Kỷ niệm 61 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2015):

Thành phố trẻ bên dòng Nậm Rốm

Thứ Năm, 07/05/2015, 06:58
Sinh thời, trong một lần lên thăm Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp căn dặn: “Bà con các dân tộc trong tỉnh phải đem tinh thần của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vào công cuộc xây dựng tỉnh Điện Biên giàu mạnh…”. Vâng lời Đại tướng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Điện Biên đã chung lưng đấu cật, nỗ lực vươn lên thoát đói, đuổi nghèo. Bên dòng Nậm Rốm ngầu đỏ đã xanh thắm trở lại, một thành phố văn minh, hiện đại đã và đang được dựng xây…

Như một lời ước hẹn, năm nào cũng thế, cứ vào dịp tháng 5 lịch sử, cựu chiến binh Hoàng Ngọc Tuế, nguyên chiến sĩ Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 lại lặn lội từ Hải Dương lên Điện Biên Phủ. Ông đi khắp các nghĩa trang liệt sĩ, thắp nén nhang cho những đồng đội đã ngã xuống trong “56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm/ Mưa dầm cơm vắt”. Chính ông cũng không thể hình dung sáu mươi mốt năm sau trận thư hùng năm ấy, Điện Biên Phủ hôm nay đã có những bước chuyển mình dữ dội. Ông bảo, năm nay đã bước sang tuổi 85, quĩ thời gian còn ít lắm nên ông càng phải lên nhiều để chứng kiến sự đổi thay từng ngày của mảnh đất “Mường Trời” (Tiếng Thái Mường Thanh hay Mường Then có nghĩa là “Mường Trời”).

Hơn sáu thập kỷ đã qua, nơi chiến địa xưa giờ ngút ngát một màu tươi mới. Điện Biên Phủ bây giờ là một đô thị loại III với 7 phường, 2 xã, dân số hơn 56.000 người, xứng đáng là thủ phủ của đại ngàn Tây Bắc. Do vị trí địa lý đắc địa và hoàn cảnh lịch sử để lại, hiếm có tỉnh nào như Điện Biên lại hội tụ hầu như đầy đủ các hình thái du lịch hấp dẫn nhất hiện nay. Chỉ tính riêng trong năm 2014 đã có gần 500 ngàn du khách trong và ngoài nước lên với Điện Biên Phủ, doanh thu từ ngành “công nghiệp không khói” đạt trên 600 tỷ đồng.

Một góc thành phố Điện Biên Phủ hôm nay.

Tháng 5, đi giữa đại lộ Võ Nguyên Giáp rộng thênh thang với bao công trình khang trang, bề thế không riêng gì CCB Hoàng Ngọc Tuế mà ngay cả những người dân sống trên mảnh đất lịch sử này đều không khỏi ngỡ ngàng. Nếu như năm 1992 thị xã Điện Biên Phủ được thành lập trên cơ sở chia tách một phần xã Thanh Minh và thị trấn Mường Thanh với lèo tèo vài nóc nhà, cơ sở hạ tầng xập xệ thì nay TP. Điện Biên Phủ đã bê tông hóa gần 200km đường đến tận các bản làng, khu phố; tỷ lệ nhà ở kiên cố, bán kiên cố đạt 91%; 100% dân số được dùng điện lưới quốc gia; 97% dân số nội thành được dùng nước sạch. Hiện trên địa bàn thành phố có trên 300 doanh nghiệp, gần 3.000 hộ và cơ sở kinh doanh thương mại - dịch vụ, thu nhập bình quân đầu người năm 2014 ước đạt 2.500USD, đến nay thành phố chỉ còn hơn 1% hộ nghèo.

Là một người con quê lúa Thái Bình nhưng có đến quá nửa đời người gắn bó với xứ sở “Mường Trời”, ông Nguyễn Huy Dự, Chủ tịch UBND TP. Điện Biên Phủ cho biết: “Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Điện Biên Phủ lần thứ V, năm nay (2015), TP Điện Biên Phủ sẽ chính thức được “thăng hạng” lên đô thị loại II.

Đến năm 2020, thành phố miền cực Tây của Tổ quốc này sẽ thực hiện đề án quy hoạch tổng thể về xây dựng cơ sở hạ tầng với gần 20 hạng mục lớn, trên diện tích gần 15.000 ha. Cả bốn phía không gian thành phố sẽ được mở rộng, đặc biệt là khu công nghiệp Đông Nam với diện tích gần 70ha, chạy dọc tuyến đường ASEAN, kênh tả Nậm Rốm; hình thành các khu công nghiệp sẽ tận dụng địa hình tự nhiên, tổ chức theo nhóm sản xuất hàng hoá hiện đại và bền vững”.

