạng nhiều lao động nước ngoài tràn vào Việt Nam làm việc dưới danh nghĩa visa du lịch, nhưng sau khi Luật Xuất nhập cảnh có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015, visa sẽ không được phép chuyển đổi mục đích sử dụng, tức khách quốc tế vào Việt Nam chỉ được thực hiện mục đích duy nhất là du lịch. Ghi nhận nhiều vấn đề thắc mắc, vướng mắc của DN du lịch khi thực hiện Luật trong thực tế và đã được lãnh đạo Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an giải đáp cụ thể, rõ ràng từng trường hợp.

Cũng theo lãnh đạo Cục này, việc phổ biến Luật đến các DN là vô cùng cần thiết, đặc biệt khi ngày 1/7/2015, Nghị quyết về việc miễn thị thực đơn phương cho công dân 5 nước châu Âu bao gồm: Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ý khi nhập cảnh Việt Nam chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Quản lý xuất nhập cảnh cũng cho biết, cần có thời gian để đánh giá, nhìn nhận Luật XNC đi vào thực tiễn có vướng mắc gì và cần điều chỉnh gì không để phù hợp với thực tế.

L.Hiệp
.
.
.