Được biết, ngay trong năm 2015, thành phố sẽ tiến hành đầu tư một loạt hạng mục bề thế như: Dự án Khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang - Mường Phăng với số vốn khoảng 1.000 tỷ đồng, Dự án khu đô thị ven sông phường Nam Thanh 700 tỷ đồng, tuyến đường kết nối cầu Thanh Minh với bản Púng Tôm gần 200 tỷ đồng…

Một trong những điển hình về sự năng động trong phát triển kinh tế, vươn lên thoát đói đuổi nghèo ở Điện Biên Phủ là phường Him Lam. Khi mới thành lập, Him Lam được gọi với cái tên tủi buồn là “phường 135” (Chương trình 135 của Chính phủ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội những xã đặc biệt khó khăn) nhưng hiện nay Him Lam lại trở thành một “đầu tàu” kinh tế của thành phố.

Mùa vàng ở cánh đồng Mường Thanh. Ảnh: Trường Giang.

Bên di tích đồi Him Lam đỏ lửa năm nào là những khu phố được quy hoạch, xây dựng hiện đại. Các khu dân cư tập trung được xây dựng men theo bờ kênh Nậm Rốm, với điểm nhấn là Khu sinh thái Him Lam, khách sạn Mường Thanh, hồ Huổi Phạ... Him Lam đã và đang trở thành điểm nhấn làm sinh động bức tranh hoàn mĩ của một thành phố miền biên ải.

Him Lam cũng chính là nơi đặt “đại bản doanh” của 2 doanh nhân, “đại gia” ngàn tỷ nổi tiếng cả nước đó là ông Lê Thanh Thản, Giám đốc DNTN số 1 Điện Biên – người sở hữu gần 50 khách sạn Mường Thanh từ 2-5 sao cùng các khu đô thị sinh thái ở 63 tỉnh, thành phố. Người thứ hai là “đại gia” Bùi  Đức Giang, Giám đốc DNTN số 6 Điện Biên. DNTN số 6 là doanh nghiệp duy nhất của tỉnh Điện Biên nhiều năm liên tục được trao tặng Giải thưởng Sao Vàng Đất Việt, nằm trong tốp 30 doanh nghiệp tiêu biểu Việt Nam được tặng Cúp hội nhập kinh tế quốc tế với các thương hiệu mang tên Him Lam như: Khu du lịch sinh thái Him Lam, Siêu thị Him Lam, Xe khách Him Lam...

Dẫn CCB Hoàng Ngọc Tuế và chúng tôi đi tham quan ngôi nhà bằng gỗ lim độc nhất vô nhị rộng 500m2 với vốn đầu tư bước đầu hơn 200 tỷ đồng, ông Bùi Đức Giang chia sẻ về những năm tháng vượt khó đi lên cũng như tham vọng xây dựng “một tinh thần Điện Biên Phủ” trong sản xuất kinh doanh.

Nhìn sức bật của một thành phố trẻ, mục kích cơ ngơi bề thế của lớp con cháu, CCB Hoàng Ngọc Tuế không khỏi xúc động và tự hào. Lớp con cháu hôm nay đã và đang nỗ lực hết mình để tri ân, đền đáp thế hệ cha anh đã đổ bao mồ hôi và giọt máu đào cho sự phát triển, bình yên và trường tồn của miền biên viễn …

Ông Lâm Văn Năm, Bí thư Thành ủy TP Điện Biên Phủ: Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh và Đảng bộ thành phố, mục tiêu phấn đấu từ nay đến năm 2020, TP. Điện Biên Phủ sẽ thực hiện đề án quy hoạch tổng thể về xây dựng cơ sở hạ tầng với 20 hạng mục lớn, trên diện tích gần 14.500 ha, quy mô dân số khoảng 70.000 người. GDP đạt 3.380 USD/người. Điểm nhấn không gian đô thị Điện Biên Phủ chính là sự kết nối hài hòa với cánh đồng Mường Thanh, đan xen với những bản làng văn hoá truyền thống của người Thái và các dân tộc anh em khác là các khu du lịch sinh thái mà thiên nhiên ban tặng cho Điện Biên.
Hoa Oanh Vũ
.
.
.